Hoài niệm Tết xưa

Xã hội luôn vận động, biến đổi không ngừng, nhiều cái cũ mất đi và nhiều cái mới sinh ra. Tục đón Tết cũng thế, thời nay không giống ngày xưa cũng là điều dễ hiểu. Tự an ủi vậy nhưng mỗi khi nghe câu hát rộn ràng “Xuân Xuân ơi, Xuân đã về”, lòng vẫn thấy nao nao với những hoài niệm Tết xưa...
Hoài niệm Tết xưa

Hồi ông nội tôi còn sống, những ngày giáp Tết, ông chăm chút nhất chậu cúc đại đóa và cây đào bích. Ông bảo, cúc là một trong 4 loài cây quý (tùng, cúc, trúc, mai), tượng trưng cho khí tiết người quân tử. Còn hoa đào là để xua ma quỷ quấy nhiễu, giữ bình yên cho năm mới. Ngày Tết trong nhà có chậu cúc, cành đào thì cả năm sẽ được bình an, khang thái.

Với người Việt xưa, Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp - ngày ông Táo lên chầu Trời để tâu bày công việc của nhân gian. Bắt đầu từ đây, hễ nói đến ngày tháng là người ta gắn với chữ Tết, chẳng hạn hai tư Tết, hai nhăm Tết… Ngày này, khi mẹ tôi đi chợ, ông thường dặn mua 3 con cá chép để Táo quân cưỡi. Trước ánh mắt tò mò của bọn trẻ chúng tôi, ông bảo, theo truyền thuyết thì cá chép hóa rồng, cá chép tượng trưng cho sự vươn lên, cúng cá chép với ước mong cho gia đình làm ăn tấn tới, con cháu học hành thành đạt.

Sau bữa cỗ tiễn ông Táo lên chầu Trời, đám trai trong làng rủ nhau đi xin tre làm cây đu. Muốn làm đu phải kiếm được 4 cây tre lớn làm cột. Đây phải là những cây tre đực, cứng và dài. Loại tre này đắt tiền, nên thường các gia đình chỉ cho mượn, hết Tết thì phải đem trả.

Ngoài 4 cột, cây đu còn gồm thượng đu, tay đu và bàn đu. Thượng đu là thanh tre ngang nối hai phần trụ đu với nhau, tay đu để người chơi nắm lấy, còn bàn đu để đặt chân vào. Những bộ phận này thường làm bằng tre bánh tẻ, hơ qua lửa cho dẻo. Khoảng 2 ngày sau là xóm nào cũng dựng lên được một cây đu. Bọn trẻ con chúng tôi đi học về bao giờ cũng vòng qua bãi đu ngắm nghía.

Ngày 28 tháng Chạp là phiên chợ làng cuối cùng trong năm. Phiên chợ tất niên ấy vui lắm, hàng hóa tràn ngập, hầu như cả làng đi chợ mua sắm, ai không mua sắm gì cũng đi chơi chợ. Chợ đông, người chen nhau, nhưng không ai khó chịu về điều đó. Có sống ở nông thôn mới cảm nhận được cái háo hức của phiên chợ Tết.

Tôi được ông nội dắt đi chợ Tết. Hai ông cháu vào hàng bán tranh và câu đối để ông tìm mua một đôi câu đối về treo ở ban thờ. Câu đối có nội dung như sau: “Con cháu thảo hiền vạn tiết xuân/ Tổ tiên công đức muôn đời thịnh”. Mẹ tôi gánh gạo nếp đi bán phiên chợ Tết, rồi mua cho tôi quà Tết là một bánh pháo chuột, mua biếu ông nội phong thuốc lào Vĩnh Bảo gói trong lá chuối khô thơm phức…

Chiều đến, cả mấy ông cháu múc nước lau dọn bàn thờ và rửa nhà. Xong việc lại ra quét tước đoạn đường trước ngõ. Rồi ông lấy vôi bột rắc đầy cổng, lại vẽ thành hình một chiếc cung tên. Ông bảo, đây là tục “tống cựu nghinh tân”, đón năm mới mọi thứ phải sạch sẽ, tinh khiết thì tâm hồn con người sẽ thêm sảng khoái. Hôm sau, ông còn lấy trấu và tro bếp đánh sạch bộ ấm chén và cái điếu bát.

Vui nhất với đám trẻ con có lẽ là ngày mổ lợn. Thường là 4 gia đình chung nhau một con mổ thịt ăn Tết. 29 Tết, tiếng lợn kêu khắp làng, bếp nhà nào cũng nghi ngút khói, thơm phức mùi xào nấu, rồi tiếng giã giò kí cốp. Mỗi nhà giã một cái giò nạc, còn đâu dành để bó giò mỡ và nấu thịt đông. Trời rét, ăn miếng giò mỡ với dưa hành thật tuyệt. Mẹ tôi thái những miếng thịt mỡ khổ lớn để gói bánh chưng. Bánh ninh dền, mỡ chảy ra lẫn với nhân đỗ xanh ăn bùi và ngậy.

Chiều 30 Tết, bố tôi mới từ Hà Nội về, đèo sau xe đạp một chậu quất mua ở chợ hoa Hàng Lược. Những quả quất sai lúc lỉu, vàng rực, làm ấm áp cả chiều tất niên. Bố mẹ dặn chúng tôi từ giao thừa trở đi không được cãi cọ, không được nói tục, kẻo “dông” cả năm. Mẹ bắc nồi bánh chưng, chúng tôi xúm xít xung quanh canh bánh và chờ giao thừa.

Tiếng pháo nổ đì đẹt khắp làng. Phút giao thừa đã điểm. Pháo nổ ran, mùi thuốc pháo lẫn với mùi hương trầm thơm nức tràn ngập khắp không gian. Ông nội tôi mặc áo the, khăn xếp đang đứng trước mâm cúng giao thừa đặt ở ngoài sân thành kính khấn vái, sau đó mới vào nhà cúng bàn thờ gia tiên.

Ông bảo, cúng ngoài trời là để đón vị hành khiển của năm, mỗi năm có một vị hành khiển, một giáp có tất cả 12 vị. Đây là những thiên tướng nhà trời xuống cai quản nhân gian trong một năm.

Cúng giao thừa xong, ông nội bảo chúng tôi ra vườn hái một nhành lộc mang vào nhà. Nhành lộc chỉ gồm một búp lá, không phải chặt cả cành to như bây giờ khiến cây cối xơ xác. Hái lộc với hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe tiến bộ, thành đạt hơn năm cũ.

Cả mấy ngày Tết, với bọn trẻ chúng tôi, niềm vui lớn nhất là được ăn ngon, cứ ăn xong là cả đám chạy đi chơi tít mít, đói lại về ăn rồi đi chơi tiếp. Tết có nhiều trò chơi lắm! Trẻ con thì chơi đánh khăng, đánh đáo, ném vòng vào miệng chai, ném đồng xu vào chậu thau. Thanh niên thì chơi đu, đi xe đốt pháo, chèo đò bắt vịt. Các bà, các chị thì thi thổi cơm, nấu xôi chè.

Với các cụ già, thú vui nhất là chơi tổ tôm. Đây là trò chơi rất khó vì số quân bài nhiều tới 120 quân, lại có nhiều luật, nhiều nước biến hóa, vì thế đàn ông ai biết chơi tổ tôm thì được xếp vào hàng phong lưu, lịch thiệp. Ông nội tôi thường ngâm nga câu: “Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống chè mạn hảo, xem nôm Thúy Kiều”.

Cờ người cũng là trò chơi ngày Tết thu hút nhiều kỳ thủ tranh tài. Nhiều làng, nhất là xứ Kinh Bắc quê tôi, cứ dịp Tết là mở hội cờ to lắm, cả những kỳ thủ tận Hà Nội, Hải Phòng cũng về tranh tài…

Giờ thì Tết đã đổi thay nhiều. Hàng hóa rất sẵn, mọi người không phải lo mua sắm từ nhiều ngày trước Tết như xưa. Nhiều người tranh thủ dịp được nghỉ dài ngày này để đi du lịch. Đường phố nội thành thường rất vắng vì sinh viên và những người ngoại tỉnh về quê ăn Tết hết. Ở nông thôn Tết cũng kém vui hơn, vì các trò chơi dân gian hầu như không còn, thanh niên thường túm tụm uống rượu, đánh phỏm...

Vài dòng hoài niệm Tết xưa để nhớ về một ngày xưa, xa lắm!n

Tin bài liên quan