Nằm mộng với Vân Phong

Nằm mộng với Vân Phong

(ĐTCK) Vân Phong là 1 trong 3 vịnh liên thông Vân Phong - Nha Trang - Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa với lợi thế so sánh vượt trội về tiềm năng kinh tế cảng biển không nơi nào có được.

Từng ví von rằng, chỉ có nằm mộng mới chạm được vào Vân Phong, nhưng sau nhiều thập kỷ loay hoay kén chọn, vùng vịnh mang tên mây và gió vẫn như một cô gái đẹp, thách cưới cao giá, cho nên nhận biết bao lời ca ngợi mà vẫn ế.

Dự án Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong phải tạm dừng vì vướng mắc liên quan tới thiết kế và vốn từ năm 2012. Từ đó tới nay, Vân Phong cứ như vừa vuột khỏi tay cơ hội ngàn vàng. Dân cư lâu đời ở đây đã di dời, cọc bê tông đã đóng xuống vịnh, mặt bằng ven bờ đã phong quang dành cho khu vực điều hành. Nhưng chỉ có thế, tất cả lại trở lại im lìm và chờ đợi.

Đứng giữa các vuông nuôi tôm hùm của ngư dân trên vịnh Vân Phong, tôi cứ nghĩ, không biết bao giờ nơi hoang sơ lúc nào cũng ăm ắp gió lộng, mây vần này mới trở thành một phố cảng đồ sộ và sầm uất như trong mộng tưởng. Hẳn là khi ấy, những người luôn hoài cổ như tôi sẽ lại thèm nhớ vẻ bình yên tĩnh lặng hôm nay.

Nằm mộng với Vân Phong ảnh 1

Người nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong 

Hòn Lớn - mũi đất nhô ra che chắn cho vịnh Vân Phong cõng trên lưng các khu dân cư của 3 thôn Đầm Môn Thượng, Đầm Môn Hạ và Xuân Đừng. Con đường xẻ cát đã nối từ đèo Cổ Mã ra Đầm Môn dài 18 cây số, băng qua rừng dương mơ mộng nức tiếng của bờ vịnh Vân Phong mà nhờ nó, Đầm Môn liền mạch với đất liền, không còn là bán đảo nữa. Nhìn trên bản đồ, khu vực này tựa như có một doi cát hình vòng tay ôm lấy vịnh biển.

Chính vòng cung này đã che chắn cho Vân Phong, khiến vùng vịnh nước sâu và kín gió này được đánh giá là nơi có một không hai phù hợp nhất để xây dựng Cảng trung chuyển container quốc tế, biến Nam Trung Bộ thành khu vực kinh tế cảng biển tiềm năng mở rộng, không thua kém bất cứ khu vực cảng biển nào trên thế giới.

Không phải ngẫu nhiên mà hình thành ở Đầm Môn một khu vực đông đúc dân cư với nghề khai thác và nuôi hải sản lâu năm giàu kinh nghiệm. Chính vì nơi đây vốn là một vịnh biển kín gió lý tưởng, nơi mà ngư dân chỉ chạy vài hải lý đã ra tới ngư trường, là nơi có cuộc sống bên biển lâu đời, hiền hòa và an toàn hiếm có.

Giờ đây, một phần lý do Đầm Môn vắng vẻ là do toàn bộ hơn 500 hộ dân ở đây đã được dời đi tới khu tái định cư theo quy hoạch xây dựng cảng từ 5 năm trước đây. Ngư dân luôn sẵn lòng nhường đất cho các dự án kinh tế lớn mà ít khi càm ràm hay gây khó dễ. Chính quyền cũng tạo điều kiện để họ có thể di dời đến nơi gần chỗ ở cũ nhất, cách Đầm Môn ra ngoài khoảng 5 cây số.

Nằm mộng với Vân Phong ảnh 2

Chiếc cầu cảng ở Đầm Môn bao năm qua vẫn được ghép tạm bằng gỗ, neo đậu những chiếc tàu ít sử dụng  

Ngay bên cạnh bãi cọc đã đóng xuống để xây dựng cảng giờ bị bỏ hoang là những gia đình ngư dân vẫn cần mẫn với nghề cũ là nuôi tôm hùm và cá bớp, ốc hương. Trong dải đất ven bờ Nam Trung Bộ, vịnh Vũng Rô của Phú Yên và vịnh Vân Phong của Khánh Hòa là 2 địa danh nổi tiếng với nghề nuôi tôm hùm. Do nơi này nước sạch, trong, nắng dãi quanh năm, cũng không có nguồn nước ngọt đổ vào biển và hiếm mưa nên tôm hùm ít bệnh.

Con đường Cổ Mã vài năm gần đây đã nối liền với bán đảo Sơn Đừng là nơi mà du khách rất hứng thú ghé đến mỗi khi muốn lặn biển Vân Phong, khám phá rạn san hô và thưởng thức hải sản. Nhất là cảm giác thú vị khi băng qua bàu cát rộng và rừng dương, rồi dạo chơi với biển hoang sơ.

Điều đặc biệt là dù chỉ là một doi cát nhô ra biển, nhưng phía thì cát vun thành đồi cao chỉ có cây dương chịu nổi, phía thì trũng lầy rừng cây ngập mặn, nhưng nơi này chỉ đào sâu xuống vài mét là có nguồn nước ngọt. Có nơi mạch nước ngọt từ lòng đất phun thành suối. Vì vậy, dừa ở đây sai trái và nước dừa rất ngọt. Đã có nhiều du khách ao ước được tới đây để chạm gần tới đại dương nhất. Đây là vùng đất liền nhô xa nhất ra phía Đông của Tổ quốc, dân phượt dạo mê bình minh trên vịnh Vân Phong chỉ để tắm trong mây gió và khí trời. 

Những động cát ven bờ Vân Phong trắng tựa như cát thủy tinh. Trưa nắng lóa mắt và biển xanh ngằn ngặt. Nếu muốn trèo qua động cát Cô Đơn - cái tên thật hàm ý, người ta phải dò dẫm từng bước qua trảng cát rộng và lún. May mắn thì có chỗ những trảng cát dày có đặt những phiến gỗ chống lún cát kết lại như chiếc cầu cạn. Hoặc là phải ném cây dương xuống mới đủ sức lội qua cát.

Chừng đã quá trưa trên vịnh, tôi nán lại nhà bè của một chủ nuôi tôm hùm, mà mọi người thường gọi là Hùng Thanh Hóa (nghe đâu anh quê Thanh Hóa), nghe anh giãi bày về cái nghề đổ của xuống biển. Mua những con tôm hùm bé tẹo bằng đầu tăm, lòi có 2 con mắt đen bé xíu rồi thả xuống biển. Thời điểm này, mỗi con tôm giống như vậy giá hơn 100.000 đồng. “Thả một mẻ tôm giống là thả một cái biệt thự xuống đại dương đó”, Hùng cười lãng đãng.

“Thả trăm con thu lại độ một nửa, tôm bệnh chết hao đi còn lời hai phần ba. Mà rủi thiên tai dịch họa thì mất đi cũng tương đương vậy, rơi rớt vài trăm triệu là thường. Nông dân ở đây nói ra là tiền triệu, bia lon, giấc mộng lớn không hà, mà toàn đánh bạc với giời”, Hùng chép miệng.

Tôi uống miếng trà đặc chát pha kiểu miền bắc của Hùng, ngả người trên võng nhìn ra mặt vịnh. Quả thật nơi này sao thừa thãi mây gió đến thế, lúc nào cũng chói chang. Dường như dễ lây cái tâm trạng của Vân Phong, của người, của trời mây nước nơi này: bao giờ thì mộng lớn mới thành, bao giờ Vân Phong mới trở thành khu vực kinh tế biển như tiềm năng mong đợi?

Cuối năm 2015, một lần nữa Vân Phong lại được nghiên cứu lại để xây dựng thành cảng tổng hợp đa năng thay thế cho cảng Nha Trang chuyển đổi công năng thành cảng du lịch. Việc này sẽ giúp cho Nha Trang hoàn toàn trở thành thành phố giải trí và Vân Phong mới là thủ phủ kinh tế cảng biển của Nam Trung Bộ.

Cảng Vân Phong mới sẽ đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Vị trí đã đóng cọc để khởi động Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong trước đây sẽ được trưng dụng để tiếp tục xây dựng cảng tổng hợp. Vân Phong lại mơ một giấc mộng mới...

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan