Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn

(ĐTCK) “Tại CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), trong 10 tháng đầu năm nay, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân nước ngoài tăng 15,47%, trong đó, tài khoản NĐT tổ chức nước ngoài tăng 13,4%”, ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc MBKE chia sẻ về tín hiệu cho thấy thị trường đang đứng trước cơ hội phát triển mới và MBKE với những lợi thế cạnh tranh riêng biệt sẽ nắm bắt được cơ hội đó.

Việt Nam vừa tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương và Chính phủ đang nỗ lực thực hiện nhiều cải cách trên TTCK. MBKE đã chuẩn bị gì để nắm bắt cơ hội phát triển mới mở ra từ những đổi thay trên, thưa ông? 

 Ông Kim Thiên Quang

Với sự hỗ trợ và cam kết từ Tập đoàn Maybank Kim Eng, MBKE đã tăng vốn điều lệ  từ 15 triệu USD lên 40 triệu USD vào đầu năm 2015 và tiếp tục tăng lên trong những năm tới.

Cùng với tiềm lực tài chính mạnh, chúng tôi đang mở rộng hoạt động cho vay ký quỹ, nâng hạn mức cho vay tối đa áp dụng cho từng khách hàng và từng mã chứng khoán, nâng cao đáng kể vị thế cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, chúng tôi khẳng định niềm tin với NĐT bằng nội lực, cung cách quản lý, mức độ chuyên nghiệp của đội ngũ nhân sự, thận trọng trong các hoạt động mang tính rủi ro vốn.

MBKE sẽ tiếp tục đầu tư mạnh trong vòng 5 năm tới phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường đội ngũ nghiên cứu phân tích để hỗ trợ tốt hơn nữa cho các khách hàng định chế. Thời gian qua, chúng tôi đặc biệt có những phân tích kịp thời, chuyên sâu về các diễn biến mới nhất của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn, các DN có liên quan, nhằm giúp các nhà đầu tư có thời gian chuẩn bị cân nhắc khi các cơ hội đầu tư đến.

Với sự hiện diện rộng khắp của Maybank Kim Eng trong khu vực ASEAN, chúng tôi có thể làm cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các cơ hội tại ASEAN, thông qua sự tiếp cận dễ dàng và các mối quan hệ xuyên quốc gia. Chúng tôi cũng có thể kết nối các NĐT nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam dựa trên mối quan hệ mật thiết của chúng tôi với các tổ chức đầu tư và sự am hiểu sâu sắc về môi trường kinh doanh tại địa phương. 

Kiên định với chiến lược không tự doanh, vậy Công ty có giải pháp gì nhằm củng cố vị thế của dịch vụ môi giới và tư vấn trong thời gian tới?

Tại Việt Nam, MBKE vẫn tập trung chính vào mảng khách hàng cá nhân với tiêu chí “Thị trường trong tay bạn”. Việc cập nhật và cải tiến các ứng dụng công nghệ di động luôn được chú trọng nhằm giúp nhà đầu tư có được công cụ tốt nhất hỗ trợ việc ra quyết định đầu tư chính xác, hiệu quả. Maybank Kim Eng đã và sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển mảng phân tích dành cho cả khối khách hàng cá nhân và tổ chức. Chúng tôi cung cấp thông tin cập nhật nhất về thị trường, về doanh nghiệp thông qua ứng dụng Market insight trên KE Mobile & KE Trade cho khách hàng

MBKE cũng sẽ tập trung vào phát triển khách hàng nước ngoài, bao gồm cả khách hàng tổ chức và cá nhân, dựa trên lợi thế đặc biệt là sự hỗ trợ từ Tập đoàn Maybank Kim Eng với kinh nghiệm hơn 40 năm hoạt động thành công và sự hiện diện rộng khắp tại các nước trong khu vực ASEAN. 

NĐT nước ngoài đến mở tài khoản mới tại MBKE Việt Nam là một tín hiệu tốt cho TTCK trong nước, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK vẫn chưa tăng lên tỷ lệ thuận với sự quan tâm của họ. Vì sao, theo ông?

Đúng là có rất nhiều NĐT nước ngoài, cá nhân và tổ chức trong khu vực và quốc tế đã và đang tiếp tục thông qua MBKE tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam, trong đó, có nhà đầu tư đã mở tài khoản sẵn sàng giao dịch. Nhưng họ gặp khá nhiều trở ngại.

Vướng mắc lớn nhất đối với các quỹ đầu tư lớn là thị trường Việt Nam còn thiếu chiều sâu, quy mô và thanh khoản thị trường còn khá khiêm tốn so với các thị trường trong khu vực. Chỉ số VN-Index quá phụ thuộc vào một số mã cổ phiếu lớn. Để giải quyết điều này, Chính phủ cần phải cương quyết thực hiện cổ phần hóa các DNNN, giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại các DN, kể cả tại các công ty đã cổ phần hóa cũng như yêu cầu tuân thủ quy định lên giao dịch/niêm yết trên TTCK, góp phần làm tăng hàng hóa có chất lượng, định giá hợp lý.

Vấn đề nổi cộm thứ hai liên quan đến room cho NĐT nước ngoài. Mặc dù Nghị định 60/2015 của Chính phủ và Thông tư 123/2015 của Bộ Tài chính đã tạo khung pháp lý cho việc mở room của DN niêm yết, nhưng thực tế triển khai còn chậm. DN còn chờ đợi hướng dẫn nên NĐT nước ngoài vẫn chưa thể mua một số cổ phiếu họ yêu thích như VNM, FPT, MWG… Việc rút ngắn thời gian thanh toán, giám sát các CTCK thực thi nghiêm chỉnh các quy định về an toàn hoạt động, đảm bảo quyền lợi của NĐT sẽ góp phần tăng niềm tin của NĐT nước ngoài cũng như trong nước. Theo tôi, khi đó, vấn đề thanh khoản sẽ được tự động giải quyết.

Dù vậy, chúng tôi lạc quan về triển vọng của TTCK dựa trên bức tranh tổng thể của kinh tế Việt Nam đang hồi phục với tốc độ nhanh và ổn định hơn. Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến hấp dẫn trong khối thị trường các quốc gia mới nổi và dòng tiền nước ngoài sẽ vẫn duy trì xu hướng mua ròng làm chủ đạo trong trung hạn. Chúng tôi lạc quan cho rằng, xu hướng tăng của thị trường sẽ duy trì trong năm tới.

Tin bài liên quan