Nhiều nhà đầu tư luôn bật Facebook để cập nhật thông tin

Nhiều nhà đầu tư luôn bật Facebook để cập nhật thông tin

Làm báo thời cạnh tranh với… Facebook

(ĐTCK) Nhà đầu tư cập nhật một tin tức mới nhất về một cổ phiếu hay về thị trường không phải từ trang báo mạng mình hay đọc, mà từ mạng xã hội như Facebook là chuyện bình thường trong thời buổi này.

Rất nhiều nhà đầu tư vì bận rộn không thể theo dõi thị trường thường xuyên nên luôn bật Facebook để cập nhật thông tin được chia sẻ từ những người bạn trong giới đầu tư.

Một nhà đầu tư chia sẻ: “Đôi khi vào báo mạng, có quá nhiều thông tin để đọc và khi không có thời gian, tôi thường sử dụng Facebook như một bộ lọc, bởi những người mà tôi kết bạn là những người hiểu biết về thị trường, khi có những thông tin đáng chú ý, họ sẽ chia sẻ hoặc like trên Facebook”.

Có lẽ, không cần phân tích nhiều về sức mạnh của mạng xã hội, mà chỉ nêu thêm một vài dẫn chứng gần đây mà mạng xã hội chứng tỏ “quyền lực” đối với TTCK và doanh nghiệp niêm yết. Trường hợp bài báo dân xã Đạ M’ri năn nỉ đại gia Lê Phước Vũ “Là phật tử thì đừng ép dân”, sau khi được một báo điện tử đăng tải đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.

Sau đó, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đã khởi kiện tờ báo, đồng thời tổ chức họp báo để trả lời các câu hỏi mà báo chí nêu ra. Nhưng động thái đó không đủ để dư luận thôi nghi ngờ trước những thông tin mà bài báo nêu trên đưa ra. Sóng nổi lên ở đâu thì gió phải thổi ở đó.

Cuối cùng, để có thể đưa những thông tin chính thức về Dự án trồng rừng, quản lý và bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh B’Nom Lumu - Hoa Sen, chủ đầu tư đã lập một Facebook cập nhật thông tin dự án. Như vậy, trong trường hợp này, báo chí không phải là lựa chọn hữu hiệu để xử lý khủng hoảng thông tin, mà Facebook mới là công cụ hợp lý.

Trường hợp khác, khi một trang web của cộng đồng đầu tư tài chính phải dừng hoạt động thì toàn bộ nhóm phát triển trang web này đã chuyển qua phát triển trên Facebook, duy trì hoạt động của diễn đàn trên Facebook. Ảnh hưởng của địa chỉ Facebook này đến cộng đồng nhà đầu tư tài chính không phải là nhỏ.

Tương tự, Facebook của giám đốc môi giới một công ty chứng khoán có tên tuổi (nay đã chuyển sang làm giám đốc đầu tư) có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Nó không thể hiện ở số lượng bình luận, mà thể hiện ở số lượng like và số người đọc, cũng như click vào đường link dẫn đến bài nhận định thị trường của anh. Vị giám đốc này xuất hiện trên báo chí khá nhiều, công khai các nhận định thị trường của mình, nhưng sự xuất hiện trên Facebook của anh nhiều hơn.

So với các báo chính trị, xã hội hay tin tức, thì báo chuyên ngành tài chính - chứng khoán cảm nhận áp lực từ mạng xã hội muộn hơn, nhưng đến thời điểm này đã rất rõ ràng. Hầu hết các báo đều lập fanpage để thu hút lượng bạn đọc trên mạng xã hội, làm cầu nối để đưa bài viết báo điện tử vào môi trường xã hội. Các tờ báo phải làm điều này để có bạn đọc, dù biết đây là hình thức “giúp miễn phí” làm nội dung cho ông chủ Facebook.

Nhưng làm thế nào để lôi kéo độc giả lựa chọn Facebook để cập nhật tin tức, mà không quên tờ báo giấy, hay báo điện tử chuyên ngành tài chính là câu hỏi cho những người làm báo, ngay cả khi biết rõ ràng rằng, Facebook chỉ có thể tăng áp lực cạnh tranh, chứ không thay thế được hình thức báo truyền thống.

Ở một khía cạnh khác, các nhà báo cũng phải theo dõi tin tức về thị trường được chia sẻ nhiều trên Facebook để từ đó nắm bắt được nhu cầu thông tin của nhà đầu tư. Như khi có thông tin một chiều về một cổ phiếu hay doanh nghiệp nào đó được lan truyền, thì báo chí có thể kiểm chứng lại với nguồn thông tin chuẩn xác và đưa thông tin đó quay trở lại mạng xã hội để tin tức đến được với nhiều người đọc.

Và nếu như trên Facebook, trong lĩnh vực tài chính, những thành viên hiểu biết thường chỉ đọc những đường link được chia sẻ từ những người mà họ biết, với sự tin tưởng nhất định và like một cách có trách nhiệm thì trên báo giấy, cách để thông tin được độc giả tin cậy nhiều hơn là bản thân mỗi người viết, mỗi phóng viên phải xây dựng thương hiệu cho mình.

Độc giả của thị trường tài chính là những người nạp thông tin với khối lượng rất lớn mỗi ngày và cùng với thời gian, họ sẽ đánh giá chất lượng thông tin không chỉ dựa vào nguồn trích dẫn, phương thức phân tích và thương hiệu của tờ báo, mà còn nhìn vào tên tuổi của người viết.

Nói chung, mạng xã hội tạo ra áp lực với những người làm báo chuyên ngành tài chính, nhưng đây là áp lực tích cực, mang tính thúc đẩy sự canh tranh. Áp lực này khác hoàn toàn áp lực cạnh tranh không bình đẳng từ những trang thông tin điện tử thường copy, sử dụng bài của các báo chính thống một cách “vô tư”, với tần suất dày đặc để câu view và hưởng lợi.

Vì thế, mạng xã hội có thể là công cụ hữu hiệu cho người làm báo cũng như một cơ quan báo chuyên ngành tài chính, nếu thực sự biết khai thác nó.

Tin bài liên quan