Công nhân đo chỉ số công-tơ điện của người dân trên phố Thái Hà

Công nhân đo chỉ số công-tơ điện của người dân trên phố Thái Hà

Xăng - điện “nắm tay nhau” tăng giá: Áp lực dồn nặng lên vai người lao động

Giá xăng tăng liên tiếp nhiều phiên gần đây và ngày 30/11, Bộ Công Thương thông báo giá điện chính thức tăng 6,08% từ 1/12 khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Đặc biệt vào dịp cuối năm, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng cao tạo áp lực nhiều phía lên túi tiền và đời sống của người lao động.

Ngỡ ngàng với giá điện tăng

Cuối giờ chiều ngày 30/11, Bộ Công Thương công bố tăng giá điện thêm gần 100 đồng/kWh thành 1.720,65 đồng kể từ ngày 1/12 khiến nhiều người bất ngờ. Đặc biệt là người dân và giới doanh nghiệp. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành tiêu thụ điện lớn như sản xuất thép, xi măng thì điều này rõ ràng như dính phải cú đấm không được đề phòng.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: “Giá điện sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn do chi phí sản xuất đầu vào tăng”.

Chia sẻ tại buổi họp báo của Bộ Công Thương chiều 1/12, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam - cho biết: “Chúng tôi cũng mới được biết thông tin tăng giá điện, quả thật hơi bất ngờ. Lẽ ra có một kế hoạch từ trước thì mọi người tiếp cận giá điện mới một cách thoải mái hơn. Chúng ta đều biết giá điện tăng thì không chỉ liên quan trực tiếp đến việc chi trả tiền điện của người tiêu dùng mà nó còn là đầu vào của các ngành sản xuất, khiến chúng ta phải tiếp tục chấp nhận nhiều mặt hàng khác tăng giá” - ông Hùng nói.

Quằn vai người lao động

Thế nhưng, mối lo của doanh nghiệp chỉ là việc cân nhắc giữa tăng giá thành sản phẩm hay giữ nguyên mức giá và chịu giảm lãi. Còn với người dân, dù cách này hay cách khác cũng đều phải chịu sự tác động mạnh mẽ sau việc giá điện tăng. Trong bối cảnh giá điện tăng, giá xăng tiếp tục xu hướng tăng, nhu cầu tiêu dùng cuối năm cũng tăng chắc chắn sẽ khiến người dân phải chịu nhiều áp lực.    

Người nghèo được hỗ trợ 51 nghìn đồng/tháng

 Việc điều chỉnh giá điện lần này chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó sẽ hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách mà có mức sử dụng điện dưới 50kWh. Với bậc thang như hiện nay thì chúng ta áp dụng từ 1/12 thì mỗi hộ diện này được hỗ trợ 51.000 đồng/tháng. Với mức hỗ trợ này hiện nay chúng ta đang hỗ trợ khoảng 3,5 triệu - 4 triệu hộ. Tổng số tiền hỗ trợ trên dưới 2.500 tỉ đồng/năm.

Điện và xăng tăng giá tác động cụ thể đến chỉ số CPI thế nào?

Chiều 1/12, trao đổi với báo chí, đại diện EVN cho biết: Dự kiến đến năm 2018 thì giá điện sẽ tác động tới CPI là 0,1%, GDP khoảng 0,66%.

Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Giá điện sẽ làm tăng chỉ số giá sản xuất là 0,07%, tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI là 0,08% và tăng GDP trong năm 2017”.

Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2017 sẽ tăng nhẹ so với tháng 11 do vào dịp cuối năm giá nhiều loại hành hóa thiết yếu như giá lương thực, thực phẩm, giá dịch vụ y tế; giá vật liệu xây dựng; giá gas; giá xăng dầu sẽ có xu hướng tăng nhẹ.

Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long từng nhận định: “Điện và xăng dầu là yếu tố đầu vào quan trọng với toàn bộ nền kinh tế. Khi hai mặt hàng này tăng giá sẽ tác động tới tất cả hàng hóa và kéo mặt bằng giá lên”. Điều đó đồng nghĩa với việc khi điện tăng 6,08%, các cơ sở tiêu thụ điện lớn cũng quyết định sẽ tăng giá hàng hóa ở mức tương ứng.  

Nếu chi phí đầu vào tiếp tục tăng, nhưng doanh nghiệp không dám tăng giá bán vì lo ngại sức mua giảm sút sẽ khiến hàng tồn kho tăng. Hậu quả của việc này là doanh nghiệp đã khó càng thêm khó, thu nhập của người lao động sẽ giảm, tăng nguy cơ thất nghiệp…

Nhưng nếu doanh nghiệp tăng giá sản phẩm, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phải chi trả nhiều hơn, đời sống sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do các nhu cầu thiết yếu vẫn phải đảm bảo. Như vậy, cách nào người dân cũng gặp khó khăn.

Về giá xăng dầu, các chuyên gia kinh tế đều đồng tình cho rằng hiện giá xăng dầu đã cơ bản theo thị trường thế giới, nên vấn đề là ở chỗ điều tiết quỹ bình ổn để hài hòa lợi ích người tiêu dùng và doanh nghiệp. Thế nhưng giữa việc giá xăng tiếp tục xu hướng tăng, giá điện đã tăng, nhu cầu mua sắm tăng, người dân hiện không chỉ chịu tác động kép thực tế là chịu tác động đa chiều.

Tuy  nhiên, chuyên gia kinh tế - TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KHĐT) đánh giá: Tăng giá điện bình quân 6,08% thì không có nghĩa là nhất loạt tăng mức đó, mà theo bậc thang ai dùng nhiều tăng nhiều ai dùng ít tăng ít. Do đó, người lao động và người nghèo cũng không bị ảnh hưởng bằng những người tiêu thụ nhiều điện. 

Thứ hai, chúng ta đã tính lộ trình, cuối năm nay dự báo tăng trưởng kinh tế GDP, chỉ số CPI, vẫn đạt được mục tiêu, chỉ số lạm phát vẫn trong mức kiểm soát… Do đó, tăng giá điện lúc này là khá hợp lý, không ảnh hưởng quá lớn đến các mục tiêu mà chúng ta đã xác định. 

Đứng về góc nhìn toàn cục mà nói tăng vào thời điểm này là hợp lý bởi một lẽ nữa là ngân sách năm nay khá căng thẳng, 10 tháng rồi chỉ đạt được trên 70% dự toán thu. Việc tăng giá điện từ đầu tháng 12 cũng góp phần vào tăng thu. Giá xăng dầu thì vẫn được điều chỉnh lên xuống, còn giá điện đến thời điểm này buộc phải tăng bởi những lý do trên và chúng ta chọn thời điểm này là hợp lý và cần thiết.

Người lao động bị ảnh hưởng ra sao?

Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long lại cho rằng: “Việc tăng giá điện có hợp lý hay không phải xét trên nhiều góc độ. Đây là ngành độc quyền nên phải chi phí có lỗ hay không, có cần thiết phải tăng hay không. Các đợt trước mỗi lần tăng ngành điện đều có thông báo và đưa ra các phương án xin ý kiến công luận và ý kiến của các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội đặc biệt là của Tổng LĐLĐVN. Đây là một vấn đề nhạy cảm. Tại sao lần này lại tăng một cách bất ngờ?”.

Về tác động của tăng giá xăng, điện lên đời sống người lao động và sản xuất của các doanh nghiệp, TS Long khẳng định: “Khi giá điện tăng, các tương quan cần được đánh giá: Tác động đến GDP như thế nào, tác động đến ngành sản xuất như thế nào và đặc biệt là tác động đến người lao động như thế nào. Điện là một yếu tố đầu vào rất quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng. Đối với sản xuất thì dù tăng 1% cũng ảnh hưởng vì đó là chi phí đầu vào, huống gì tăng đến mức 6,08%, nếu tính thêm cả VAT thì lên tới khoảng gần 7% chứ không hề ít.

Như vậy tăng chi phí thì năng lực cạnh tranh của DN sẽ giảm. Còn đối với người lao động, khi giá hàng hóa tăng sẽ ảnh hưởng đến đời sống tiêu dùng. Trong điều kiện hiện nay ai cũng phải dùng điện, trong điều kiện thu nhập khác nhau mà có sự tác động khác nhau, nhưng chắc chắn là ảnh hưởng đến đời sống của người lao động” - TS Ngô Trí Long khẳng định.

Với các doanh nghiệp sản xuất, chi phí tiền điện chiếm từ 10-20 % giá thành. Việc tăng giá điện có thể tạo nên nguy cơ tăng dây chuyền từ sắt thép tới quả trứng, mớ rau, con cá… vì người dân phải chi thêm tiền điện và sẽ tính thêm chi phí các mặt hàng ngoài chợ.

Ý kiến của công nhân nhà trọ về tăng giá điện:

Chị Lê Thị H. (công nhân Cty Pocon Vina, KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh):

Cũng như đối với giá xăng, tăng giá điện là một thông tin mà công nhân (CN) chúng tôi rất quan tâm. Qua báo chí, tôi được biết mức giá mới được điều chỉnh là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622 đồng/kWh). Thực ra, từ trước đến nay, CN ở trọ không được hưởng giá điện sinh hoạt, mà thường phải chịu giá điện kinh doanh 3.000-4.000 đồng/kWh. Vì vậy, giá điện cho CN không “bị” tăng trực tiếp, mà tôi lo ngại là các chủ nhà trọ sẽ tăng giá điện kinh doanh áp cho chúng tôi lên.

Cụ thể, hiện giờ giá điện nơi khu nhà trọ chúng tôi là 3.000 đồng/kWh. Không loại trừ khả năng chủ nhà trọ sẽ tăng thêm giá điện kinh doanh. Nếu tăng giá điện sẽ thêm gánh nặng cho CN. Gia đình tôi một tháng tiêu tốn hết khoảng 300.000 đồng tiền điện vào mùa hè; 400.000-500.000 đồng vào mùa đông, mặc dù chỉ dùng cho điện thắp sáng, nấu cơm, tivi, máy tính, tủ lạnh… chứ không có máy giặt, điều hòa nhiệt độ.

Trong khi đó, thu nhập của tôi một tháng nếu tăng ca mệt nghỉ cũng chỉ được hơn 6 triệu đồng; còn bình thường chỉ được khoảng 4 triệu đồng. Tôi mong muốn CN cũng được hưởng giá điện sinh hoạt như công nhân khác; đồng thời giá điện phải hợp lý, không được tăng vô lý, tạo gánh nặng cho người dân.

Tất Thảo (ghi)

Anh Nguyễn Văn Vương (CN đang thuê trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội):

Hiện vợ chồng tôi đang phải chịu giá điện kinh doanh 3.000 đồng/số. Vì vậy, trước thông tin tăng giá điện từ ngày 1/12, tôi lo ngại chủ nhà trọ sắp tới có thể tăng mức giá này lên (có thể lên tới mức 3.500 đồng/kWh hoặc hơn). Với thu nhập còm cõi như của CN ở trọ chúng tôi, trong khi bao nhiêu thứ phải chi thì mỗi thứ tăng giá sẽ khiến gánh nặng trên vai chúng tôi ngày càng nhiều thêm.

Hiện tại, một tháng vợ chồng tôi dùng hết khoảng 80-90kWh điện, tương đương hết 240.000-250.000 đồng. Nếu tăng giá điện thì khoản chi này sẽ tăng lên đáng kể. Hơn nữa, việc tăng giá điện có thể kéo theo tăng giá các dịch vụ khác. Tôi chỉ ví dụ, thi thoảng CN chúng tôi hay rủ nhau đi ăn lẩu ngoài quán. Giá điện tăng thì chắc chắn chủ quán sẽ tính thêm tiền vì ăn lẩu dùng trực tiếp điện. Đấy là chưa kể các nhu yếu phẩm khác có thể cũng “té nước theo mưa” tăng giá theo.

Quế Chi (ghi)

Tin bài liên quan