24 năm qua, Báo Đầu tư luôn phát triển song hành cùng sự nghiệp đổi mới kinh tế của đất nước

24 năm qua, Báo Đầu tư luôn phát triển song hành cùng sự nghiệp đổi mới kinh tế của đất nước

Định vị truyền thông tài chính trong dòng chảy tái cơ cấu kinh tế

(ĐTCK) Trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, minh bạch thông tin trong hoạt động của các ngành, các DN, minh bạch thông tin trong các quyết sách và điều hành của cơ quan quản lý là một trong những nền tảng hết sức quan trọng.

Đáp ứng yêu cầu đó, đặc biệt khi Đề án Tái cơ cấu hệ thống báo chí đang bước vào giai đoạn thực thi, mỗi tờ báo, đặc biệt là khối báo chí kinh tế đang đứng trước sức ép rất lớn phải cơ cấu lại hoạt động của mình giữa dòng chảy cực kỳ sôi động của truyền thông hiện đại.

Ông Hà Minh Huệ,  Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ĐTCK nhân 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nước ta đang được triển khai mạnh mẽ. Chủ trương này rất cần được tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng đến mọi thành phần xã hội để hiểu và chung tay thực hiện một cách hiệu quả. Vậy theo ông, vai trò của báo chí trong việc triển khai thực hiện chủ trương này như thế nào?

Báo chí có chức năng thông tin, nhưng cũng có chức năng giáo dục và phản biện xã hội, với mục tiêu chung là phục vụ sự phát triển đất nước, trong giai đoạn này là phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh là một chủ trương lớn, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cũng như nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội.

Định vị truyền thông tài chính trong dòng chảy tái cơ cấu kinh tế ảnh 1

Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam
 

Với chức năng của mình, báo chí có thể tham gia từ khâu thông tin về chủ trương, nội dung Đề án, giới thiệu sâu rộng tới mọi thành phần xã hội để tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương này, đồng thời thực hiện chức năng phản biện xã hội, chuyển tải các ý kiến của công chúng, của các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu để cung cấp đầy đủ thông tin nhiều chiều cho Chính phủ cũng như các cơ quan tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Chủ trương tái cơ cấu được được dư luận rộng rãi ủng hộ. Không có lý gì mà báo chí lại đứng ngoài cuộc. Thời gian qua, báo chí chúng ta, trong đó có các ấn phẩm của Báo Đầu tư đã tích cực tham gia, có nhiều bài báo thông tin hiệu quả, đa chiều về nội dung đề án này.

Thưa ông, sự xuất hiện của mạng xã hội đã tạo ra những điều kiện thuận lợi và thách thức đối với báo chí truyền thống. Là cơ quan quản lý các hội viên nhà báo, Hội Nhà báo có định hướng gì về vấn đề tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để thúc đẩy năng lực của báo chí?

Sự xuất hiện của mạng xã hội đã tạo ra những điều kiện thuận lợi và thách thức đối với báo chí. Với lợi thế của nó, mạng xã hội vừa là mảnh đất màu mỡ cho báo chí, cung cấp nội dung, đồng thời những thông tin nhanh nhạy, phong phú, rộng lớn giúp báo chí tìm đến sự thật của thông tin khi tác nghiệp. Nhưng để tận dụng tốt, trước hết chúng ta cần nhận thức bản chất mối quan hệ này.

Trước hết, báo chí và mạng xã hội cùng là nguồn đề tài, nguồn tư liệu cho nhau. Nếu như các bài báo mang tính thời sự cao nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận và chia sẻ trên mạng xã hội thì ngược lại, những thông tin, tư liệu cá nhân phong phú trên mạng xã hội cũng là nguồn tham khảo, gợi ý phong phú và vô tận đối với các nhà báo.

Thông qua sự quảng bá của mạng xã hội, nếu những thông tin có chất lượng, lập luận khoa học, sắc bén được người đọc thừa nhận… thì thương hiệu của tờ báo, uy tín của nhà báo được nâng lên. Trên thực tế, đã hình thành thói quen công chúng tiếp nhận thông tin trên báo chí ngay trên mạng xã hội.

Tương tác với mạng xã hội, hiệu ứng của truyền thông đạt mức cao, bởi số lượng người tham gia bình luận, đóng góp ý kiến, lượt chia sẻ thông tin chính là con số thiết thực nhất để đánh giá thông tin mà nhà báo đưa ra, quá trình truyền thông có thành công hay không. Qua đó, mỗi nhà báo sẽ rút ra được kinh nghiệm trong việc nâng cao khả năng tương tác của mình đối với công chúng thông qua việc tiếp tục khai thác những thông tin liên quan đến những tin tức mà độc giả đang quan tâm nhiều nhất.

Như vậy, mạng xã hội và báo chí có mối quan hệ mật thiết. Mặc dù, báo chí bị mạng xã hội cạnh tranh gay gắt, nhưng khi biết tận dụng mối quan hệ này thì báo chí sẽ có thêm một trợ thủ đắc lực, một môi trường tương tác và có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển.

Việc khai thác thông tin dần dễ dàng hơn, nội dung thông tin đa dạng, phong phú, hấp dẫn bạn đọc. Sự tương tác giữa báo chí và công chúng không còn là vấn đề khó khăn nữa, đặc biệt là lượng độc giả vô cùng lớn từ mạng xã hội sẽ có nhiều điều kiện tiếp xúc với báo chí, với các tờ báo để trở thành những độc giả quen thuộc của báo chí.

Tự do báo chí, đó là một trong các quyền cơ bản của con người trong một xã hội phát triển. Theo ông, tự do báo chí nên hiểu như thế nào để góp phần khẳng định vị trí đồng hành với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế ?

Trở lại vấn đề tự do báo chí, có thể khẳng định, Việt Nam là quốc gia tự do báo chí. Tất cả các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương đều có báo hoặc tạp chí, có địa phương có gần 30 cơ quan báo chí; báo chí còn được phân theo giới tính, lứa tuổi: từ nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, người cao tuổi đều có báo và tạp chí của mình. Thậm chí, hội của những người chơi cây cảnh, cá cảnh, chơi ten-nít đều có tạp chí.

Hiện nay, cả nước có 845 cơ quan báo chí in với 1.118 ấn phẩm, một hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh - truyền hình, số lượng các kênh chương trình phát thanh - truyền trình quảng bá là 179 kênh, số lượng đơn vị cung cấp truyền hình cáp là 33 đơn vị, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội được phép hoạt động với lượng truy cập rất cao, ảnh hưởng ngày càng lớn về thông tin.

Trước sự phát triển của internet, các mạng xã hội và nhiều ứng dụng khác, cho đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam không ngăn chặn và can thiệp, bảo đảm quyền tự do thông tin của mọi công dân.

Báo chí Việt Nam không chỉ đóng vai trò tuyên truyền, phổ biến mà còn phản biện, góp ý cho đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, tự do báo chí không phải là vô hạn. Quyền tự do đó phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật, phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc; không xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Như vậy, đối với nhà báo, ngoài trách nhiệm thông tin đúng sự thật, vai trò công dân của nhà báo phải được đặt lên hàng đầu với sứ mệnh đặc biệt đối với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Ông đánh giá thế nào về các ấn phẩm của cơ quan Báo Đầu tư trong sự nghiệp đổi mới, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước?

Kể từ khi thành lập cách đây hơn 24 năm, Báo Đầu tư luôn phát triển song hành cùng sự nghiệp đổi mới, quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, khi mà nền kinh tế của chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường, mở cửa để đón nhận những chuyển đổi nhiều mặt, từ lý luận đến thực tiễn hoạt động.

Theo tôi, trong bối cảnh đó, các ấn phẩm của cơ quan báo gồm Báo Đầu tư, Đầu tư Chứng khoán, Vietnam Investment Review, Timeout, Đầu tư Bất động sản có sức hấp dẫn rất lớn đối với các đối tượng độc giả.

Là cơ quan báo chuyên sâu kinh tế, với phương châm đồng hành cùng DN, các nhà đầu tư, các ấn phẩm Báo Đầu tư đã thực hiện được tôn chỉ, mục đích của mình là cung cấp thông tin trung thực, cập nhật về chính sách kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp- doanh nhân, diễn biến của thị trường tài chính - tiền tệ, chứng khoán, bất động sản….

Theo quan sát của tôi, tờ báo đã không ngừng phát triển, tăng số trang báo, tăng số ấn phẩm, tăng chất lượng và tăng được lượng độc giả. Các nhà kinh tế, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà đầu tư nước ngoài, các DN và các nhà đầu tư trên TTCK thường xuyên đón đọc các số báo phát hành.

Tôi thấy nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài trích nguồn tin của của Báo Đầu tư khi thông tin về chính sách, tình hình kinh tế Việt Nam. Đây cũng là một sự đánh giá khách quan đối với hiệu quả của một tờ báo.

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông có nhắn gửi gì đến các nhà báo nói chung và các nhà báo đang công tác tại Báo Đầu tư Chứng khoán nói riêng?

Báo chí Cách mạng của chúng ta, các nhà báo Cách mạng chúng ta luôn đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; báo chí của chúng ta phản ánh thực tiễn sinh động quá trình phát triển, cung cấp thông tin về những mặt tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực, nhưng mục tiêu cuối cùng phải là góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phục vụ cho sự nghiệp phát triển.

Báo Đầu tư Chứng khoán cũng như các tờ báo khác đều có tôn chỉ, mục đích riêng, đi kèm đó là những nhiệm vụ riêng, mang tính đặc thù, có độc giả riêng. Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn các nhà báo “phát huy nội lực”, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, thực hiện nghiêm pháp luật, thực hiện đầy đủ 9 Điều trong Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, tránh những sai phạm không đáng có như hiện nay một số báo vấp phải. Chúc các bạn vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, vừa hoàn thành tốt mục tiêu kinh tế trong thời điểm nhiều thuận lợi và thách thức đan xen này.        

Tin bài liên quan