Ngày 17/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 210/2015/NĐ-CP về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn và Nghị định của Chính phủ về chính sách bảo hiểm nông nghiệp.
Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc LienVietPostBank Chi nhánh Phú Thọ cho biết: “Cái “khó nhất” khiến cho nông dân vướng mắc khi tiếp cận vốn vay chính là thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đất đai. Theo quy định của pháp luật, để được đăng ký giao dịch bảo đảm khi thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, bên thế chấp phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất”.
Được biết, với Nghị định số 55/NĐ-CP năm 2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển triển nông nghiệp, nông thôn, có những khoản cho vay mà bà con không cần thế chấp. Mặc dù ngân hàng không cần tài sản thế chấp nhưng thực tế, bên vay vẫn phải nộp sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy xác nhận của UBND xã về việc lô đất chưa được cấp sổ đỏ, đất không tranh chấp…
“Nghị định 57 được kỳ vọng sẽ giúp người nông dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế”, ông Hà nói.
Việt Nam có hơn 70% dân số làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp khoảng 20% GDP; trong khi ở những quốc gia phát triển, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm 2 - 4% dân số nhưng đóng góp đến 40% GDP. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ rõ, GDP nông nghiệp Việt Nam đang giảm, tốc độ tăng năng suất chậm lại, trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng.
Để có thể thay đổi được điều này, WB đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam cần có một cách nhìn và cách làm khác, theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân. Qua đó, góp phần thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị vượt trội và hình thành một chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả cạnh tranh cung cấp sản phẩm có chất lượng.
Dẫu vậy, vấn đề căn cơ nhất là nguồn vốn cho những thay đổi trên.
Là ngân hàng lấy người nông dân làm gốc, luôn đồng hành cùng người nông dân, LienVietPostBank đã và đang có những gói ưu đãi lãi suất và gói sản phẩm đồng hành hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, LienVietPostBank áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm theo từng kỳ hạn vay.
Đối với sản phẩm cho vay cao su, cà phê, hồ tiêu, lãi suất cho vay được xác định bằng lãi suất cho vay theo khung lãi suất cho vay thông thường tương ứng với kỳ hạn vay vốn và xếp hạng tín dụng của khách hàng trừ 1,0%/năm. Định kỳ điều chỉnh lãi suất 3 tháng/lần theo công thức trên.
Nhằm hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc dành gói tín dụng khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, LienVietPostBank đã xây dựng cơ chế cho vay thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt với “Chương trình ưu đãi lãi suất cho vay dành cho khách hàng có dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Theo đó, lãi suất cho vay dành cho khách hàng có dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 0,7 - 1,3 %/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng…
Đặc biệt, LienVietPostBank cho vay qua tổ liên kết, tuy không có ưu đãi lãi suất nhưng đây là sản phẩm thiết thực giải quyết nhu cầu vốn nhỏ lẻ, cải thiện đời sống cho bà con nông dân. Hình thức này sẽ thông qua các tổ hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ...) để giới thiệu các hội viên tham gia vay vốn dễ dàng với món vay tối đa 50 triệu đồng mà không cần tài sản bảo đảm.
Được biết, các chương trình trên đã được người dân và các doanh nghiệp rất quan tâm ví dụ sản phẩm cho vay cao su, cà phê, hồ tiêu tính đến 31/3/2018 đã cho vay được 905,4 tỷ đồng, chiếm 76% so với dư nợ tính đến 31/12/2017 là 1.193,3 tỷ đồng; cho vay qua tổ liên kết cũng tính đến ngày 31/3/2018 là 361,5 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với dư nợ tính đến 31/12/2017 là 153,2 tỷ đồng.
"Thực tế, quy mô của thị trường lớn, một vài ngân hàng khó có thể phủ sóng hết, mà mới chỉ bao phủ được một phần nào thôi. Dân đang cần các ngân hàng và ngân hàng cũng cần dân”, một lãnh đạo cao cấp LienVietPostBank nói.