VinaWealth và cái bắt tay đầu tiên với ngân hàng

VinaWealth và cái bắt tay đầu tiên với ngân hàng

(ĐTCK) Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Thái Thuận, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VinaWealth khi nói về triển vọng của ngành quỹ trong năm 2016, trước xu hướng hợp tác và liên kết giữa các tổ chức tài chính đang rất được chú ý và diễn ra sôi động. 

Nếu như tại Hàn Quốc, các công ty chứng khoán (CTCK) hiện vẫn chiếm thị phần lớn nhất về doanh thu phân phối các sản phẩm quỹ, thì tại các thị trường Hồng Kông và Trung Quốc, thống lĩnh lại là những ngân hàng bán lẻ.

Tại Việt Nam, ngành quỹ còn khá non trẻ, quỹ mở đầu tiên ra đời vào năm 2013. Vì thế, năm 2015 có thể xem là một dấu mốc quan trọng đối với CTCP Quản lý quỹ VinaWealth (thành viên của VinaCapital) và kỳ vọng từ đây sẽ mở ra một cánh cửa mới cho sự hợp tác giữa ngành quỹ và ngành ngân hàng nói chung, sau khi VinaWealth và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) giới thiệu sản phẩm quỹ mở đến các nhà đầu tư.

VinaWealth hiện quản lý hai quỹ mở là Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh (VEOF) và Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh (VFF) với quy mô tổng cộng khoảng 200 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thái Thuận, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VinaWealth cho biết, kể từ khi việc liên kết được triển khai vào đầu tháng 10/2015 đến nay, VinaWealth đã nhận được những phản hồi tích cực từ đối tác và khách hàng. Bà Thuận kỳ vọng, năm 2016, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các sản phẩm quỹ mở theo đó sẽ có cơ hội phát triển nhanh.

VinaWealth và cái bắt tay đầu tiên với ngân hàng ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Thái Thuận 

Nói về thời điểm triển khai việc hợp tác, bà Thuận chia sẻ: “Tôi cho rằng, chúng ta đang ở vào đúng thời điểm thuận lợi, khi mà xu hướng hợp tác và liên kết giữa các tổ chức tài chính đang rất được chú ý và diễn ra sôi động, tiêu biểu nhất phải kể đến mô hình liên kết giữa ngân hàng và bảo hiểm (bancassurance). Bản thân các đối tác ngân hàng đã và đang rất cởi mở với mô hình liên kết, hợp tác để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tài chính trọn gói đến khách hàng. Vấn đề chỉ là chúng tôi cần chứng minh sự hấp dẫn của sản phẩm và tính cạnh tranh, chuyên nghiệp trong dịch vụ để đảm bảo lợi ích cho khách hàng của đối tác”. 

Vậy việc liên kết, hợp tác giữa công ty quản lý quỹ và CTCK hiện nay và sắp tới sẽ như thế nào, thưa bà?

Việt Nam có rất nhiều CTCK, nhưng những công ty thực sự còn hoạt động không nhiều. Trong số các công ty còn hoạt động, ai cũng nói mình có mấy chục ngàn tài khoản, nhưng thực tế chỉ khoảng 20% là có giao dịch thường xuyên. Như vậy, cơ sở khách hàng của các CTCK chưa thực sự lớn. Hơn nữa, các CTCK còn bị hạn chế về nguồn nhân lực và mạng lưới, trong khi đối tượng nhà đầu tư mà các công ty quản lý quỹ nhắm đến là rất lớn, là bất cứ ai có tiền nhàn rỗi muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhưng lại không có thời gian hoặc không hiểu sâu về TTCK. Hiện đang có 4 CTCK phân phối sản phẩm cho chúng tôi.               

VinaWealth bắt đầu tiếp cận và đặt vấn đề hợp tác với các ngân hàng từ khi nào?

Chúng tôi chỉ mới bắt đầu tập trung triển khai chiến lược hợp tác với ngân hàng từ khoảng cuối năm 2014, đầu năm 2015, nhưng trước đó đã có sự chuẩn bị kỹ càng cả về nguồn lực và nhân sự. Đó cũng là thời điểm mà chúng tôi nhận thấy thời cơ đã thật sự rõ nét và thuận lợi, khi mà hầu hết các ngân hàng đều rất cởi mở với mô hình hợp tác và họ cũng đã có kinh nghiệm triển khai hợp tác trước đó như mô hình liên kết ngân hàng-bảo hiểm (bancassurance). Có một chút trở ngại là do loại hình đầu tư quỹ mở vẫn còn khá mới mẻ với thị trường Việt Nam. 

Qua một thời gian ngắn triển khai việc liên kết, VinaWealth đã nhận được phản hồi gì từ phía ngân hàng cũng như khách hàng?

Việc theo dõi và tiếp nhận những phản hồi từ khách hàng, đối tác, thị trường là hết sức quan trọng với chúng tôi trong giai đoạn này để hoàn thiện sản phẩm và dịch vụ. Các khách hàng (nhà đầu tư) tìm đến với chúng tôi với mong muốn tích lũy và gia tăng tài sản, hướng đến sự tự do tài chính để có thể dành tâm trí vào những việc quan trọng khác. Các đối tác tin tưởng lựa chọn chúng tôi để đa dạng hóa sản phẩm và đem đến cho khách hàng của họ những giá trị vượt trội từ dịch vụ ngân hàng hiện đại. Thời gian đầu triển khai, chúng tôi đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ đối tác và khách hàng, kết quả cũng vượt kế hoạch đặt ra.

Việc liên kết giữa công ty quản lý quỹ và ngân hàng trên thế giới hiện nay như thế nào?

Mô hình phổ biến nhất là ở châu Á. Tại một số nước cùng khối Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan và Indonesia, gần 80% vốn huy động đầu tư quỹ mở là qua ngân hàng. Tuy nhiên, nếu so sánh Việt Nam với các nước sẽ là hơi khập khiễng vì quỹ mở của họ đã có lịch sử phát triển trước chúng ta nhiều năm. Việt Nam cần nhiều thời gian để đạt mức tăng trưởng quy mô quỹ mở vượt trội. Nhưng khi các khuôn khổ pháp lý dần hoàn thiện, nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập, cùng với quy định về tổ chức, hoạt động quỹ hưu trí tự nguyện ra đời, quỹ mở chắc chắn sẽ phát triển và tăng trưởng. Khi đó, các kênh phân phối quỹ mở sẽ phát triển đa dạng. Còn hiện tại, chúng tôi tin rằng kênh hợp tác ngân hàng sẽ là một kênh chủ chốt.

TTCK Việt Nam năm 2015 không có những con sóng lớn, có lẽ vì thế mà các hoạt động của ngành quỹ không sôi động như 2 năm trước đó. Bà đánh giá thế nào về triển vọng năm 2016?

Trước hết, điểm lại một số thống tin vĩ mô cơ bản năm 2015 để từ đó thấy được cơ hội thị trường trong năm 2016 cũng như trong trung và dài hạn.

Kinh tế Việt Nam năm 2015 đã hồi phục mạnh mẽ. Cụ thể, GDP ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm, đạt 6,68%, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có mức tăng trưởng GDP cao nhất thế giới.

Lạm phát được kiểm soát hoàn toàn, với mức tăng chỉ 0,63%, thấp nhất trong vòng 14 năm trở lại đây. Tăng trưởng tín dụng năm 2015 ghi nhận sự hồi phục và ước đạt 18%, cao hơn mức tăng của các năm 2011-2014. Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm.

Đặc biệt, năm 2015 là năm của các hiệp định thương mại tự do, là năm của hội nhập: hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác (RCEP), FTA với EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, FTA Việt Nam-Hàn Quốc…

Những thông tin vĩ mô trên giống như “cục nam châm” sẽ hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài và hút dòng tiền đổ vào TTCK. Năm 2016, chúng tôi không kỳ vọng sẽ có những cơn sóng lớn trên TTCK Việt Nam, nhưng chúng tôi đánh giá thị trường sẽ tăng điểm một cách bền vững, ở mức 2 con số. Một số ngành nghề kỳ vọng sẽ là lực kéo thị trường đi lên trong năm 2016 gồm: bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng; vận tải và cảng biển; hàng tiêu dùng; dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, chúng tôi tin rằng, các sản phẩm quỹ mở sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ.   

Tin bài liên quan