Tản mạn “tậu trâu - cưới vợ - làm nhà”

(ĐTCK) Thời xưa, khi còn chế độ phong kiến, quan điểm về người anh hùng phải “đầu tròn đội trời, chân vuông đạp đất”. Thang bậc thành công của những người quân tử phải là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. 
Tản mạn “tậu trâu - cưới vợ - làm nhà”

Còn với người bình thường thì sao, hẳn phải toàn vẹn cái câu “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” mới được coi là người đàn ông trưởng thành. Xem ra khuôn mẫu này không còn phù hợp với thời đại mà chúng ta đang sống, nhưng ngẫm đến cùng người xưa vẫn có lý lẽ riêng khi đúc kết như vậy.

Ở nền văn minh lúa nước, “con trâu là đầu cơ nghiệp” đồng nghĩa với việc có công cụ sản suất trong tay cũng là điều kiện để nuôi sống một gia đình. Lúc đó, người đàn ông mới tính đến chuyện cưới vợ, sau này mới tích cóp rồi làm nhà. Biết bao đôi bị các bậc sinh thành lườm nguýt vì “chúng cháu chỉ cần… có tình yêu thôi là đủ”. Cái câu “mấy đứa này mà lấy nhau thì chỉ được ba bảy hăm mốt ngày…” chắc hẳn nhiều người đã nghe. “Một túp lều tranh, hai trái tim vàng”, các cụ nói thế nhưng hẳn cũng chả tin là mấy. 

Trà dư tửu hậu ngày Xuân, xin được hầu bạn đọc ba câu chuyện nhỏ mắt thấy tai nghe, gọi là lạm bàn về cái trọng trách “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” thời hiện đại.

1. Anh bạn cùng quê, cùng lứa của tôi vốn gia đình cũng có của ăn, của để. Bố anh ta từng là giám đốc một sở to đùng nên chuyện nuôi con học đại học, rồi nghe bảo gây dựng cho anh một công ty vừa vừa cùng một ngôi nhà to to ở thủ đô, thì cũng chả khiến ai thắc mắc.

Những người quen biết chỉ xì xèo khi anh dẫn vợ tương lai về quê ra mắt dòng họ. Của đáng tội, cặp đôi ấy trông chênh lệch quá, mà phần thua thiệt “rất” nghiêng về phía cô dâu tương lai. Nhưng nghe giới thiệu, cô ấy là con gái yêu của một VIP nào to to ngoài Hà Nội.

Dân làng chép miệng chê bôi, còn tôi lại nghĩ, nhỡ cô ấy có duyên thầm khiến bạn mình chết mê chết mệt thì sao. Sau này mới vỡ lẽ anh lấy vợ để làm bàn đạp cho chuyện “tậu trâu, làm nhà”, bởi sau đám cưới cả gia đình nhà gái mới té ngửa, hóa ra anh chẳng có gì ngoài cái thân, nhà ở Hà Nội là nhà thuê, công ty là của đứa bạn thân, việc anh ta cũng không có, độ giàu có của gia đình chỉ là “dĩ vãng”.

Sau đám cưới, cao thủ này thẳng thừng tuyên bố “vì con quá yêu vợ nên phải dùng cách này để cưới, bây giờ con xin phép vào Nam kiếm tiền nuôi vợ con…”. Có ông bố bà mẹ nào lại trừng phạt con rể vì tội quá yêu con mình, cho dù biết mười mươi nó lừa đảo và “ván đã đóng thuyền”. Thế là sau khi cưới vợ, anh ta có cả trâu lẫn nhà.

2. Một anh bạn khác của tôi, tạm gọi là anh số 2 (có quen anh số 1) thì lại bi kịch ở chỗ có trâu, có nhà nhưng tìm mãi chẳng được vợ. Tiêu chí của anh cũng đơn giản, “một cô gái yêu anh thực sự và không màng đến đống tài sản của anh”. Các ông bố bà mẹ của bao cô gái cứ gào lên “nó tốt thế sao không lấy”. Của đáng tội, trình “tán gái” của anh thuộc dạng nhất Bắc Kỳ, nhì Đông Dương về độ chán, có cô gái được mối mai chuyện trò với anh một buổi thì buông câu “tốt nhưng mà chán”. Đến bây giờ anh vẫn cô đơn, xem ra căn nhà to đùng đoàng cùng đống tài sản không giúp anh tìm được một nửa đích thực của mình.

3. Người đàn ông thứ ba tôi biết mỹ mãn trong hành trình “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” dù tiêu chí của anh về cô vợ khá cao “xinh một tý, giỏi một tý, khéo một tý, công việc ổn định một tý”. Xét về độ xinh, khéo và giỏi vợ anh vượt tiêu chí.

Chỉ có điều trước khi cưới, mẹ anh tuyên bố câu xanh rờn: “Tao là cứ thấy không ổn với loại đàn bà khô chân gân mặt. Mẹ cứ thích tướng đàn bà vượng phu”. Ô hay, bây giờ da sát xương đang là mốt, chân khô vì không dùng kem dưỡng, không đi spa như chị em khác. Còn cái tướng vượng phu người tròn mặt béo nhìn vào chỉ thấy ưng mắt các cụ thôi. “Mẹ không thấy nhiều cô đánh đổi cả mạng sống để gọt cằm V line đấy à”, anh bảo.

Thế mà chẳng hiểu sao sau đám cưới chưa đầy 1 năm, anh chị đường ai nấy đi, không hề tiết lộ lý do chia tay. Chỉ có điều, anh về nói với mẹ “lần sau mẹ chọn vợ cho con”. Còn tôi lại tiếc cho một hạnh phúc tưởng chừng viên mãn, nhưng thôi, mình đâu có là “người trong chăn”…

Ngay xung quanh ta có nhiều biệt thự, penthouse, nhà phố… đi kèm với nội thất xa hoa với giá trị gộp lên đến cả trăm tỷ đồng, không ai chắc chắn 100% chủ nhân ở đó đều hạnh phúc. Trong mỗi căn nhà, hạnh phúc thì ai cũng giống ai nhưng bất hạnh thì mỗi người một khác. Điều quan trọng là mỗi người cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có, lựa sức mà phấn đấu, mà ước mơ sẽ bớt đi cảnh “giàu đổi bạn, sang đổi vợ, vỡ nợ đổi sim”.

Cuộc sống vốn nhiều biến động, thăng trầm, người đàn ông đến bên kia đỉnh dốc cuộc đời nhiều khi lại mong muốn giá như trở lại ngày xưa. Ngẫm lại các cụ cũng không hề cổ hủ khi cho rằng đàn ông phải theo tuần tự “tậu trâu - cưới vợ - làm nhà”. Đó là bản giao hưởng giữa công việc, tình yêu và ý chí cùng nhau chia sẻ hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống. Khởi điểm là chung một mái nhà, nhưng để đến cái đích cuối cùng là biến mái nhà thành tổ ấm thì hẳn là một hành trình không ít gian nan.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan