Quy Nhơn – Thành phố sống tốt

Quy Nhơn – Thành phố sống tốt

Quy Nhơn - thủ phủ tỉnh Bình Định là một trong số ít thành phố loại I thuộc địa phương hội đủ những điều kiện cơ bản để xây dựng, hướng đến một mô hình đô thị du lịch có chất lượng cao.

Định vị đô thị du lịch

Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất đàng trong xứ Thuận Quảng, mảnh đất vốn đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chămpa từ thế kỷ 11; dưới triều đại nhà Tây Sơn và cảng Thị Nại từ đầu thế kỷ 18.

Trải qua hơn 400 năm phát triển, với ưu thế về vị trí địa lý, có cảng biển và cơ sở hạ tầng đô thị phát triển, đến nay, Quy Nhơn đã được công nhận là đô thị loại I và được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong ba trung tâm thương mại và du lịch của vùng duyên hải Nam Trung Bộ (cùng với Đà Nẵng và Nha Trang).

Những năm gần đây, Quy Nhơn từng bước tập trung chỉnh trang đô thị, xây dựng và nâng cấp để trở thành một trong những trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội và du lịch; đô thị lớn nằm trong chuỗi đô thị ven biển của các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đánh giá về Quy Nhơn, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh, Viện Kiến trúc đô thị nông thôn cho rằng, nếu dựa vào bản đồ quan hệ đường biển và đường hàng không giữa miền Trung với các nước Asean và thế giới, thì Quy Nhơn thuộc trọng tâm địa lý, rất thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa.

“Nhiều tuyến vận tải từ khu vực nội địa Đông Dương sẽ chọn trung chuyển tại vị trí này để đến các trung tâm kinh tế của khu vực, do tiết kiệm chi phí và giảm thời gian vận tải”, ông Anh nói.

Xét về giá trị bản địa, Quy Nhơn sở hữu khối tài sản thiên niên to lớn và quý báu, trong đó nổi bật nhất chính là bờ biển dài có nhiều bãi tắm đẹp, địa hình núi xen kẽ đồng bằng tạo nên cảnh quan đa dạng; đầm Thị Nại và bán đảo Phương Mai tạo nên hệ sinh thái độc đáo...

Chưa kể, nếu xét về văn hóa, Quy Nhơn không chỉ gắn với thời đại Tây Sơn hùng tráng, mà còn là nơi lưu giữ lịch sử lâu đời của nền văn hóa Chămpa đã từng rực rỡ với thủ đô Đồ Bàn nay vẫn còn dấu tích.

Người Pháp trước đây cũng đã để lại vài nét chấm phá mở đầu cho TP. Quy Nhơn (các dấu tích đến nay còn được lưu giữ) để nơi đây trở thành khu trung tâm đô thị duy nhất hoạt động hiệu quả hơn hẳn so với các khu vực phát triển sau.

Ông Francois Bourgineau, chuyên gia Công ty Arep Ville (Pháp), đơn vị tư vấn quy hoạch TP. Quy Nhơn nhận xét, với lợi thế lớn là cửa ngõ chiến lược của Vùng cao nguyên Việt Nam, miền Nam Lào và miền Bắc Campuchia, Quy Nhơn có thể kết hợp việc khai thác hệ thống cảng biển có sẵn với phát triển du lịch. Đây chính là điều kiện cơ bản để Quy Nhơn phát triển thành một đô thị du lịch mang nét đặc trưng riêng.

TS. Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng nhận định, Quy Nhơn có lợi thế lớn để trở thành một trong những đô thị du lịch quan trọng trong chuỗi đô thị ven biển Việt Nam.

“Hội tụ hệ thống tài nguyên du lịch biển, đảo, Quy Nhơn và vùng phụ cận là một trong những điểm đến điển hình về du lịch đô thị biển trong vùng duyên hải miền Trung. Trong tương lai, Quy Nhơn sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn và có thể phát triển mạnh các sản phẩm du lịch cao cấp, như nghỉ dưỡng, sinh thái biển, thể thao gắn với biển, du lịch gắn liền với lễ hội, di tích lịch sử, du lịch MICE gắn với sự kiện văn hóa, thương mại và khoa học”, ông Siêu khẳng định.

Dưới góc nhìn của các chuyên gia, việc định vị Quy Nhơn và vùng phụ cận gắn liền với  tiềm năng phát triển du lịch nhằm định hướng quy hoạch Quy Nhơn và vùng phụ cận để trong tương lai, Thành phố sẽ trở thành một đô thị du lịch. Đây cũng chính là chiến lược mà UBND tỉnh Bình Định đang hướng đến.

Ba kịch bản định hướng phát triển của Quy Nhơn

Đầu quý II năm nay, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội thảo “Định hướng quy hoạch xây dựng TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn 2050”, với mục đích định hướng chiến lược phát triển đô thị Quy Nhơn trong tương lai cho phù hợp với tiềm năng của Thành phố.

Dựa trên tiềm năng hiện có, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đã khẳng định, đến năm 2025, Quy Nhơn và vùng phụ cận sẽ trở thành một trong những khu đô thị trung tâm trong chuỗi đô thị du lịch ven biển của miền Trung, có nền kinh tế phát triển theo định hướng công nghiệp - cảng biển - dịch vụ - du lịch. Đến năm 2035, Quy Nhơn sẽ là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, có nền kinh tế phát triển theo định hướng dịch vụ - cảng biển – công nghiệp và du lịch, trong đó trọng tâm là dịch vụ và cảng biển.

“Đến năm 2050, Quy Nhơn sẽ có một vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và Đông Nam Á; đóng vai trò là một trong những trung tâm phát triển lớn của khu vực Trung Bộ, có nền kinh tế phát triển theo hướng du lịch - dịch vụ - cảng biển, có sức hút đầu tư lớn và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực, như y tế, giáo dục, du lịch, môi trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…”, ông Lộc nói.

Để tầm nhìn trên trở thành hiện thực, đòi hỏi TP. Quy Nhơn cần được mở rộng hơn nữa, vượt qua ranh giới hiện tại để có được không gian kiến trúc đô thị mới, sẵn sàng liên kết với các thành phố khác trong khu vực, đủ điều kiện để tạo sức hút đủ lớn các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước tạo động lực cho đô thị phát triển.

Theo đại diện Công ty Arep Ville, để quy hoạch TP. Quy Nhơn phát triển đúng tầm, cần phải dựa trên những đánh giá cơ bản nhất về thực trạng hiện tại của Quy Nhơn, qua đó phải hướng đến việc nhận diện kết cấu đô thị mà Quy Nhơn cần hướng đến.

Trên cơ sở đó, Công ty Arep Ville đã đưa ra ba kịch bản mà Quy Nhơn có thể lựa chọn định hướng phát triển của mình trong thời gian tới, gồm: thay đổi toàn diện; phát triển hài hòa biển- thương mại và phát triển cân bằng có trọng tâm.

Kịch bản thứ nhất là, thay đổi toàn diện TP. Quy Nhơn “lấy lợi ích, tránh rủi ro”. Phương án này giúp Quy Nhơn phát triển mạnh, đưa thành phố lên tầm quốc tế, với trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc hóa dầu. Tuy nhiên, kịch bản này đòi hỏi Thành phố phải cân nhắc vấn đề ô nhiễm môi trường và các vấn đề xã hội sẽ nảy sinh, nên cần phải có những biện pháp quản lý phù hợp. Một trong số đó là bảo vệ TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận khỏi những ảnh hưởng trực tiếp của khu công nghiệp, đồng thời chia sẻ lợi ích từ các khu công nghiệp nhằm phát triển Quy Nhơn vững mạnh, ổn định.

Ở kịch bản thứ nhất, Arep Ville đề xuất xây dựng Quy Nhơn thành 8 khu chức năng, bao gồm khu nông nghiệp, thành phố vườn - đô thị sinh thái, cụm công nghiệp nhẹ, cụm logistics, nhà ở xã hội, công nghiệp lọc hóa dầu, cụm cảng Quy Nhơn và thành phố lịch sử hiện hữu.

Kịch bản thứ hai được Arep Ville gọi là “Biển và thương mại - phát triển hài hòa”. Phương án này nhấn mạnh sự phát triển hài hòa, khai thác các yếu tố biển và thương mại biển, trong đó tập trung vào dịch vụ cảng biển và du lịch.

Theo đó, Khu công nghiệp Nhơn Hội phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp công nghệ cao, kết hợp với các khu nghiên cứu, nhà ở xã hội.

TP. Quy Nhơn sẽ tập trung phát triển nhà ở hỗn hợp, nhà ở kết cấu thương mại; hướng đến phát triển hài hòa, hiện đại, thân thiện…

Với phương án này, Quy Nhơn sẽ phân thành 6 khu chức năng, gồm thành phố vườn - đô thị sinh thái, cụm công nghiệp nhẹ, dịch vụ logistics, nhà ở xã hội dịch vụ, cụm cảng Quy Nhơn, thành phố lịch sử hiện hữu.

Ở kịch bản thứ ba, Arep Ville hướng đến phát triển Quy Nhơn cân bằng có trọng tâm. Theo đó, Khu kinh tế Nhơn Hội vẫn duy trì đà phát triển theo quy mô đã quy hoạch, với trọng tâm là dịch vụ cảng biển và công nghiệp nhẹ. Bên cạnh đó, Quy Nhơn phát huy mọi tiềm năng của du lịch, hình thành hành lang du lịch kết nối với các điểm du lịch xung quanh Thành phố, hướng đến phát triển Quy Nhơn một cách cân bằng mạnh về dịch vụ, đa dạng về văn hóa, thành phố sống tốt.

Nhận xét về ba phương án trên, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Trưởng Nhóm tư vấn Vùng duyên hải miền Trung tán thành việc cần phải nhận diện đô thị Quy Nhơn và tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng để Quy Nhơn phát triển.

Trước những e ngại trong việc phát triển đô thị Quy Nhơn gắn liền với Khu kinh tế Nhơn Hội, nơi được quy hoạch có tổ hợp lọc hóa dầu quy mô lớn, ông Lịch phân tích: “Ý kiến cho rằng việc phát triển bền vững là phát triển những lĩnh vực không gây nguy hại là chưa hoàn toàn đúng, mà phải nói rằng, phát triển những lĩnh vực có ít tác động đến môi trường. Singapore cũng có tổ hợp lọc hóa dầu 30 triệu tấn/năm, lớn nhất Đông Nam Á; cũng có hệ thống cảng biển vào hạng lớn ở châu Á, nhưng tại sao họ vẫn phát triển trở thành thành phố xanh - sạch, thân thiện với môi trường tốt nhất châu Á hiện này? Vậy vấn đề ở đây là, chúng ta cần phải quy hoạch như thế nào, bố trí ra sao để đảm bảo sự phát triển hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau, cân bằng và giảm thiểu rủi ro để hướng đến phát triển đô thị bền vững”.

Ông Lịch nhận định, Quy Nhơn cần phải xây dựng một hướng đi rõ ràng, có mục tiêu để phát triển, nâng tầm thương hiệu Quy Nhơn. Chẳng hạn, như hướng đến xây dựng và phấn đấu đạt được mục tiêu “Quy Nhơn - thành phố sống tốt”.

Tin bài liên quan