Mắc ca: Nữ hoàng của các loại hạt khô

Mắc ca: Nữ hoàng của các loại hạt khô

(ĐTCK) Nói đến hạt Mắc ca, có lẽ trước đây không mấy người để ý, nhưng sau sự kiện con gái Chủ hãng hàng không Korean Air đuổi tiếp viên trưởng vì cho là phục vụ sai cách hạt mắc ca, loại hạt này mới được dân Hàn Quốc săn lùng và trở nên nổi tiếng gắp thế giới. Vậy loại hạt này là hạt gì mà gây bao điêu đứng cho một trong những gia đình quyền lực bậc nhất ở Hàn Quốc?

Mắc ca có lẽ là loài cây nông nghiệp trẻ nhất trong lịch sử chinh phục thiên nhiên của con người khi được phát hiện ở Queensland (Úc) vào năm 1857 và tới năm 1858 được trồng lần đầu tiên thành công. Nhưng loại cây này mau chóng được sự chú ý đặc biệt vì quả của nó cho cho hạt ngon nhất mà sau này được phong là “nữ hoàng của các loại hạt khô”.

Quả mắc ca hình tròn, trông nó như trái chanh nhỏ. Hạt của nó có lớp vỏ rất cứng, phải dùng búa đập mới vỡ. Nhân ở trong hạt to bằng hòn bi ve. Đó là phần ăn được mà mọi người đều khao khát. Nó có hàm lượng dầu rất cao (78%), cao hơn cả lạc nhân (44,8%), hạt điều (47%), hạnh nhân (51%) và hạnh đào (63%).

Dầu mắc ca cũngi có trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể chúng ta rất cần nhưng không tổng hợp được. Các chất này giúp con người tổng hợp được cholesterol và phòng ngừa xơ cứng động mạch. Hàm lượng protein trong nhân tới 9,2%. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều vitamin, các chất khoáng và đường bột.

Nhân mắc ca nếu được chiên lên sẽ cho mùi thơm ngậy của bơ, ăn vừa bùi, vừa béo, vừa bổ. Người ta còn dùng mắc ca để chế biến nhân bánh, nhân kẹo socola, nước uống, dầu ăn, dầu dưỡng da, dầu dược liệu và được bán với giá rất cao. Từ Úc, Mắc ca được đưa sang Mỹ và nhiều nước khác như Nam Phi, Kenya, Costarica, Guateneala, Mexico, Venezuela, Zimbabwe, Tanzania, Etiopia, New Zealand, Trung Quốc…

Theo tài liệu của GS. Hoàng Hòe thì người Trung Quốc đã đưa 50 giống từ Úc và từ Hawaii vào trồng từ năm 1974. Giai đoạn đầu (1994 - 1998) họ phát triển ồ ạt, nhưng ít chú ý tới vấn đề kỹ thuật, đặc biệt là khâu giống, nên đã bị đình đốn một thời gian (kéo dài tới năm 2003). Từ năm 2004, Trung Quốc đã rút kinh nghiệm và củng cố vào kỹ thuật nên mắc ca lại phát triển mạnh trở lại. Năm 2005, họ có 3.500 héc-ta mắc ca. Nhưng tới năm 2007 diện tích đã tăng lên 6.000 héc-ta và sản lượng đạt 1300 héc-ta tấn hạt/năm.

Tới năm 2013, diện tích mắc ca trên Trung Quốc đạt 36.500 héc-ta và sản lượng là 4.170 tấn và phấn đấu tới năm 2020 sẽ trồng được 100.000 héc-ta với khoảng 30 triệu cây và sản lượng là 30.000 tấn. Tới năm 2025, là 60.000 tấn và năm 2030 là 100.000 tấn. Tuy nhiên, nhu cầu về hạt mắc ca của người Trung Quốc vẫn tăng lên rất nhanh. Vì vậy, Trung Quốc vẫn phải nhập thêm hạt mắc ca từ nhiều nước khác.

Ở Việt Nam, cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn là người đầu tiên đưa cây mắc ca vào Việt Nam (từ năm 1993) và giao cho ngành lâm nghiệp tổ chức trồng thử nghiệm từ năm 1994 tại nhiều nơi. Sau 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm trên hàng loạt vùng địa lý và khí hậu của Việt Nam đã xác định được hai vùng khí hậu thuận lợi cho cây mắc ca sinh trưởng và cho năng suất cao, đó là Tây Bắc và Tây Nguyên.

Mắc ca: Nữ hoàng của các loại hạt khô ảnh 1

Cây mắc ca ở Tây Nguyên 

"Tây Nguyên là vùng phù hợp nhất để trồng mắc-ca, còn vùng Tây Bắc và Đông Bắc cũng có thể gây trồng mắc ca nhưng phải tránh những nơi thường xuyên bị gió Lào, có sương muối và dễ bị ảnh hưởng của bão, mưa phùn vào vụ xuân", ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienvietPost Bank cho biết.

Kể từ khi người Pháp đưa cà phê và cao su vào Việt Nam, hai loại cây này đều mất tới hơn 100 năm để đạt được ngưỡng kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD. Nhưng với thực tế hiện nay, một cây mắc ca có thể cho tới 70 kg hạt và với giá hiện khoảng 15 USD/kg, thì Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 héc-ta và có thể đạt được kim ngạch 1 tỷ USD. Do vậy, không có lý do gì mà không trồng cây mắc ca tại Việt Nam.

Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay, CTCP Thương mại và Đầu tư phát triển công nghệ Quốc tế (IDT) đã có các sản phẩm làm từ hạt mắc ca được đã đưa ra thị trường với nhiều hương vị khác nhau. Ngoài ra, công ty còn đưa ra hàng loạt món ăn hấp dẫn được chế biến với hạt và dầu mắc ca như các loại súp mắc ca với bí ngô, hạnh nhân, khoai lang, các loại salad của mắc ca với măng tây nướng, thịt cừu, củ cải đường; các loại bánh, các loại kem…

“Tuy vậy, hiện IDT đang phải nhập hạt mắc ca từ Úc với giá rất đắt, nên người nông dân Việt Nam làm ra bao nhiêu hạt mắc ca thì IDT cũng sẽ thu mua hết!... Rõ ràng, đầu ra cho hạt mắc ca là hoàn toàn yên tâm. Vậy còn lý do gì mà chúng ta không phát triển mạnh loại cây này trên vùng đất Tây Nguyên?”, một lãnh đạo cao cấp IDT chia sẻ.

Dự báo một trào lưu biết đến và sử dụng hạt mắc ca sẽ lan nhanh và  rộng trong thời gian tới.