Sản xuất, chế biến tăng tuyển dụng lao động

Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức mua chưa khởi sắc, song các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố phía Nam vẫn đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động, nhằm đón đầu một chu kỳ kinh doanh mới.   
Sản xuất, chế biến tăng tuyển dụng lao động

Theo công bố mới đây của Công ty Towers Watson Việt Nam về kết quả khảo sát trong tháng 3/2014 đối với 173 doanh nghiệp trên khắp cả nước cho thấy, có đến 67% công ty có kế hoạch tăng tuyển dụng lao động. Cũng theo khảo sát này, những nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động gồm: hóa chất, hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, công nghệ cao, ngành sản xuất, thương mại...

Trong số những nhóm ngành kể trên, nhóm ngành sản xuất được đánh giá là còn khó khăn, do thị trường đầu ra chưa thật sự khởi sắc, nhưng việc nhóm này được xếp vào nhóm có nhu cầu tuyển dụng cao là khá bất ngờ.

Lý giải về vấn đề trên, ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3 cho biết, ngành dệt may gần đây xuất hiện một số doanh nghiệp sản xuất trong nước mở rộng quy mô và một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đưa dự án mới vào hoạt động, dẫn tới nhu cầu lao tuyển dụng động tăng (5-10%). “Mục tiêu chính của những doanh nghiệp này là nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, ông Hồng nói.

Tại Công ty May Sài Gòn 3, nhu cầu tuyển dụng lao động quý I/2014 tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do May Sài Gòn 3 vừa có thêm 2 đơn hàng mới từ Mỹ và EU, với số lượng lần lượt 500.000 và 1 triệu sản phẩm, tổng trị giá hợp đồng 15 triệu USD. “Với lượng đơn hàng hiện tại cộng với 2 đơn hàng mới này, mục tiêu của chúng tôi là tăng thu nhập cho người lao động thêm 10% trong năm nay”, ông Phạm Xuân Hồng nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam cho biết, cuối tháng 4 này, Thiên Nam sẽ đưa nhà máy mới tại Long An vào vận hành giai đoạn I. Nhà máy này khi chạy hết công suất sẽ cần tới 400 lao động có tay nghề cơ khí. Trước mắt, nhà máy cần thêm 150 lao động cho giai đoạn I.

Theo ông Vũ, Thiên Nam đã làm việc với một trường trung cấp nghề của Long An và sẽ hợp tác với đơn vị này để tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, số lượng lao động mà nhà trường cung ứng không đủ, nên Công ty sẽ phải tuyển dụng thành nhiều đợt, mỗi đợt 30-40 lao động có tay nghề cơ khí.

Ở góc độ khác, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, qua khảo sát trên 1.000 doanh nghiệp cho thấy, trong tháng 3/2014, nhu cầu tuyển dụng lao động trong các doanh nghiệp sản xuất - chế biến tăng, đa số các doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động ngành nghề: dệt may - da giày, cơ khí, điện tử, trong đó ưu tiên tuyển dụng nhân sự từ sinh viên mới tốt nghiệp vào các vị trí tập sự.

Theo Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, để chuẩn bị cho các hiệp định thương mại sắp được ký kết, ngoài việc tăng cường tuyển dụng lao động, điều quan trọng là doanh nghiệp phải tăng được năng suất lao động.

Để làm được điều này, bên cạnh việc tăng cường đào tạo nhân lực, doanh nghiệp nên trang bị thêm máy móc, thiết bị mới. Việc mới đây, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống còn 6%/năm, dẫn tới lãi suất cho vay nhiều khả năng giảm xuống còn 9-10%/năm, sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn để mua sắm thiết bị máy móc, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Tin bài liên quan