Ông Richard Jackson, Chủ tịch Viện Lão hoá Toàn cầu trình bày về kết quả Khảo sát về hưu trí tại khu vực Đông Á

Ông Richard Jackson, Chủ tịch Viện Lão hoá Toàn cầu trình bày về kết quả Khảo sát về hưu trí tại khu vực Đông Á

95% người dân Việt Nam lo thiếu tiền khi về hưu

(ĐTCK) Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết người dân trong khu vực bao gồm Việt Nam đang lo lắng về an sinh hưu trí của họ. Có 50% số người được hỏi ở Trung Quốc và tới 95% số người được được hỏi ở Việt Nam bày tỏ nỗi lo lắng này.

Ngày 8/9, tại Hội thảo Tương lai hưu trí, tổ chức bởi Prudential, Viện Lão hóa toàn cầu (GAI) và Quỹ dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam, GAI đã chính thức công bố kết quả khảo sát về thái độ và kỳ vọng vào tương lai hưu trí khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam.  Đây là một dự án được thực hiện bởi sự hợp tác giữa Prudential và Viện Lão hóa toàn cầu. 

Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết người dân trong khu vực bao gồm Việt Nam đang lo lắng về an sinh hưu trí của họ.

Tại 10 nước được khảo sát, nhiều người lao động e rằng sẽ chịu cảnh nghèo, không đủ tiền sinh sống khi về hưu.

Có 50% số người được hỏi ở Trung Quốc và tới 95% số người được được hỏi ở Việt Nam bày tỏ nỗi lo lắng này. Chính vì vậy, người lao động nơi đây đang nỗ lực cải thiện kế hoạch hưu trí cá nhân trong khi các chính phủ và ngành dịch vụ tài chính ở đây cũng từng bước ứng phó với kế hoạch nâng dần chất lượng an sinh hưu trí và thu hẹp khoảng cách so với các quốc gia phát triển.

Tại Việt Nam, kết quả khảo sát cho thấy, người lao động Việt Nam rất quan tâm đến việc làm gì để đối phó với an sinh hưu trí tương lai. Hiện chỉ có 1/5 số người đang lao động được hỏi ở Việt Nam hy vọng sẽ có thu nhập từ tài sản tài chính khi nghỉ hưu, vì thế các khoản tiết kiệm cá nhân sẽ không thể bù đắp cho số còn lại.

Trong khi đó, chỉ 10% người Việt Nam được hỏi tin rằng con cái trưởng thành hoặc những thành viên khác trong gia đình là chỗ dựa thu nhập khi nghỉ hưu của họ. Với tỷ lệ trên đây, những người hiện đang đi làm sau này khi về hưu sẽ không thể dựa vào gia đình nhiều như những người hiện đã nghỉ hưu.

Điều này diễn ra khi già hóa là thách thức lớn với Việt Nam. Theo Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình, hiện tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam đang dẫn đầu châu Á và nhanh nhất thế giới. Cùng lúc, tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam chưa cao. Trung bình mỗi người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của họ. 95% người cao tuổi có bệnh, trung bình mỗi người mắc 2,69 bệnh.

Tiến sĩ Richard Jackson, Chủ tịch GAI cho biết: ”Rõ ràng người về hưu Việt Nam cũng như các nước Đông Á đang ở một thời điểm khó khăn. Người lao động cũng đang rất lo lắng về tương lai hưu trí của họ và muốn được cải thiện. Và các giải pháp công tư phối hợp ở đây là rất cần thiết”.

Theo ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), Bộ Tài chính gần đây đã tạo điều kiện cho các giải pháp an sinh hưu trí trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, hy vọng các giải pháp công tư phối hợp này sẽ giúp người lao động có thể an tâm về an sinh hưu trí trong tương lai.

Bà Ritsu Nacken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hiệp Quốc UNFPA đánh giá cao báo cáo mới của Prudential và GAI chia sẻ, già hóa dân số mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức về chăm sóc sức khỏe, tuổi nghỉ hưu và thu nhập khi về già để đảm bảo sự cân bằng cuộc sống qua các độ tuổi, cần phải có các chiến lược và chính sách chủ động và phù hợp để đáp ứng.

Tin bài liên quan