Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?

Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?

(ĐTCK) Vào những ngày cuối Đông đầu Xuân vừa rồi, tôi nhận được lời mời lên Tây Bắc. Đây không phải lần đầu tiên đến với vùng đất này, nhưng chuyến đi ấy khá đặc biệt.

“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc?

Khi lòng ta đã hóa những con tàu.

Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát.

Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu”.

(Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên).

Nhưng tàu lên Tây Bắc của cụ Chế Lan Viên chỉ là con tàu trong mộng tưởng, chứ đến bây giờ vẫn chưa có đường ray nào đưa tàu lửa lên với đất này. Con tàu mộng tưởng ấy chỉ để thể hiện khát vọng lên đường nhân sự kiện những năm 1958 - 1960, khi cuộc vận động nhân dân miền xuôi, chủ yếu là thanh niên lên tham gia xây dựng Tây Bắc lên đến cao trào. Và với đại diện tiêu biểu của dòng thơ triết luận như Chế Lan Viên thì Tây Bắc có lẽ cũng chỉ là một biểu tượng của những miền đất xa xôi đang cần được đánh thức tiềm năng của Tổ quốc.

Tình người Tây Bắc

Vào những ngày cuối Đông đầu Xuân vừa rồi, tôi nhận được lời mời lên Tây Bắc. Đây không phải lần đầu tiên đến với vùng đất này, nhưng chuyến đi ấy khá đặc biệt. Đặc biệt từ những người đồng hành khi giữa bộn bề công việc chuyển giao năm cũ - năm mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và các lãnh đạo, cán bộ trong hệ thống ngân hàng bứt ra được để về với Tây Bắc còn nhiều khó khăn. Điều đặc biệt nữa là lâu nay người ta vốn mặc định ngành ngân hàng chỉ đau đáu với bạc tiền, với sổ sách, với con số lạnh lùng, thì chuyến công tác này lại mang chúng tôi đến với nhiều hơn những cảnh đời, cảnh người nghèo khó nhưng chân tình…

10h sáng rời Hà Nội đi qua Hòa Bình, dốc Cun "mở hàng" đón chúng tôi trên Quốc lộ 6. 12 km đường đèo của con dốc ngoằn ngoèo uốn lượn, dốc chồng dốc và lên dần, lên dần. Qua hơn chục cua "ống tay áo" dốc Cun, một bên ôm sát núi bên kia là vực, mây nhè nhẹ trên đỉnh đầu, tai ai cũng ù đi. Những vách núi thưa dần, những khoảng xanh ngát của những cánh đồng lúa đầu mùa mở rộng dần đón những người khách lên với Tây Bắc.

Chưa kịp trở mình sau khi qua dốc Cun, đèo Thung Khe, Thung Nhuối nối tiếp nhau xuất hiện những khúc cua chóng mặt mới. Đến đỉnh đèo Thung Khe, hơn chục "gian hàng" vốn là những chiếc bàn được ghép lại từ những cây gỗ xù xì bày bán mía, cơm lam, rêu đá, rau rừng... của bà con dân tộc Mường.

6h tối, đoàn công tác mới đến được Sơn La. Anh chị em phóng viên trong đoàn vốn là những người đi công tác nhiều hơn ở cơ quan, nhưng cũng khá oải. Trong khi chúng tôi, người nhận phòng, người ngó nghiêng phong cảnh, thì người đứng đầu hệ thống ngân hàng và các lãnh đạo, cán bộ ngành tranh thủ trao đổi về công việc, chương trình của ngày hôm sau…

Sau một đêm nghỉ ngơi, đoàn công tác khá hào hứng bước vào ngày làm việc đầu tiên, bắt đầu bằng các chuyến công tác xã hội. Hơn 4.000 suất quà trị giá 3 tỷ đồng đã được trao tận tay 4.033 hộ nghèo, hộ chính sách của tỉnh và 550 triệu đồng tiền mặt được gửi đến các chiến sĩ của 11 đồn biên phòng tại Sơn La như những món quà ấm áp mừng Xuân Giáp Ngọ. Dẫu chưa nhiều, chưa “phủ khắp” những địa chỉ khó khăn, nhưng đó thực sự là những tình cảm chân thành của cán bộ ngành ngân hàng để đồng bào ấm lòng hơn trong những ngày đầu năm mới.

Tạm biệt Sơn La, đoàn công tác tiếp tục cuộc hành trình đến với Lai Châu. Và với các bác tài thì tại ranh giới giữa Sơn La và Điện Biên, đèo Pha Đin đúng là cuộc thử thách cam go. Tiếng địa phương Pha Đin (hay còn gọi là Phạ Đin) có nghĩa là trời, đất, như nói rằng, đây là nơi tiếp giáp giữa trời và đất.

Ở độ cao khoảng 1.600 m với 32 km đường nhiều dốc quanh co trải dài, Pha Đin như một chú rắn khổng lồ treo mình giữa một bên núi, một bên là vực sâu thẳm. Dù bây giờ đèo đã có đường tránh bên dưới, nhưng phong cảnh nhìn vẫn thật hùng vĩ uốn lượn qua những thung lũng xanh ngát, núi non trập trùng...

Điểm đến của cuộc hành trình vẫn là các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và các chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm giữ gìn phên dậu tổ quốc ở Lai Châu. Hàng ngàn phần quà trị giá 3 tỷ đồng đã được trao tặng cho 3.916 hộ nghèo, hộ chính sách của tỉnh và 13 đồn biên phòng tại Lai Châu.

Cái lạnh hun hút của gió núi, mưa rừng như được xua tan bởi bữa cơm trưa đầm ấm giữa người đứng đầu hệ thống ngân hàng, các lãnh đạo, cán bộ ngành và lãnh đạo địa phương tại Đồn biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Sản vật tiếp khách đều là cây nhà lá vườn do các các cán bộ chiến sĩ tự nuôi, trồng.

Xắt miếng bánh chưng xanh, rền và đầy hương vị ngày Xuân mời khách, thượng tá Hoàng Văn Mạnh, Đồn trưởng Đồn Biên Phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng tâm sự: “Đối với chúng tôi, cứ hô­­­m nào có khách, hôm đó Tết, mà Tết là phải gói bánh chưng, nên Đồn thường xuyên gói bánh chưng. Anh chị em ăn cho chắc bụng để lấy sức sang Điện Biên. Đoạn đường đi từ Lai Châu sang Điện Biên vẫn đang sửa chữa, xây dựng nên rất vất vả và chắc chắn khó khăn nhất trong lịch trình công tác của đoàn”.

Quả thật đó là lời cảnh báo nghiêm túc. Đoạn đường từ Lai Châu sang Điện Biên, ngồi trên xe, anh chị em trồi lên hụp xuống khi xe tránh ổ voi, ổ gà. Ai lơ đễnh một chút thôi là cụng đầu vào trần xe đau điếng. Một bên núi, một bên sông, con đường rất nhỏ, liên tiếp gặp cua tay áo. Trong đoàn công tác, bắt đầu có người “rụng”… Lên Tây Bắc núi non mà bỗng nhiên tôi như có cảm giác đang trên chuyến tàu ra với Trường Sa vào mùa biển động dạo nào!

Sau gần 6 tiếng chạy xe ô tô từ Lai Châu, chúng tôi đã đến Điện Biên. 3 tỷ đồng cuối cùng của chuyến công tác xã hội tại Tây Bắc đã được dành tặng 4.833 hộ gia đình nghèo, hộ chính sách của tỉnh Điện Biên và 100 triệu đồng tặng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang.

Chuyến công tác quả thật khá... kinh hoàng, nhất là với phụ nữ vì thời gian chủ yếu ngồi bó gối trên xe, nhưng bù lại, những mệt nhọc như bay đâu hết khi được nhìn thấy những vẻ mặt lam lũ của các cụ già, những em bé ánh lên niềm vui trong giá rét, khi được nghe những lời cám ơn chân tình và ấm áp... Và không chỉ có 9 tỷ đồng được người đứng đầu ngành ngân hàng và các thành viên trong đoàn đi trao trực tiếp, còn có hơn 478 tỷ đồng dành cho an sinh xã hội khu vực Tây Bắc do Ngân hàng Nhà nước vận động các NHTM tài trợ giải ngân tính đến hết ngày 31/12/2013.

Con cá và cái cần câu

Đến với Tây Bắc, thấy vùng đất nào cũng đẹp. Nhưng mảnh đất trùng điệp ấy cũng là những mảnh đất nghèo. Thượng tá Hoàng Văn Mạnh cho biết, bản Ma Ly Pho có 50 hộ gia đình thì hầu hết đều nghèo. Hàng năm, các gia đình khó khăn tại đây đều được quan tâm giúp đỡ, nhưng nguyện vọng của bà con dân tộc nơi đây là không chỉ tặng họ con cá, mà cần trao cần câu để bắt cá.

Nhưng không chỉ là trao cần câu, có lẽ cũng cần dạy đồng bào cách câu. Như tâm sự của anh Phản Phu Lèng, sinh năm 1992, người dân tộc Dao ở Bản Ma Ly Pho, cả nhà anh chỉ trông vào mấy nương ngô nên chả mấy khi đủ ăn. “Hồi nhỏ, gia đình nghèo, khó khăn, bố đi bộ đội nên tôi không được đi học dù rất thích và đến giờ vẫn không biết chữ. Muốn đi học để hiểu biết hơn, để thay đổi cuộc sống cho tốt hơn nhưng ngại, sợ và chả có thời gian vì phải đi làm nuôi gia đình. Mong muốn của tôi là không chỉ được phát quà và tiền, mà hướng dẫn làm ăn để cuộc sống khấm khá hơn”, Phản Phu Lèng nói.

Bà Nguyễn Thị Vinh, đường Tô Hiệu, Sơn La, là vợ liệt sĩ thì tâm sự: “Cảm ơn Nhà nước, Chính phủ, ngành ngân hàng đã quan tâm đến gia đình chính sách khó khăn như chúng tôi. Thỉnh thoảng đi nhận quà hỗ trợ, chúng tôi vui nhưng cũng có những điều không vui đâu. Điều tôi cần là hướng dẫn, hỗ trợ để gia đình thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn”.

Câu chuyện về con cá và cái cần câu ám ảnh các thành viên trong đoàn công tác suốt chặng đường từ Điện Biên quay lại Hà Nội… Vùng Tây Bắc chiếm gần 1/3 diện tích cả nước với trên 9,8 triệu dân, tập trung nhiều dân tộc thiểu số, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh, quốc phòng. Hỗ trợ vùng đất này phát triển cũng chính là để giữ vững một vùng phên dậu đất nước. Chưa kể nơi đây cũng có nhiều lợi thế về tài nguyên, khoáng sản và kinh tế cửa khẩu…

Ngành ngân hàng đã vào cuộc với cú huých tín dụng để những mong biến những tiềm năng này thành thực tế. Còn nhớ, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Bắc lần 1 tổ chức vào cuối tháng 3/2013, ngành ngân hàng thực hiện ký kết 14 hợp đồng nguyên tắc tài trợ vốn cho các lĩnh vực thế mạnh của vùng với số tiền lên tới 20.114 tỷ đồng. Đến ngày 31/12/2013, các ngân hàng đã bước đầu giải ngân cho vay một số dự án với doanh số 931 tỷ đồng...

Nhưng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, không chỉ cần chạy đua với thời gian mà còn nhiều thách thức như những cung đường nhiều cua tay áo! Địa hình phức tạp, giao thông không thuận tiện, khí hậu khắc nghiệt, việc tiếp thu kiến thức quản lý kinh tế và tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế, nên Tây Bắc hiện vẫn là vùng còn nhiều khó khăn nhất trong cả nước.

“Tôi ao ước có một nguồn vốn để trồng rừng cho nhân dân Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Sự có mặt đúng lúc của hệ thống ngân hàng là điều rất quý báu và tôi hy vọng sẽ được phát huy”, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La tâm sự.

Có lẽ đó không chỉ là mong muốn của ông bí thư, mà của hầu hết người dân Tây Bắc - nhiều người trong số đó cần con cá trước mắt và cần cả những cái cần câu cũng như được chỉ cho cách câu lâu dài. Bắt đầu từ sự vào cuộc của những dòng vốn tín dụng ngân hàng, hy vọng rằng, lại được chứng kiến một làn sóng lên với Tây Bắc như những năm 58 - 60 thủa nào...

Có thể khác khi làn sóng được hy vọng bây giờ là vốn, là tiến bộ khoa học kỹ thuật, là cung cách quản trị, chứ không chỉ là sức người năm xưa. Nhưng lòng người với Tây Bắc thì sẽ không bao giờ khác khi mỗi vùng đất nơi đây ta qua đều để lại những nhung nhớ... “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ. Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?”. Để rồi ta lại day dứt với những vần thơ đầy tính triết lý về Tây Bắc của Chế Lan Viên:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”

Tin bài liên quan