TS. Nguyễn Vinh

TS. Nguyễn Vinh

Một lần đi và nghĩ…: Những người Việt ở UTS

Dù được thành lập chưa đến 30 năm song trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu của Úc, Đại học Công nghệ Sydney (University of Technology Sydney - UTS) luôn chiếm vị trí số 1.

Nhưng có mặt tại đây vào dịp cuối năm, điều khiến tôi bất ngờ không phải là danh vị ấy, mà là những gương mặt người Việt tại đây. Chính họ đã góp phần không nhỏ làm nên tên tuổi của UTS.

Tọa lạc ngay tại trung tâm của Thành phố Sydney, UTS là một trong những trường đại học hàng đầu của Úc với phương pháp giảng dạy đổi mới và mang tính thực tiễn cao. UTS đào tạo 160 khóa học khác nhau bậc đại học, 180 khóa học sau đại học với số lượng sinh viên khoảng 40.000 người, trong đó có 11.000 sinh viên quốc tế đến từ 120 quốc gia khác nhau.

Rất đông sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây, thậm chí chỉ thua số lượng sinh viên đến từ Trung Quốc; Ấn Độ. Nhưng đó không phải là điều bất ngờ duy nhất. Không chỉ sinh viên, mà rất đông giảng viên ở đây là người Việt. Cá biệt có những khoa như Khoa Kỹ thuật - Công nghệ thông tin, giảng viên, trợ giảng và hướng dẫn là người Việt chiếm đến 50%.

Rất nhiều gương mặt Việt đã từng ngày có những đóng góp không nhỏ làm nên tên tuổi của UTS.

GS. Nguyễn Tấn Hùng- chuyên gia về trí tuệ nhân tạo

GS. Nguyễn Tấn Hùng định cư ở Sydney từ năm 1979. Trong sự nghiệp của mình, hầu hết thời gian GS. Nguyễn Tấn Hùng dành cho nghiên cứu công nghệ điều khiển học, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trong điều khiển thiết bị y tế phục vụ chữa trị trong các bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư vú và hỗ trợ người khuyết tật.

Ông sở hữu gần 50 bằng phát minh sáng chế, trong đó hai phát minh ấn tượng nhất là máy đo đường huyết không cần phải lấy máu và hệ thống điều khiển mọi trang thiết bị bằng sóng não. Đây là những sáng chế khoa học có tính ứng dụng cao và được người dân Úc nói riêng và thị trường trang thiết bị dịch vụ y tế thế giới nói chung đánh giá cao.

Dù rất bận rộn, nhưng khi biết tôi từ Việt Nam sang, ông đã sắp xếp lịch để có thể trò chuyện cùng tôi.

“Trong khoa Kỹ thuật - Công nghệ thông tin do tôi phụ trách có rất nhiều giảng viên và sinh viên người Việt. Khi có điều kiện, tôi đều tập trung hướng dẫn cho sinh viên Việt Nam. Với tôi, Việt Nam luôn là quê hương, mỗi năm tôi về Việt Nam hai lần”, ông mở đầu câu chuyện một cách rất chân tình và kể rằng, khi xưa, trong một lần đến thăm người bạn, thấy người nhà của bạn đã phải khó khăn như thế nào trong việc lấy máu thử nghiệm đường huyết, nên cứ trăn trở mãi là làm sao giúp bệnh nhân tiểu đường đo đường huyết mà không phải lấy máu trực tiếp.

Một lần đi và nghĩ…: Những người Việt ở UTS ảnh 1

 GS. Nguyễn Tấn Hùng (thứ ba từ trái sang) cùng các cộng sự bên chiếc xe Aviator

Máy đo đường huyết không cần lấy máu ra đời như thế và thành công này chính là bước ngoặt để từ đây, GS. Nguyễn Tấn Hùng chuyển hướng sang nghiên cứu những ứng dụng công nghệ phục vụ y khoa.

Nhưng để đến được với phát minh được xem là “đột phá” trong lĩnh vực công nghệ, là thiết lập được bản đồ não người và tiến tới mã hóa sóng não để điều khiển các trang thiết bị điện, thì không phải đơn giản như thế.

“Ý tưởng này bắt đầu từ buổi tham quan Trường của bà Phó Thủ tướng Úc Julia Gillard (sau này trở thành Thủ tướng). Khi bà Julia Gillard xem các công trình nghiên cứu của tôi về công nghệ điều khiển học như robot chơi cờ…, bà ấy đã đặt câu hỏi tại sao không phát minh ra xe lăn dành cho người tàn tật điều khiển bằng ý nghĩ? Từ câu hỏi này, tôi cùng các cộng sự miệt mài làm việc suốt hơn 5 năm để đến nay, chiếc xe lăn đầu tiên điều khiển hoàn toàn bằng ý nghĩ - Aviator đã chính thức ra đời và đang được thử nghiệm để có thể đưa ra thị trường trong năm 2016”, GS. Nguyễn Tấn Hùng nói và tự hào cho biết, điểm đặc biệt của Aviator là người điều khiển chỉ cần suy nghĩ, lập tức hành động được lập trình và triển khai, không lệ thuộc vào ngôn ngữ điều khiển. Do vậy, sản phẩm này nếu đưa ra thị trường thì tất cả mọi người không phân biệt quốc gia, ngôn ngữ đều có thể sử dụng được, khi muốn dừng, người điều khiển chỉ cần nhắm mắt lại.

Chính vì những đóng góp không mệt mỏi cho ứng dụng khoa học phục vụ y tế cộng đồng, GS. Nguyễn Tấn Hùng đã trở thành một trong 4 công dân danh dự của bang New South Wales năm 2012. Ông cũng đã nhận nhiều giải thưởng về giáo dục của UTS năm 2000, giải thưởng Engineering Manager of Power Electronics Pty Ltd 1988 - 1998, là thành viên cao cấp của Viện Kỹ sư điện và điện tử và là Ủy viên của Viện Kỹ sư Úc; Hội Tin học Úc; và Hiệp hội Máy tính Anh…

TS. Nguyễn Vinh- người kết nối

Nếu xem GS. Nguyễn Tấn Hùng là thế hệ giảng viên người Việt đầu tiên tại UTS thì TS. Nguyễn Vinh được xem là đại diện thế hệ thứ hai. Tốt nghiệp loại giỏi tại Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành hóa, ông đến Úc lấy bằng cao học và sau đó lấy bằng tiến sĩ về chuyên ngành môi trường tại UTS vào năm 2007, sau đó được mời ở lại giảng dạy và làm việc tại UTS từ đó đến nay.

TS. Nguyễn Vinh chuyên nghiên cứu về các lĩnh vực môi trường. Dù đã định cư tại Úc, nhưng cũng như GS. Nguyễn Tấn Hùng, mỗi năm TS. Nguyễn Vinh đều thu xếp về Việt Nam 1-2 lần, ngoài chuyện thăm nhà, việc quan trọng nhất là ông tìm kiếm các trường trong nước để liên kết đào tạo, tìm kiếm tiếp nhận các sinh viên kỹ thuật giỏi của Việt Nam để hướng dẫn họ tìm kiếm các suất học bổng tại UTS.

“UTS là trường chuyên về thực hành, chuyên đào tạo những ứng dụng thiết thực và mới nhất cần thiết cho đời sống, chứ không theo khuynh hướng đào tạo hàn lâm, chuyên về nghiên cứu như một số đại học khác. Trường còn có nhiều cách giúp sinh viên làm quen với môi trường bên ngoài giảng đường.

Chẳng hạn, sinh viên có dự án sẽ nộp đơn đến trung tâm hỗ trợ sinh viên lập nghiệp. Nếu được thông qua, trung tâm sẽ tổ chức khóa tập huấn cho sinh viên với sự tham gia tư vấn, thảo luận, định hướng của các công ty lớn. Khi đủ tự tin, sinh viên sẽ đi xin vốn để khởi nghiệp. Ngoài ra, trong chương trình học, trường thiết kế một khoảng thời gian để sinh viên tiếp cận với các công ty ở ngoài nước Úc.

Vì thế, hơn 76% sinh viên UTS có việc làm sau khi tốt nghiệp, trong đó 10% có mức lương cao hơn mặt bằng chung. Đây là kết quả của cả một quá trình chọn con đường ứng dụng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động mà UTS đeo đuổi”, TS. Nguyễn Vinh cho biết.

Tán Hoàng Minh - niềm tự hào của sinh viên Việt

Quyết tâm học hỏi công nghệ hàng đầu của nước ngoài để góp sức xây dựng quê hương đã thôi thúc Tán Hoàng Minh, cậu sinh viên quê Đà Nẵng, đầu tư thời gian và công sức để giành học bổng toàn phần chuyên ngành kỹ sư công nghệ thông tin năm 2013. Năm 2014 vừa qua, Tán Hoàng Minh cũng được trao giải thưởng Dean’s Merit Prize của UTS: INSEARCH cho chương trình Cao đẳng Kỹ sư sau khi có được điểm trung bình GPA cao nhất trong học kỳ đầu tiên của chương trình học tập.

Gặp Minh vào buổi chiều sau giờ học trong khuôn viên của UTS, Minh cho biết hiện nay  UTS và UTS: INSEARCH có gần 1.000 sinh viên Việt Nam đang theo học các ngành học, nhiều sinh viên sau khi ra trường được giữ lại công tác tại trường hoặc tiếp tục học cao học, nghiên cứu sinh. Du học sinh Việt Nam nếu chịu học, đều là những sinh viên giỏi và thông minh. Ở đây, các em có cộng đồng sinh viên Việt Nam luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.

“Điều ấn tượng nhất với em tại UTS là môi trường học tập hoàn toàn chủ động, giảng viên rất thân thiện và nhiệt huyết, có rất nhiều hoạt động ngoại khoá và có thể kết bạn từ khắp mọi nước trên thế giới. Đây là một thuận lợi cho việc nghiên cứu và làm việc sau này”, Minh nói.

Hỏi về tương lai, Tán Hoàng Minh khẳng định, trước mắt tốt nghiệp cử nhân xong, Minh sẽ theo học tiếp cao học và nếu có điều kiện sẽ học lên cao. “Em chỉ muốn được giữ lại trường làm giảng viên nhưng nếu có điều kiện sẽ xin về Việt Nam để đem chương trình này về cho các bạn sinh viên ở Việt Nam. Đây là chương trình thiết thực với thực tế, ứng dụng cao”, Minh hào hứng chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của tôi về việc UTS có dự định đầu tư cơ sở tại Việt Nam như RMIT đã từng làm, bà Thảo Nguyễn, Giám đốc UTS tại Việt Nam cho biết, UTS rất xem trọng thị trường Việt Nam, việc đầu tư trực tiếp đòi hỏi phải có kế hoạch chi tiết và cần sự đồng ý của Bộ Giáo dục Đào tạo, nhưng liên kết để mở rộng mô hình đào tạo tại Việt Nam là hướng đi UTS đang đẩy mạnh.

“Về cơ bản, UTS đã hiện diện tại Việt Nam thông qua hợp tác triển khai trung tâm đào tạo Anh ngữ ACET, và mô hình này đang rất thành công. Trong năm 2016, chúng tôi đang tiến hành ký kết hợp tác với các thương hiệu lớn tại Việt Nam như Intel… để đưa các sinh viên của UTS sắp ra trường được về thực tập tại các DN. Mô hình liên kết đào tạo này sẽ là cầu nối hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là kỹ sư của UTS ra trường phải làm việc được ngay”, bà Thảo Nguyễn nhấn mạnh.  

Theo nhận định chung của nhiều nhà tuyển trạch, nhân lực Việt Nam chủ yếu được đào tạo mang nặng tính hàn lâm, thiếu các kỹ năng thực tế… Do vậy, một câu hỏi lớn đặt ra là tìm mô hình giáo dục nào phù hợp nhu cầu và điều kiện phát triển Việt Nam? Liệu rằng mô hình của những trường như UTS có phù hợp?

Trả lời câu hỏi này không phải là phạm vi của bài viết này, nhưng ở góc độ cá nhân, tôi vẫn mong có thêm nhiều người Việt ở UTS. Chính họ sẽ là những “cánh én” góp phần tích cực cho việc hình thành “mùa xuân” cho nguồn nhân lực của Việt Nam trước áp lực cạnh tranh nhân lực đã cận kề, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập AEC, WTO và sắp tới là TPP.

Tin bài liên quan