Cứ đúng ngày 10/3 cúng giỗ Tổ tiên, con Hồng cháu Lạc lại tụ hội về Đền Hùng để hướng về cội nguồn dân tộc - Ảnh:Trung Kiên

Cứ đúng ngày 10/3 cúng giỗ Tổ tiên, con Hồng cháu Lạc lại tụ hội về Đền Hùng để hướng về cội nguồn dân tộc - Ảnh:Trung Kiên

Nước non vẫn nước - non nhà ngàn năm…

Như một sự sắp đặt kỳ diệu của trời - đất, năm nay, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 chỉ cách dịp cả nước kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) đúng một ngày.

1. Như một sự sắp đặt kỳ diệu của trời - đất, năm nay, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 chỉ cách dịp cả nước kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) đúng một ngày. Cũng bởi thế, cảm giác về cái gạch nối giữa ngày Quốc Giỗ và ngày non sông liền một dải trở nên gần gụi hơn. Con đường để đi tới thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, dù trải qua cả ngàn năm dựng nước và giữ nước, dường như mới chỉ là ngày hôm qua.

Chẳng ai mấy nhớ và mấy biết, ngày Giỗ Tổ có tự bao giờ. Nhưng sử sách từ thời vua Lê Thánh Tông còn chép: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa”...

Nghĩa là từ thời ấy, con Hồng cháu Lạc đã cứ đúng ngày 10/3 cúng giỗ Tổ tiên. Vậy đủ biết, sức mạnh của truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, của niềm tự hào “con Rồng cháu Tiên” huyền diệu đến chừng nào.

Ngày Giỗ Tổ không phải tới tận năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cho công chức nghỉ ngày 10/3 Âm lịch hàng năm để tham gia các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc, mới có.

Cũng chẳng phải chỉ bắt đầu vào ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946), năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, khi cụ Huỳnh Thúc Kháng - quyền Chủ tịch nước dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý cầu quốc thái dân an, thiên hạ thái bình...

Hay sau này, vào năm 2007, khi Chính phủ Việt Nam một lần nữa chính thức cho người lao động được nghỉ vào ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba...

Ngày Giỗ Tổ đã bắt đầu, không - nói đúng hơn lịch sử của đất Việt ngàn năm văn hiến đã khởi thủy khi 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra từ trăm trứng người theo cha, kẻ nối bước chân mẹ lên núi và xuống biển. Dù ở biển hay trên núi, tất cả là anh em. Dù trả công cha, hay tận nghĩa mẹ, tất cả đều là người một nhà. Dù là ở thời hồng hoang lập nước hay là ngàn năm sau, khi non sông liền một dải, muôn triệu người dân Việt vẫn khắc ghi trong tim hai chữ quê hương.

Tinh thần đoàn kết ấy, đùm bọc yêu thương ấy, mấy dân tộc trên quả địa cầu này có được? 

2.Đã nghe ai đó nói về linh khí Hùng Vương. Rằng nó được khởi nguồn từ đất Tổ, rồi kết tụ từ tinh hoa cha Rồng - mẹ Tiên, theo địa mạch mà lan chảy, theo thời gian mà truyền chảy. Linh khí ấy ẩn hiện trong Hoàng thành Thăng Long, trong không gian phố cổ Hội An, trong rộn ràng thanh âm của cồng chiêng Tây Nguyên... Rồi kết chảy trong khí phách anh hùng của mọi người dân đất Việt, nên lúc nhân ái vì nghĩa cả, khi đoàn kết chống chọi trước sóng gió, lúc độ lượng vị tha trong đời sống thường ngày...

Nhớ năm xưa, khi đến thăm Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã căn dặn rằng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữa lấy nước”.

Phải, từ thời đại Văn Lang, đất Việt đã có những huyền tích về Thánh Gióng, Lang Liêu, Chử Đồng Tử... dũng mãnh biết bao nhiêu. 3 tuổi, Thánh Gióng đã vụt lớn để đánh thắng giặc Ân thế như chẻ tre. Để sau đó, có một Trần Quốc Toản mới 15 tuổi đã quyết “phá cường địch”. Hay một Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo. Một Nguyễn Viết Xuân nhằm thẳng quân thù mà bắn...

Cũng từ linh khí Hùng Vương, chúng ta có cả một linh khí đất Việt. Để từ ngàn xưa tới hôm nay, thắng quân Tống, dẹp quân Nguyên Minh, đuổi Nhật, đánh Pháp, thắng Mỹ... Để có những trận Bạch Đằng Giang rộn vang nơi đầu sóng. Trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Và vĩ đại hơn hết là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, để cả dân tộc có thể hòa chung niềm vui thống nhất giang sơn. Để “Tổ quốc bay lên, bát ngát mùa Xuân”...

Trang sử vàng chói lọi của dân tộc ấy tới 40 năm sau vẫn khiến cả thế giới nghiêng mình nể phục. Vì sao nước Mỹ thua, Việt Nam thắng? Câu hỏi ấy chừng nào còn day dứt trong trái tim những người Mỹ, càng chứng tỏ chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Sử gia Stanley Karnow, một trong số ít phóng viên Mỹ có mặt ở Việt Nam từ đầu đến khi quân và dân Việt Nam làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, đã viết: “Sai lầm (của Mỹ - NV) xuất phát từ sự không hiểu biết gì về lịch sử Việt Nam, một lịch sử dài phải chống lại các thế lực xâm lược, đã tạo cho người Việt Nam một ý thức sâu sắc về dân tộc họ. Từ khát vọng độc lập dân tộc đã làm nên một đảng tiên phong bản lĩnh và trí tuệ, luôn biết đổi mới kịp thời vào những thời điểm quyết định với nỗ lực và kỳ vọng được đồng hành cùng đất nước”.

Câu trả lời đã rõ. Chiến thắng của đất Việt nhỏ bé, ấy là vì mấy chục triệu dân Việt chung một dòng máu Lạc Hồng, chung một ngày Giỗ Tổ, chung một lòng yêu nước, một khát khao đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Và là vì muôn triệu người con Rồng cháu Tiên hiểu rõ hơn ai hết sự vô giá của hòa bình, thống nhất, nên phải đoàn kết, đoàn kết đứng bên nhau, khi diệt quân xâm lược, giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc, lúc diệt giặc đói, giặc nghèo để cùng nắm tay bước vào vận hội mới...

3.40 năm đã qua kể từ khi đất nước thống nhất, non sông toàn vẹn lãnh thổ. 40 năm cũng là một chặng đường dài lịch sử để từ một nước Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu sau chiến tranh vươn mình trỗi dậy, thành con Rồng, con Hổ mới ở châu Á. Thành bạn bè, thành đối tác tin cậy của hàng trăm nước trên toàn cầu. Thành một quốc gia có thu nhập trung bình, thành hình mẫu của quá trình phát triển sau chiến tranh, khiến nhiều đối tác trên toàn cầu ngưỡng mộ…

Chẳng phải sao, từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng 25 năm với thu nhập đầu người lên tới 1.960 USD (năm 2013). Tỷ lệ người nghèo cũng đã giảm xuống dưới 10% từ mức 60% trong thập niên 1990...

Ngân hàng Thế giới, khi nhắc tới một câu chuyện thành công của quá trình phát triển, của xóa đói giảm nghèo, của thành công trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, vẫn “khoe” Việt Nam như ví dụ điển hình.

Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã không ngần ngại khẳng định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất kể từ năm 1990...

Dù trong hiện tại, khó khăn của nền kinh tế là có thật. Nhưng xu hướng hồi phục đang trở nên rõ ràng hơn. Và hơn hết, với quyết tâm cải cách thể chế, tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, Việt Nam đang dần từng bước bước chân vào chặng đường phát triển mới, khi tiềm năng vẫn còn đầy, và khi người dân Việt vẫn cùng đồng lòng, quyết sức vượt đói nghèo, vì một đất Việt ngày một hưng thịnh hơn.

Năm ngoái, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, muôn triệu người dân Việt, khắp trong Nam ngoài Bắc, dù miền xuôi hay miền ngược, dẫu ở trong nước hay nước ngoài, lại chung một trái tim yêu nước, chung một vòng tay Tổ quốc.

Tinh thần ấy, khí thế ấy, giờ vẫn sục sôi. Không chỉ trong đấu tranh và bảo vệ chủ quyền, mà còn trong xây dựng và phát triển đất nước…

40 năm, chiến tranh đã qua, hận thù đã lùi xa. Giờ là lúc tất cả người dân Việt phải cùng nắm tay nhau, đoàn kết, bước vào tương lai.

* **

Vừa nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói: “Chúng ta không ai được gặp trực tiếp Vua Hùng cả nhưng 4.000 năm sau, đều về giỗ Tổ cơ mà. Vậy những người Việt Nam xa đất nước 40 năm qua, tôi tin rằng tình yêu quê hương đất nước trong lòng còn cháy bỏng lắm”.

Thế nên, mong tất cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì nên về. Về để thấy đất nước đã đổi thay và phát triển. Về để bỏ một viên gạch xây nhà cho quê hương...

Hãy về với quê hương, đất Tổ. Dù người Việt ở trong nước hay nước ngoài cũng thế. Bởi Đất mẹ luôn giang rộng vòng tay. Bởi “nước non vẫn nước - non nhà ngàn năm”…

Tin bài liên quan