Vietcombank bứt phá, vươn ra biển lớn

Vietcombank bứt phá, vươn ra biển lớn

(ĐTCK) Bám sát Đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, trong bối cảnh nền kinh tế và ngành ngân hàng còn khó khăn, giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tập trung nguồn lực thực hiện thành công các nhiệm vụ đã đề ra. Đặc biệt, với sự chuyển mình năng động, Vietcombank đã có cú bật đáng nể, sẵn sàng cho mục tiêu vươn ra biển lớn hội nhập và trở thành Ngân hàng số 1 tại Việt Nam.

Liên tục lập kỷ lục kinh doanh

Kết thúc năm 2014, toàn hệ thống Vietcombank phấn khởi khi đạt được “bộ số tiến 3 - 4 - 5”. Đây là lần đầu tiên, hệ thống Vietcombank cán mốc tổng dư nợ trên 300.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt trên 400.000 tỷ đồng và tổng tài sản đạt trên 500.000 tỷ đồng sau nhiều năm phấn đấu.

Cũng trong năm 2014, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đặt ra nhiệm vụ cho Vietcombank: phải phấn đấu trở thành Ngân hàng số 1 tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu ngành ngân hàng nhắc đến câu chuyện xây dựng Ngân hàng số 1 và nhiệm vụ vẻ vang đó lại được giao cho một ngân hàng cụ thể là Vietcombank.

Điều đó đã thôi thúc Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên Ngân hàng nỗ lực hướng tới một đỉnh cao mới. Nỗ lực đã được đền đáp khi kết thúc năm 2015, hệ thống Vietcombank lại thiết lập một kỷ lục mới với “bộ số tiến 4 - 5 - 6”: tổng dư nợ đạt trên 400.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt trên 500.000 tỷ đồng và tổng tài sản đạt trên 600.000 tỷ đồng.

Những con số trên càng ấn tượng hơn trong bối cảnh Vietcombank quyết liệt tăng cường tính minh bạch trong hoạt động. Với việc áp dụng các quy định về phân loại nợ cả về định tính và định lượng (theo Điều 6 và Điều 7, Quyết định 493) từ năm 2010, rất sớm so với các ngân hàng trong hệ thống, đồng thời, là một trong số ít ngân hàng tiên phong chuẩn bị cho việc áp dụng chuẩn mực quốc tế theo Basel II về quản trị rủi ro nên mức trích lập rủi ro nợ xấu của Vietcombank khá lớn.

Riêng năm 2015, khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng đã lên tới gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 32% so với năm 2014. Tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro trên tổng nợ xấu của Vietcombank ở mức cao nhất thị trường, đạt xấp xỉ 95% năm 2014 và đạt 100% trong năm 2015.

Nhờ cấu trúc hợp lý trong danh mục tài sản nợ, tài sản có, Vietcombank là một ngân hàng có hiệu quả kinh doanh cao. Dù phải trích một phần không nhỏ trong thu nhập cho quỹ dự phòng rủi ro, nhưng lợi nhuận của Vietcombank hàng năm vẫn tăng trưởng tốt.

Đặc biệt, trong năm 2015, dù trích lập dự phòng rủi ro tới gần 6.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, Ngân hàng vẫn đạt mức lợi nhuận kỷ lục, trên 6.600 tỷ đồng, tăng trưởng trên 16% so với năm 2014.

Với dự kiến đà tăng của trích lập dự phòng rủi ro được chặn đứng khi nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, từ năm 2016, lợi nhuận của Vietcombank hứa hẹn sẽ tiếp tục lập những kỷ lục mới.

  Vietcombank đang vững chắc trên con đường vươn tầm thành ngân hàng khu vực

… và nâng cao hệ thống quản trị

Sự bứt phá của Vietcombank trong những năm qua không chỉ đánh dấu bằng những con số tăng trưởng về tổng tài sản, huy động vốn, lợi nhuận, mà cả về bước tiến trong công tác quản trị ngân hàng. Giai đoạn 2011-2015, đặc biệt là trong hai năm 2014, 2015, Vietcombank đã ban hành và hoàn thiện đồng bộ các quy trình quản trị và triển khai nhiều dự án chuyển đổi chiến lược cấu trúc phù hợp với mô hình ngân hàng hiện đại.

Về mô hình, Vietcombank đã triển khai mô hình phê duyệt tín dụng tập trung, tài trợ thương mại tập trung và kiểm tra kiểm soát tập trung nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan, phục vụ khách hàng cũng như công tác giám sát hoạt động tuân thủ trong nội bộ. Ngoài ra, Ngân hàng đã thực hiện tái cơ cấu Khối Vốn, Khối Tín dụng, Khối Quản lý rủi ro thông qua thành lập mới và bổ sung chức năng nhiệm vụ một số phòng, ban, trung tâm tại trụ sở chính.

Về các cơ chế quản trị nội bộ, Vietcombank đã xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản quản trị đồng bộ như: Quy chế quản lý cán bộ, Quy chế xử lý kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất, quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức đi liền với việc khen thưởng thực chất, áp dụng KPIs...

Đặc biệt, Ngân hàng đã có sự thay đổi lớn về nhận thức khi các quy trình, quy chế nội bộ đã hướng mọi tổ chức, cá nhân vào hoạt động hướng đến khách hàng. Điều dễ nhận thấy là sự thụ động chờ đợi khách hàng đã được thay thế bằng tâm thế chủ động đi tìm kiếm khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ…

Cú bật thương hiệu trị giá 157 triệu USD

Vào tháng 3/2015, Brand Finance, hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới đã công bố thương hiệu 500 ngân hàng có giá trị lớn nhất trên thế giới. Theo đó, Brand Finance đánh giá thương hiệu Vietcombank ở mức A+, cao nhất  so với các ngân hàng tại thị trường Việt Nam, với trị giá thương hiệu là 157 triệu USD. Thông tin lập tức được thị trường chứng khoán trong nước hào hứng đón nhận, cổ phiếu Vietcombank liên tục tăng trần.

Tiếp sau đó, ngày 23/12/2015, CTCP Báo cáo Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Báo cáo ngành ngân hàng năm 2015 với chủ đề “Uy tín truyền thông và biến động giá cổ phiếu – Mối quan hệ thuận chiều qua trường hợp ngành ngân hàng”. Vietcombank đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng uy tín truyền thông ngành ngân hàng năm 2015 với số điểm tuyệt đối.

Điều này thể hiện gốc hoạt động kinh doanh của Ngân hàng vững mạnh, công tác truyền thông được làm tốt và sự đánh giá khách quan với thế mạnh vượt trội trong ngành mà cổ đông và thị trường dành cho Vietcombank đã kết tinh ở giá cổ phiếu.

Với dự kiến đà tăng của trích lập dự phòng rủi ro được chặn đứng khi nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, từ năm 2016, lợi nhuận của Vietcombank hứa hẹn sẽ tiếp tục lập những kỷ lục mới.

Tuy nhiên, không chỉ chú ý đến xây dựng hình ảnh thương hiệu với xã hội, công tác truyền thông nội bộ và truyền thông hướng tới khách hàng của Vietcombank đang hoạt động rất hiệu quả. Hơn 1 năm qua, các kênh truyền thông nội bộ từ Bản thông tin nội bộ, Đặc san Người dẫn đầu, Bản tin hình Vietcombank News, Fanpage và Website Vietcombank đã nhận được sự quan tâm sát sao của Ban lãnh đạo.

Đây là những kênh truyền tải thông điệp từ Ban lãnh đạo tới cán bộ nhân viên nhanh và chính xác, để các nhân viên trong toàn hệ thống nắm bắt được chiến lược, chính sách hoạt động của Ngân hàng và đồng lòng thực hiện. Thông tin về việc vinh danh những cá nhân, chi nhánh có thành tích nổi bật hay trao thưởng hàng tháng, hàng quý… được cập nhật trên các phương tiện thông tin nội bộ của Ngân hàng đã kịp thời động viên, khuyến khích nỗ lực của cán bộ nhân viên toàn hệ thống.

Kỳ vọng một năm 2016 bứt phá

Còn nhớ, năm 2013, khi mới “bén duyên” với Vietcombank, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành, khi đó vừa được điều chuyển từ Ngân hàng Nhà nước về đảm nhận vị trí

Tổng giám đốc Vietcombank, đã chia sẻ: “Vietcombank là ngân hàng lành mạnh nhất trong hệ thống. Điều tôi muốn làm khi gắn bó với Vietcombank là cùng Ban lãnh đạo đưa Ngân hàng hoà và đập chung nhịp với hệ thống ngân hàng Việt Nam và đột phá đi lên”. Sau gần 3 năm gắn bó với Vietcombank, nhìn về triển vọng hoạt động kinh doanh trong năm 2016, ông Thành không giấu được niềm phấn khích: “Chúng tôi có niềm tin vững chắc là từ năm 2016, Vietcombank sẽ kiểm soát được chất lượng tín dụng, giảm được trích lập dự phòng. Đây cũng là cơ sở để Vietcombank đặt mức tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2016 lớn nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, các chỉ tiêu khác cũng được Vietcombank đạt ra với một mốc cao mới”.

Với những tiền đề lập được trong giai đoạn 2011 - 2015, năm 2016 được lãnh đạo Vietcombank tin tưởng sẽ là một năm bứt phá mạnh mẽ của nhà băng này sau những bước chuyển mình liên tục.

Khánh Huyền - Hữu Kiên
Tin bài liên quan