Kiểm tra 1 cơ sở làm cà phê nghi giả tại Đắc Lắc

Kiểm tra 1 cơ sở làm cà phê nghi giả tại Đắc Lắc

“Sốc” vì cà phê không phải... cà phê

Rất nhiều loại cà phê xuất xứ không rõ ràng, nguy cơ người dùng chuốc bệnh vào thân là không tránh khỏi.
Kết quả khảo sát mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tại 4 tỉnh, thành phố cho thấy, gần một nửa số mẫu cà phê bột và cafà phê nước được khảo sát có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/lít). Đặc biệt, có tới 5 mẫu hoàn toàn không có caffeine. Đây là thông tin gây sốc đối với những tín đồ sử dụng thức uống này. 
Tù mù chất lượng, tặc lưỡi uống theo thói quen

Tại TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh những thương hiệu cà phê lớn thì dịch vụ cà phê bình dân, như: Cà phê dạo, cà phê cóc hay cà phê “take away" với ưu điểm tiện lợi, giá rẻ nên rất thịnh hành. Tuy nhiên, rất nhiều loại cà phê xuất xứ không rõ ràng, nguy cơ người dùng chuốc bệnh vào thân là không tránh khỏi.

Đã trở thành thói quen không thể bỏ, sáng nào, ông Trần Minh Trí, ở quận Phú Nhuận, TP.HCM cũng phải uống 1 ly cà phê và 1 tách trà với bạn bè rồi mới bắt đầu cho ngày mới. Uống cà phê đã mấy chục năm nay, nhưng dường như ông Trí không phân biệt được đâu là cà phê nguyên chất, đâu là cà phê giả. Ông Trí cho biết: “Làm sao mà biết là cà phê thật hay cà phê giả. Thường họ bảo là cà phê nguyên chất vậy mình uống chứ đâu biết nó có nguyên chất thật hay không, lúc nào cũng bị pha trộn hết…”.

Tại TP.HCM, cà phê “bệt”, cà phê vỉa hè rất được ưa chuộng, giá rẻ từ 5.000 - 15.000 đồng/ly. Gần đây lại xuất hiện thêm loại hình cà phê mang đi (take away, to go) rồi cà phê dạo, xe đẩy. Người bán chỉ cần một chiếc xe máy hoặc xe đạp với một thùng đá giữ lạnh, cà phê đen được pha sẵn trong bình lớn rồi chiết ra ly nhựa nhỏ, thêm đường hoặc sữa, đánh tạo bọt, cho đá vào, tất cả công đoạn chỉ mất chừng 2 phút. Thế nhưng làm sao biết cà phê đó được pha trộn như thế nào, thành phần ra sao nên đành tặc lưỡi uống theo thói quen như chia sẻ của ông Trần Minh Trí.

Bên cạnh đó, người bán cà phê không phải là người trực tiếp sản xuất cà phê nên họ cũng chỉ đặt niềm tin vào bao bì, nhãn mác để nhập hàng. Bà Phạm Thị Phương, chủ quán cà phê cóc ở Bình Trưng Tây, quận 2, TP.HCM cho biết, bà thường mua cà phê ở chợ có giá từ 90 - 120 nghìn đồng/kg. Dù không có thương hiệu gì, nhưng những loại này thấy có mùi rất thơm, hương vị khá ngon và khách uống không ai chê trách thì bà tin mua lâu dài.

Cần điều tra, xử lý nghiêm

Theo kết quả khảo sát mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Sóc Trăng cho thấy, gần 1 nửa mẫu cà phê được khảo sát có hàm lượng cà phê rất thấp (dưới 1g/lít). Đặc biệt, có tới 5 mẫu hoàn toàn không chứa cà phê.

Đây là thông tin gây sốc đối với những tín đồ cà phê. Cà phê mà không có cà phê, vậy cái mà họ đang bán ra và người mua đang uống là gì? Trung tuần tháng 7 vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành TP.HCM cùng các cơ quan chức năng đã “đột kích” và phát hiện một số cơ sở rang xay cà phê tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. Những cơ sở sản xuất cà phê này đã  “độn” đậu nành và pha nước mắm, cùng nhiều loại hương liệu, phẩm màu phục vụ cho quá trình chế biến. Ngoài ra, những cơ sở này còn nhận gia công sản phẩm cà phê “độn” cho nhiều mối hàng, với giá rẻ kinh ngạc: 1.500 đồng/1kg. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sức khỏe của người tiêu dùng khi uống phải những loại cà phê như thế này?

Hiện nay người tiêu dùng rất khó phân biệt được đâu là cà phê giả, đâu là cà phê thật và tác hại của nó ra sao đối với sức khỏe. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan chuyên môn cần phải vào cuộc điều tra, thẩm định chất lượng sản phẩm, giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm cà phê sạch. Đồng thời tăng cường xử lý nghiêm các cơ sở làm cà phê giả, cà phê kém chất lượng để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Bà Lê Thị Tám, ở quận Bình Tân kiến nghị: “Nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ và điều tra, nếu ai làm cà phê giả phải phạt thật nặng”. 

Mong muốn của bà Lê Thị Tám cũng chính là mong muốn của người tiêu dùng.

Tin bài liên quan