Những cổng làng êm ả, những sinh hoạt văn hóa, trò chơi dân gian như mạch nước ngầm nuôi dưỡng tâm hồn Việt

Những cổng làng êm ả, những sinh hoạt văn hóa, trò chơi dân gian như mạch nước ngầm nuôi dưỡng tâm hồn Việt

Đất nước tuổi 70 và nền văn hóa đổi thay

Viết về sự thay đổi của một nền văn hóa qua 70 năm trong một bài báo quả là quá khó. Ta đành có cái nhìn tổng quát điều này với những nét cơ bản là cái được và cái còn chưa được để cùng nhau có ý thức hoàn thiện nền văn hóa Việt Nam hội nhập, nhưng vẫn giữ được đậm đà bản sắc dân tộc.

1 Nói đến xây dựng văn hóa, trước hết là xây dựng con người có văn hóa trong cuộc sống ứng xử và tri thức văn minh hiện đại trong cuộc sống tinh thần. Sự thay đổi lớn lao nhất, cơ bản nhất là ta đã xóa bỏ được nền văn hóa nô dịch, thuộc địa mà thực dân Pháp áp đặt hơn 80 năm trên đất nước ta. Thay vào đó là nền văn hóa dân tộc truyền thống, nghìn năm văn hiến, với con người anh hùng, bất khuất, kiên cường, yêu lao động, yêu hòa bình, buộc phải cầm súng khi bị quân thù xâm phạm bờ cõi, nhưng rất hiền hậu, trung thực, sống có lý tưởng và luôn mong muốn vươn tới cái chân, thiện, mỹ.

Ngay buổi ban đầu giành lại đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra ba nhiệm vụ chủ yếu là chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm. Đó là văn hóa sống cấp thiết nhất của người Việt Nam ngày đó.

Một đất nước hầu hết làm nông nghiệp, vì bị Nhật bắt nhổ lúa, trồng đay phục vụ chiến tranh, mà năm Ất Dậu 1945 mấy triệu người chết đói. Sau 70 năm, ta vượt lên là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Một đất nước với 90% dân mù chữ, để dân ngu cho dễ bề cai trị, sau 70 năm gần như ta đã thanh toán gần hết nạn mù chũ, trường học mở ra cả từ các làng, bản heo hút trên núi cao, rừng sâu. Một xã hội học tập được xây dựng nhằm nâng cao tri thức cho con người để hội nhập ngày càng sâu với thế giới năm châu.

Một đất nước nhỏ bé mà phải đương đầu với sự xâm lược của hai cường quốc lớn nhất là Pháp và Mỹ với so sánh thế lực như “châu chấu đá xe”, mà ta đã làm cho cả hai cỗ xe ấy lật đổ, phải chịu thất bại trên chiến trường và rút quân về nước.

Với ba mục tiêu đề ra từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Cụ Hồ tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, chính là thể hiện bản chất văn hóa của chúng ta, đưa con người tới đời sống ấm no, dân chủ, bình đẳng, công bằng, thân thiện và trung thực. 

2 Về các mặt văn hóa, hàng vạn các di sản văn hóa vật thể như đình, đền, chùa, phủ, quán, nhà thờ các tôn giáo, trong thời kỳ cải cách ruộng đất, với cách làm quá, ta đã biến nơi tâm linh thành nhà kho; lấy hoành phi, câu đối che chuồng lợn; bia làm bậc cầu ao; sắc phong, gia phả, sách chữ Hán nôm coi là sản phẩm của phong kiến; một số nơi đốt bỏ làm mất đi một phần tư liệu quý giá mà không có gì mua được.

Rất may, hiện tượng ấy được sửa sai kịp thời, trật tự xã hội trở lại ổn định, hàng vạn đình, đền, chùa… đã được bảo vệ, trùng tu, nâng cấp, nên hôm nay ta mới có hàng nghìn di sản được công nhận cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt; hàng nghìn di vật quý được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong số di sản to lớn ấy, có nhiều cái được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới, một vinh dự chưa bao giờ ta nhận được.

Về di sản văn hóa phi vật thể, rất nhiều thể loại văn học dân gian như ca dao, ngạn ngữ, cổ tích, truyện cười, trường ca được sưu tầm và phổ biến, đáng quý nhất là của các dân tộc ít người trong cộng đồng Việt Nam. Các hình thức văn nghệ dân gian tưởng chừng biến mất đã được khai thác, duy trì, bảo tồn và phát triển trở lại trong đời sống như: chèo, tuồng, cải lương, ca trù, ví dặm, quan họ, xẩm, trống quân, các điệu hò, điệu lý, dân ca các vùng miền, chưa bao giờ được khích lệ bảo tồn như ngày nay.

Hàng nghìn lễ hội truyền thống ca tụng anh hùng dân tộc, biểu dương những người có công với dân, với nước được phục hồi, bảo toàn nguyên trạng, đem lại niềm vui cho cuộc sống nhân dân sau những ngày lao động vất vả, giải tỏa những tồn tại để vươn tới ngày mai tốt đẹp hơn.

Ta đã phát hiện và đưa ra cho công chúng biết tới nhiều di sản còn bị che khuất như mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, châu bản triều Nguyễn, hang đá Phong Nha  - Kẻ Bàng, cao nguyên đá Đồng Văn…, để cùng với các di sản đã biết như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Khu phố cổ Hà Nội, Vịnh Hạ Long, không chỉ được dân tộc Việt Nam biết, mà còn được UNESCO vinh danh cho thế giới cùng đến quan chêm.

70 năm trước ta chưa có tên trên bản đồ thế giới, còn phải đội danh Đông Dương thuộc Pháp, nay ta có một đất nước có nền văn hóa lâu đời, có đất đai phong phú, giàu có vào loại hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á và có uy tín với thế giới trong mọi lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế; được thế giới tặng danh hiệu Hà Nội, thủ đô ta, là Thành phố Vì hòa bình; Chủ tịch Hồ Chí Minh là Danh nhân Văn hóa, Anh hùng Giải phóng dân tộc.

Trên đường hội nhập ngày càng sâu với thế giới năm châu, ta có dịp tiếp xúc với các nền văn hóa tiên tiến, chọn lọc những tinh hoa của họ để làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Ta hòa nhập, nhưng không hòa tan, vẫn giữ vững cái nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt.

Hàng nghìn đình, đền, chùa nổi tiếng về nghệ thuật kiến trúc, còn lưu giữ hàng trăm bức chạm khắc dân gian, hàng trăm pho tượng cổ, hàng trăm tấn bia, hạc, chuông, khánh… có niên đại gần thế kỷ trở xuống. Hàng nghìn thắng cảnh, bãi tắm, vịnh biển, hải đảo… trải dài trên hơn 3.000 km bờ biển, hàng chục đảo đẹp, hàng nghìn làng nghề truyền thống, hàng nghìn món đặc sản ẩm thực ba miền, các nghệ thuật dân gian như múa rối nước…

Đó là vốn quý để du lịch Việt Nam quảng bá cho thế giới. Du lịch không chỉ làm kinh tế hữu hiệu, thu nhập cao, mà còn giới thiệu cho bạn bè năm châu bốn biển đến với chúng ta, hiểu biết về con người và đất nước tươi đẹp của ta, nhằm tăng cường tình hữu nghị và đối tác quan trọng lâu dài về kinh tế, phát triển khoa học - kỹ thuật.

Tuy nhiên, du lịch của ta chưa phát huy được thế mạnh, chưa liên kết, gắn bó các địa phương với nhau để tạo nên những sản phẩm hấp dẫn du khách theo một sở thích, có thể ở lại dài ngày, luyến tiếc quay trở lại cùng với bạn bè…

Ta lại có hệ thống bảo tàng rất phong phú, ngoài các bảo tàng quốc gia, còn có những bảo tàng chuyên đề về dân tộc ít người, về phong tục tập quán, về cổ vật, mỹ thuật, văn học - nghệ thuật, quân đội, các binh, quân chủng, về giới phụ nữ, về khảo cổ học… Tà áo dài và chiếc nón bài thơ có sức hút nhất định cùng với nụ cười thân thiện luôn trên môi con người mến khách. 

3 Còn nói đến mặt chưa được, về cái tồn tại cần khắc phục, trước hết cũng là phải nói đến con người. Đó là tác động của mặt trái của kinh tế thị trường làm cho mức cách biệt giữa giàu và nghèo ngày càng xa nhau. Người giàu ngày một giàu thêm, còn người nghèo dù được giúp đỡ, trợ cấp của Nhà nước, của xã hội vẫn rất khó để vươn lên, dù con số thoát nghèo hàng năm không ít, nhưng do nhiều lý do tự thân, vẫn còn không ít người phải bươn chải, làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân và gia đình, nên giảm nghèo chưa bền vững.

Một bộ phận thanh niên bị đồng tiền do cha mẹ giàu có cung cấp đã coi khinh người nghèo, vô cảm trước mọi sự bất bình, lao vào ăn chơi, sống gấp. Họ coi có tiền mua gì cũng được, cả đến tình yêu cũng là một thứ mua bán, sống đôi với nhau như vợ chồng, thậm chí có con, cũng chỉ là sống thử. Nạn phá thai ở vị thành niên gia tăng. Một số không nhỏ sa vào tệ nạn xã hội. Dù chỉ một bộ phận tha hóa cũng tác hại đến nhân cách chung của người Việt.

Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt của làng xã, của nông nghiệp và nông dân nước ta. Nhưng vì tác động của đô thị hóa quá nhanh đã làm ảnh hưởng đến văn hóa làng, nơi nào cũng đua nhau xây nhà tầng bê tông cốt thép. Còn đâu những ngôi nhà gỗ khung xà, mái ngói truyền thống! Còn đâu những mảng vườn rau xanh, những hàng rào râm bụt, những lũy tre xanh bao bọc bốn bề, những cổng làng êm ả, những cây đa, giếng nước, sân đình bao đời ông cha ta bảo vệ giữ gìn!

Vẫn biết không có gì bất biến, nhưng cái gì là truyền thống thì cần phải được bảo lưu để bộ mặt nông thôn, để văn hóa làng không biến thành đô thị. Về hội làng, hãy trả về cho người dân làm chủ, chính quyền chỉ nên đưa ra những cái gì là mê tín dị đoan, là lạc hậu phải bài trừ, còn không nên can thiệp vào nội dung lễ hội, trừ một số lễ hội lớn quốc gia chủ trì.

Nhiều nơi bắt chước nhau xây dựng kịch bản hoành tráng, tốn kém, huy động xã hội hóa làm cho một số lễ hội na ná nhau. Các trò diễn, trò chơi dân gian đã tồn tại hàng nghìn đời bị phai nhạt dần vì các trò chơi điện tử.

Để kết luận, có thể nói, 70 năm qua, ta đã đưa nền văn hóa nước ta lên đỉnh cao mới trong xây dựng con người văn hóa, thanh lịch, văn minh, sống có lý tưởng, mình vì mọi người, mọi người vì mình; bảo tồn và phát huy các di sản vật thể và phi vật thể khá tốt, được vinh danh thế giới. Chỉ cần ta đẩy mạnh du lịch, lấy du lịch làm đòn bẩy cho văn hóa và kinh tế tốt hơn. Đồng thời, cả xã hội phải cùng nhau chế ngự những cái đẹp, chưa tốt còn tồn tại ít nhất ở nơi này, nơi kia, lúc này, lúc khác…