Quê tôi vốn đất học, nên đến giờ này, ở quê hầu như chỉ còn ông già, bà lão. những người được học hành tử tế đều ở thành phố lập nghiệp, những thanh niên, trung niên còn lại cũng thoát ly đi làm ăn xa. Người thì đi xuất khẩu lao động, làm thuê, người thì buôn bán
ve chai…, nhưng dù làm nghề gì, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, mọi người đều cố gắng về quê, quây quần bên gia đình, họ hàng, làng xóm.
Tràn ngập đồ dùng, đồ ăn thời hiện đại, quê vẫn giữ cho mình chút riêng tư. Người thành phố sẽ ngạc nhiên khi giữa giàn karaoke là những bức tranh Đông Hồ hay những bộ tứ bình: Tùng - Cúc - Trúc - Mai hay Xuân - Hạ - Thu - Đông; giữa bia rượu đóng chai, cocacola là rượu gạo và nước vối; đối ẩm với bò khô, mực nướng là nắm nem chua - đặc sản Tết quê nhà. Đêm đến, quây quần bên nồi củ chuối om lươn, nhấm nháp món thịt gà nấu mẻ, chút nem chua, hớp một ngụm rượu mới thấy: Quê ơi, sao mà thân thương đến thế!
Sáng mồng Một, cả làng tập trung ra sân đình chơi Tết. Không biết mọi người đến từ lúc nào, nhưng khoảng 9 giờ sáng đã đầy ắp người. Các cụ chơi tổ tôm, cờ tướng, lắc xí ngầu. Nhóm trung niên và thanh niên tụ tập môn chắn và tá lả. Bọn trẻ thì cờ vua, đố chữ, chơi xèng… nói chung, không nhiều, nhưng “mâm” nào cũng có chút tiền, mà theo trưởng thôn là “để thêm phần khí thế trong khuôn khổ vui chơi lành mạnh”.
Đám phụ nữ thì chả có môn gì ngoài việc lượn lờ xem ké và buôn chuyện. Các cụ mắt kém nhìn không rõ vẫn tưng bừng chống gậy ra xem lớp con cháu vui chơi. Gặp lại cụ Còng năm nay đã ngót ngét 100 tuổi, cụ hỉ hả: “Độ này sướng lắm, bao nhiêu thứ ngon, Tết về đứa mô (nào) cũng cho tiền, mà bọn nớ (nó) có phải con cháu nhà mình mô (đâu). Chết thì tiếc lắm…”.
Nhớ lại cảnh ngày xưa, cụ Còng trở thành người nổi tiếng ở làng vì giáp Tết, cụ giãy đành đạch, vừa khóc vừa than: “Trời ơi là trời! Cái thân tôi răng (sao) khổ như ri (thế này), đập đầu chết quách cho rồi, 29 Tết mà trong nhà chả có nổi miếng thịt, năm sáu năm nay không có manh áo mới…”.
Về quê ăn Tết, bao nhiêu cái “ngày xưa” ấy lại ùa về. Nhớ bàn tay nhăn nheo và cái lưng còng còng của nội miệt mài gói bánh chưng. Cứ sau mỗi đấu gạo là lũ trẻ con chúng tôi lại có 2 cái bánh bé teo được vét từ tí gạo và đỗ xanh thừa. nội thường nhắc nhở: “Đây là bánh vét, nội không bỏ thịt đâu, không người ta cho là mình tham”. Lúc đó, tôi chẳng hiểu tại sao nội không cho thịt vào bánh, nhưng dù có thịt hay không, thì cái cảm giác
lẽo đẽo theo nội khắp làng, chờ đợi và mang về 2 cái bánh vét làm tôi thấy lâng lâng. Chiến công đó được chia đều cho đám em con chú, con cô và tôi thì được chia một cái. Tôi tiếc chẳng dám ăn, nên đợi đứa nào ăn lại ra kể công: “Chị mang về đấy, cho chị một miếng!”. Được chúng nó đồng ý là tôi ngoạm ngay một miếng thật to.
Giờ đã khác, mỗi nhà chỉ làm ít cái gọi là có không khí Tết. Vì ít, nên nhiều nhà cũng chẳng gói và nấu làm gì cho mất công, thay vào đó, họ đặt hoặc mua sẵn của các hàng chuyên gói bánh chưng. Tuy nhiên, với tôi, ở cái tuổi lỡ cỡ tứ thập, sống xa quê từ rất lâu, mỗi lần về ăn Tết là phải tự bố trí nồi bánh cho cái nhớ nhung của riêng mình. Mấy đứa bạn ở quê cứ lắc đầu quầy quậy rằng, tôi đâu có thiếu vài trăm ngàn để mua bánh chưng, mà cũng không cần phải mua, bọn nó sẽ mang đến cho. Thế nhưng, cái cảm giác gói bánh chưng và thức cả đêm để trông nồi bánh đã gói gọn cả tuổi thơ tôi trong đó.
Đã qua rồi thời kỳ “đói nghèo trong rơm rạ”, quê tôi giờ tấp nập chẳng khác là bao với phố thị, nhưng hồn quê vẫn còn đâu đó. Làn điệu dân ca “Lên chùa bẻ một cành sen. Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng…” được lồng ghép trong chương trình vui Xuân ngày Tết. Các cô thôn nữ quê tôi lại được dịp trổ tài múa đội đèn, chít khăn mỏ quạ và nhận những lời khen chê từ các đấng sinh thành rằng: “không bằng bà nọ, cô kia”.
Anh Bí thư đoàn xã phân trần: “Giữ được truyền thống là vui rồi. Các cháu bây giờ nó nhảy hip hop, nhảy silo chứ có mấy đứa chịu múa cái này đâu. Tổ chức cái này là phục vụ các cụ, mấy hôm nữa đá bóng là cho lớp trẻ”.
Ngày thi đấu bóng đá, cả làng tụ tập băng rôn, cờ phướn, nồi niêu, xoong chảo đi cổ động. Khổ nhất là anh trọng tài thuộc dòng “chân đất mắt toét”, chạy theo đám thanh niên choai choai giữa cái lạnh cắt thịt đã là một thành công, nhưng khổ nhất vẫn là đối phó với đám cổ động viên mà đến 95% không hiểu luật. Thế nên mỗi lần thổi phạt, trọng tài lại quay một vòng khắp mặt sân nở nụ cười thông cảm.
Có thể, Tết quê tôi không khác nhiều so với các vùng quê đồng bằng Bắc bộ khác. những người con nơi vùng văn hóa cổ Đông Sơn, với núi Đọ, chùa Vồm vẫn mong tìm lại một chút quê nhà sau những ngày tháng mưu sinh nơi xứ khác. Cái rộn rã trong lòng mỗi người là chút khói lam chiều lan nhanh trên mái bếp, là chợ quê ẩm ướt mỗi ngày mưa, là nồi bánh chưng gửi trọn cả tâm tình và hơn thế là hoài niệm về một thời xa lắc…