Đừng để tiền tỷ ra đi vì mưa bão

Với sự xuất hiện của cơn bão số 2, mùa mưa bão năm 2014 sắp vào giai đoạn đỉnh điểm, kéo theo đó là nỗi lo thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, lũ lụt gây ra cũng ngày một tăng.
Đừng để tiền tỷ ra đi vì mưa bão

Không phải ngẫu nhiên trong 4 mối nguy “thủy, hỏa, đạo, tặc” mà người xưa liệt kê, thì lũ lụt được xếp vào vị trí đầu tiên. Thực tế cũng cho thấy, chỉ riêng năm 2013, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 313 người, làm bị thương 1.150 người, tổng thiệt hại về kinh tế ước gần 30.000 tỷ đồng, gấp trên 2 lần năm 2012. Thiệt hại mà thiên tai, bão lụt gây ra cho doanh nghiệp cũng không hề nhỏ, khi bình quân trong 5 năm gần đây, con số này lên tới 1,5 tỷ USD/năm.

Mặc dù năm 2014, theo dự báo, số cơn bão đổ bộ vào Việt Nam thấp hơn con số kỷ lục 15 trong năm 2013, nhưng điều đáng ngại là, rất khó đoán định được cường độ, sự di chuyển của các cơn bão này.

Một thực trạng đáng quan tâm hiện nay là hàng loạt dự án quản lý giảm nhẹ thiên tai, phòng chống bão lụt… đã được thực hiện với kinh phí lên tới hàng triệu USD, ngốn hàng chục ngàn tỷ đồng vốn ngân sách, nhưng không phải dự án nào cũng được triển khai hiệu quả.

Ngay tại một số thành phố lớn, việc triển khai công tác phòng chống lũ lụt cũng còn nhiều hạn chế.

Đơn cử, tại Hà Nội, dự án thoát nước được triển khai từ năm 1998, nhưng đến năm 2005 mới hoàn thành giai đoạn I. Và hiện nay, giai đoạn 2 của dự án, dự kiến có kinh phí lên tới 1,2 tỷ USD vẫn với tốc độ rùa bò. Chính vì vậy, dù chưa có trận bão lớn nào quét qua, song bình thường, chỉ mưa lớn liên tục trong khoảng 1 giờ, là người dân Thủ đô lại hứng chịu cảnh đường phố thành sông. Tương tự, dù hàng ngàn tỷ đồng đã được chi cho công tác phòng chống ngập tại TP.HCM, song năm nay, Thành phố này vẫn còn trên 10 điểm ngập úng...

Muốn giảm tác động bất lợi của mưa bão, lũ lụt đối với nền kinh tế, giải pháp hữu ích nhất là các ngành, các địa phương, doanh nghiệp phải tăng cường công tác phòng chống, xây dựng phương án đối phó. Song thực tế lại có tới 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có kế hoạch ứng phó với tình huống khẩn cấp khi thiên tai xảy ra, nhiều địa phương cũng còn chủ quan trước những thay đổi về thời tiết, không cập nhật thông tin cảnh báo tới cộng đồng dân cư.

Hy vọng, thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra trong năm nay sẽ giảm bớt, bởi đây là năm đầu tiên, Luật Phòng, chống thiên tai chính thức có hiệu lực. Việc Chính phủ vừa ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật này vào đầu tháng 7 năm nay, theo đó phân định rõ trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong phòng chống thiên tai được xem là động thái kịp thời, nâng cao hơn nữa ý thức của các cấp, ngành và các địa phương cũng như doanh nghiệp. Công tác phòng chống thiên tai cũng sẽ thêm chiến lược dài hạn hơn, bởi theo chỉ đạo, đến năm 2015, Bộ NN&PTNT phải xây dựng được kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.       

Tin bài liên quan