Vietnam Holding sở hữu 10% công ty sản xuất dây và lưới đánh cá

Vietnam Holding sở hữu 10% công ty sản xuất dây và lưới đánh cá

(ĐTCK) Bên cạnh các khoản đầu tư vào Traphaco, Hòa Phát, FPT…, thêm một doanh nghiệp đầu ngành khác lọt vào “tầm ngắm” của Vietnam Holding trong năm 2016.

SBVN lọt vào tầm ngắm

Được biết, trong danh mục đầu tư của Vietnam Holding xuất hiện một doanh nghiệp chưa niêm yết, đó là Công ty cổ phần SIAM Brothers Vietnam (SBVN). Theo thông tin từ SBVN, Vietnam Holding đã chi 66 tỷ đồng để mua 2 triệu cổ phần trong đợt chào bán 4,2 triệu cổ phần của SBVN tháng 9/2016, với giá 33.000 đồng/CP; tỷ lệ sở hữu tại SBVN là 10%.

Vì sao Vietnam Holding đầu tư vào một doanh nghiệp chưa niêm yết, trong khi danh mục chủ yếu của quỹ đầu tư nước ngoài này là các doanh nghiệp niêm yết sở hữu các thương hiệu hàng đầu Việt Nam?

Vietnam Holding sở hữu 10% công ty sản xuất dây và lưới đánh cá ảnh 1

So với các khoản đầu tư trong danh mục đầu tư hiện có của Vietnam Holding, SBVN có nhiều nét tương đồng. Top 10 các cổ phiếu do Vietnam Holding nắm giữ đến cuối tháng 2/2017 gồm có Traphaco, PNJ, FPT, Nhựa Bình Minh, Viconship, Thiên Long, Hòa Phát, PVT, Vinamilk…, đây đều là những doanh nghiệp đứng đầu thị phần, có lịch sử hoạt động lâu đời, hoặc sở hữu những thương hiệu có tiếng trong ngành.

SBVN cũng cho biết, Công ty có kế hoạch niêm yết trong vòng 3 - 6 tháng kể từ đợt phát hành. Đây có thể là một trong các điểm thuyết phục Vietnam Holding chấp nhận rót vốn vào SBVN. Giữa tháng 12/2016, SBVN đã gửi hồ sơ đăng ký niêm yết tới Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Triển vọng của doanh nghiệp

SBVN đang chiếm 40% thị phần các loại dây, 46% nếu tính riêng trong lĩnh vực nông ngư nghiệp và khoảng trên 90% ở thị phần dây thừng chuyên dụng dành cho đội tàu đánh bắt xa bờ của Việt Nam. Công ty có lịch sử 22 năm hoạt động, với vốn góp ban đầu 100% từ Tập đoàn SIAM Brother của Thái Lan. SBVN sở hữu hai nhãn hiệu quen thuộc với ngư dân bám biển là Con Gà (Cock) và Hải Mã (Sea Horse). Thống kê cho thấy, có khoảng 90% đội tàu đánh bắt xa bờ ở Việt Nam đang sử dụng sản phẩm dây thừng nhãn hiệu Con Gà.

Năm 2016, lợi nhuận của SBVN tăng 37,8% so với năm 2015 nhờ quản lý chi phí hiệu quả, năng suất lao động tăng, trong khi giá nguyên vật liệu giảm, giúp mở rộng biên lợi nhuận từ mức 33,8% lên 42,52%.  Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của SBVN ở mức cao, năm 2015 đạt 5.047 đồng, năm 2016 đạt 6.111 đồng. Cùng với đó, SBVN duy trì chính sách trả cổ tức cao: năm 2015 là 45% bằng tiền mặt; năm 2016 dự kiến tối thiểu là 25%.

5 năm gần đây, quy mô tổng tài sản của SBVN đã tăng gấp đôi từ 301 tỷ đồng lên 616 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2016, tiền và tương đương tiền chiếm gần 30% tổng tài sản, với giá trị đạt 202 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dồi dào (171,7 tỷ đồng) là nguyên nhân chính giúp lượng tiền mặt tăng mạnh từ 58 tỷ đồng lên 202 tỷ đồng trong năm vừa qua. Đáng chú ý, SBVN là doanh nghiệp sản xuất, cần đầu tư lớn vào máy móc, thiết bị, nhưng tới nay, giá trị tài sản cố định của Công ty đã được khấu hao hơn 75%.

Một trong những mục tiêu tổng quát của Việt Nam đến năm 2020 là kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP của cả nước. Định hướng này đang được hiện thực hóa bằng những chính sách như Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành tháng 7/2014 nhằm khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn thông qua các hình thức hỗ trợ như vay với lãi suất ưu đãi. Tính đến 31/7/2016, giá trị các gói tín dụng cho vay chủ tàu đóng mới đạt 4.111 tỷ đồng, giúp gia tăng lượng tàu lớn, nhất là tàu đánh bắt xa bờ. Theo đó, nhu cầu về những sản phẩm dây lưới đánh cá chất lượng cao tăng nhằm vươn khơi bám biển tăng lên. Trong khi đó, đây là thế mạnh của SBVN.

Miếng bánh thị phần tăng trong khi dẫn đầu về thị phần, không lấy làm lạ khi doanh thu và lợi nhuận của SBVN tăng trưởng ấn tượng. Bên cạnh thị trường nội địa, khoảng 10% sản phẩm của SBVN được tiêu thụ ở nước ngoài như Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Na Uy, Myanmar, Mỹ. Hiện nay, Công ty đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, hướng tới các thị trường mới tiềm năng như Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á, Úc, châu Âu.

Cùng với sự gia tăng sản lượng tiêu thụ trong các năm gần đây, SBVN cũng tăng sản lượng sản xuất. Từ nhà máy đầu tiên tại quận 12, TP.HCM, tới nay Công ty đã có 3 nhà máy và đang thực hiện dự án xây dựng nhà máy thứ tư. Huy động vốn cho dự án mới này là mục đích chính của đợt phát hành tăng vốn hồi tháng 9/2016 của SBVN.

Theo báo cáo mới nhất của SBVN, sau 3 tháng, đã có 35 tỷ đồng được sử dụng để đầu tư vào nhà máy mới và thiết bị. Công suất của các nhà máy sẽ tăng 30%, từ 10.000 tấn/năm lên 13.000 tấn/năm, sau khi nhà máy số 4 đi vào hoạt động. SBVN cho biết, nhà máy số 4 dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Công ty đạt trên 25%/năm.

Tin bài liên quan