Vĩnh Hoàn tiếp tục giữ vị trí là công ty xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam

Vĩnh Hoàn tiếp tục giữ vị trí là công ty xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam

Vĩnh Hoàn: tăng trưởng từ chiến lược kinh doanh hợp lý

(ĐTCK) Khép lại năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đạt 250 triệu USD, tăng 13% so với năm 2014. Trong đó, riêng xuất khẩu cá tra đạt 236 triệu USD, tăng 16%. 

Vĩnh Hoàn tiếp tục giữ vị trí là công ty xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam, với thị phần 11 tháng 2015 đạt 14,5%, so với mức 11,7% của năm 2014.

5 mũi nhọn cơ bản

Vĩnh Hoàn là một trong số ít công ty cá tra xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng doanh số cao trong năm 2015, trong bối cảnh xuất khẩu toàn ngành sụt giảm do ảnh hưởng từ việc đồng USD lên giá so với VND tại các thị trường nhập khẩu chính (EU, Canada, Úc...) khiến giá nhập khẩu cá tra từ Việt Nam trở nên đắt hơn trước. Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 14,5% so với năm 2014, trong đó xuất khẩu cá tra ước đạt 1,58 tỷ USD, giảm 10,4%.

Sự tăng trưởng vượt trội so với toàn ngành của Vĩnh Hoàn đến từ chiến lược kinh doanh đúng đắn mà Ban lãnh đạo Công ty thực thi trong suốt giai đoạn 2011 - 2015, dựa trên 5 mũi nhọn cơ bản: mô hình kinh doanh khép kín, giúp kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm; xây dựng lợi thế cạnh tranh trên cơ sở cam kết chất lượng, dịch vụ, tạo giá trị khác biệt; gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng trên sản phẩm; quản trị chặt chẽ, đặc biệt là quản trị về tài chính; đào tạo và xây dựng đội ngũ nhân sự năng lực, chuyên nghiệp. 

Cơ hội thị trường và sự chuẩn bị bài bản

Đánh giá về thị trường xuất khẩu cá tra, Ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn nhận định, thị trường rất tiềm năng và cơ hội vẫn còn lớn, đến từ nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng đối với sản phẩm cá thịt trắng nuôi sạch, bền vững, có hàm lượng giá trị gia tăng cao; các thị trường mới nổi, có sức mua mạnh như Trung Quốc và Nam Mỹ; các thị trường chưa được khai thác đúng mức ở châu Âu; cơ hội lấy thị phần từ các công ty nhỏ bị đào thải dưới áp lực thị trường.

Tại các thị trường xuất khẩu cá tra chủ chốt hiện nay, cơ hội để tăng lượng xuất khẩu còn nhiều, tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng yêu cầu về chất lượng ngày càng cao, đặc biệt là thị trường Mỹ. Ngày 26/11/2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo sẽ chính thức triển khai quy định mới về Chương trình thanh tra cá da trơn (Farm Bill) từ tháng 3/2016, theo đó cho phép lộ trình chuyển đổi 18 tháng đối với các nhà sản xuất cá da trơn vào Mỹ. Kể từ ngày 1/9/2017, Việt Nam phải gửi tài liệu để chứng minh Việt Nam có một hệ thống kiểm tra ở nơi sản xuất và có tiêu chuẩn tương đương với Mỹ cho Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm (FSIS).

Nếu FSIS xác định rằng, tài liệu phía Việt Nam tương đương với chương trình của FSIS, FSIS sẽ tiến hành thanh tra thực địa hệ thống tiêu chuẩn tương đương mà phía Việt Nam cung cấp. Trong thời gian chờ FSIS đánh giá, các công ty Việt Nam có thể tiếp tục xuất khẩu cá tra vào Mỹ.

Về vấn đề này, bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn cho biết, Công ty đã dự phòng trường hợp Farm Bill được Quốc hội Mỹ thông qua từ 2 năm trước. Farm Bill không thể phủ nhận là một thách thức mà tất cả các doanh nghiệp muốn xuất khẩu cá tra vào Mỹ phải đối đầu, tuy nhiên, Vĩnh Hoàn tin rằng, đó cũng là một cơ hội cho các công ty có chiến lược chuẩn bị thích hợp. Lý giải cho niềm tin này là Farm Bill sẽ tạo ra rào cản cạnh tranh lớn cho các đối thủ muốn gia nhập thị trường, bên cạnh mức thuế chống bán phá giá khá cao hiện đang áp dụng cho các nhà xuất khẩu cá tra từ Việt Nam. Trong khi đó, Vĩnh Hoàn đang tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan để chuẩn bị hồ sơ trình lên FSIS.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, hiện tại có 3 công ty đang xuất khẩu vào Mỹ, bà Khanh cho rằng, đây cũng là yếu tố giúp công tác chuẩn bị hồ sơ đơn giản và dễ quản lý hơn. Mặt khác, với bề dày kinh nghiệm về quản lý chuỗi nuôi trồng, chế biến cùng các tiêu chuẩn chất lượng đã được quốc tế công nhận, Vĩnh Hoàn sẽ có lợi thế hơn các đơn vị khác trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn tương tương của FSIS. (Vĩnh Hoàn là đơn vị đầu tiên có chứng nhận quốc tế ASC về nuôi trồng cá tra vào năm 2012 và là đơn vị đầu tiên đạt tiêu chuẩn BAP 4 sao của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu - GAA vào năm 2015).

Bà Khanh tin tưởng vào khả năng Vĩnh Hoàn đáp ứng và vượt qua rào cản kỹ thuật Farm Bill, giống như Công ty đã thành công khi tham gia vụ kiện chống phá giá với Bộ Thương mại Mỹ trước đây.

Vĩnh Hoàn: tăng trưởng từ chiến lược kinh doanh hợp lý ảnh 2

Song song với các bước đi hợp lý ở thị trường chủ chốt Mỹ, trong các năm qua, Vĩnh Hoàn không ngừng thâm nhập và mở rộng thị phần ở các thị trường tiềm năng. Trong năm 2015, VHC ghi nhận mức tăng trưởng doanh số ngoạn mục tại một số thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Ai Cập và thâm nhập thành công 3 thị trường mới là Philippines, Đài Loan, Rumania.

Cùng với việc mở rộng thị trường, gia tăng thị phần, Vĩnh Hoàn tập trung phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng nhằm đạt được tỷ suất lợi nhuận cao hơn và tạo sự khác biệt hóa so với các đối thủ cùng ngành (sản phẩm giá trị gia tăng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn từ 10 - 15% so với sản phẩm fillet đông lạnh thông thường). Công ty đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp vào doanh thu của các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra từ mức 2 - 3% hiện tại lên mức 15% trong vòng 3 năm tới.

Để đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm, Vĩnh Hoàn không ngừng củng cố năng lực sản xuất và bán hàng. Bên cạnh việc gia tăng năng lực sản xuất hiện hữu, hoạt động mua bán, sáp nhập nhằm mở rộng danh mục sản phẩm và gia tăng sự hiện diện ở thị trường xuất khẩu cũng đang được Ban lãnh đạo Công ty cân nhắc. Song song đó, việc xây dựng và tăng cường đội ngũ quản lý cũng như đội ngũ bán hàng tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược của Công ty.

Sản phẩm collagen và gelatin sẽ bứt phá từ năm 2016

Theo nghiên cứu của Transparency Market Research, doanh thu sản phẩm collagen peptide toàn thế giới dự báo đạt 1.092,4 triệu USD vào năm 2020, trong đó collagen nguồn gốc thủy sản chiếm tỷ trọng lớn nhất 39%, với mức tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2014 - 2020 ước đạt 8,4%. Doanh thu sản phẩm gelatin toàn thế giới ước đạt 3.006,8 triệu USD vào năm 2020, trong đó gelatin nguồn gốc thủy sản chiếm tỷ trọng cao thứ hai ở mức 23,2%, sau gelatin nguồn gốc từ bì lợn, mức tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2014 - 2020 ước đạt 9,8%.

Collagen và gelatin được ứng dụng nhiều trong ngành dược phẩm (viên nang), mỹ phẩm và thực phẩm. Nắm bắt được tiềm năng to lớn của thị trường collagen peptide và gelatin nguồn gốc thủy sản, cũng như nhằm tối ưu hóa giá trị từ phụ phẩm là da cá trong quá trình sản xuất, từ năm 2010, Vĩnh Hoàn là công ty Việt Nam đầu tiên triển khai nghiên cứu và đưa vào sản xuất thực nghiệm thành công 2 sản phẩm này, với nguồn nguyên liệu từ da cá tra.

Quý I/2015, CTCP Vĩnh Hoàn Collagen chính thức đi vào hoạt động, với công suất thiết kế 2.000 tấn thành phẩm/năm (1.000 tấn collagen peptide và 1.000 tấn gelatin). Trong năm 2015, VHC đã hoàn chỉnh hệ thống quản lý chất lượng với các chứng nhận như: ISO 9001:2008, ISO 14001:2004, GMP-WHO, Chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Bộ Y tế. Đây là các chứng nhận cần thiết để doanh nghiệp có thể bán sản phẩm tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu nguyên liệu cho các công ty dược phẩm và đạt được Chứng nhận HALAL nhằm tiến tới tiếp cận các thị trường Hồi giáo như Trung Đông, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ… là các thị trường rất tiềm năng vì không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ lợn.

Đội ngũ bán hàng của Vĩnh Hoàn cũng đã chủ động quảng bá, tìm kiếm và gửi mẫu đến các khách hàng tiềm năng qua các hội chợ trong nước và quốc tế, bước đầu nhận được nhiều phản hồi tích cực. Sau các bước chuẩn bị trong năm 2015, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu sản lượng bán năm 2016 ước đạt 700 tấn (collagen peptide 300 tấn, gelatin 400 tấn), đem lại doanh thu từ 6 - 8 triệu USD, trong đó 90% từ xuất khẩu.

Tin bài liên quan