Năm nay, trung bình mỗi phòng giao dịch của Eximbank đăng ký mức lợi nhuận 4 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với các năm trước

Năm nay, trung bình mỗi phòng giao dịch của Eximbank đăng ký mức lợi nhuận 4 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với các năm trước

Từ 2016, hoạt động ngân hàng sẽ tốt hơn

(ĐTCK) Với nỗ lực làm “sạch” nợ xấu trong 2 năm qua, các ngân hàng thương mại nói chung, Eximbank nói riêng không ngừng xử lý nợ và bán nợ xấu cho VAMC. Vì thế, chi phí trích lập dự phòng lớn, ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, để đảm bảo tính an toàn trong hoạt động, các ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng xử lý nợ xấu, đồng thời sử dụng các biện pháp khác nhằm kéo giảm nợ xấu về mức thấp nhất có thể, khơi thông dòng chảy tín dụng.

Tăng dự phòng rủi ro

Trong những năm qua, với chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc ngành và xử lý nợ xấu, các ngân hàng đã tăng cường xử lý nợ, bán nợ xấu cho VAMC. Việc trích lập dự phòng rủi ro cũng được các ngân hàng đẩy mạnh, ngay cả với các khoản nợ đã bán.

Đối với Eximbank, chủ trương xuyên suốt từ HĐQT, Ban điều hành xuống đến các chi nhánh trong hệ thống là kiểm soát nợ xấu ở mức thấp. Vì thế việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ được Ngân hàng chú trọng và thực hiện liên tục từ giữa năm 2014 đến nay.

Trong quý II/2015, sở dĩ lợi nhuận của Ngân hàng sụt giảm là do chi phí hoạt động phát sinh mạnh, tăng 32% lên 600 tỷ đồng, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro chỉ còn 195 tỷ đồng, giảm 46%. Chi phí dự phòng trong quý II cũng tăng 14%, lên 166 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận trước thuế còn lại 28,9 tỷ đồng. Sau thuế, Ngân hàng lãi 26,9 tỷ đồng.

Với việc mạnh tay trích lập dự phòng, Eximbank đã giải quyết được những tồn đọng, hệ thống trở nên nhẹ nhàng như một động cơ được thay mới dầu bôi trơn. Thực tế cho thấy, yếu tố cần thiết nhất thời điểm hiện tại đối với hoạt động ngân hàng là kiểm soát rủi ro, giúp hoạt động ổn định, đảm bảo thanh khoản và điều này đã được Eximbank thực hiện tốt.

Cụ thể, đến hết quý II/2015, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) của Eximbank đạt 15%; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi duy trì ở mức 75%. Eximbank cũng đáp ứng đầy đủ các quy định của NHNN tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN như tỷ lệ nợ xấu 2,09% đến hết quý II/2015; lợi nhuận trước thuế đạt 567 tỷ đồng, hoàn thành 57% kế hoạch năm 2015.

Năm 2014, Eximbank đã bán được 4.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. 6 tháng đầu năm 2015, Eximbank bán tiếp gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu và kế hoạch từ nay đến hết năm, Ngân hàng sẽ bán hơn 500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến lợi nhuận của Eximbank giảm trong quý II, khi tăng khoản trích lập dự phòng cho khoản nợ đã bán.

Trong gần 4.000 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm 2014, Eximbank cũng đã xử lý thu hồi được khoảng 500 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2015, Ngân hàng sẽ xử lý thu hồi khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu.

Từ 2016, hoạt động ngân hàng sẽ tốt hơn ảnh 1

Tính đến hết quý II/2015, nợ xấu của Eximbank ở mức 2,09% 

Điểm sáng 2016

Eximbank được biết đến là ngân hàng có thế mạnh trong tài trợ xuất, nhập khẩu. Vì vậy, không chỉ mảng tín dụng, nguồn thu từ dịch vụ đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập của Ngân hàng.

Trong quý II, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng đạt 658 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động dịch vụ lãi 74 tỷ đồng, kinh doanh ngoại hối lãi 28 tỷ đồng và hoạt động khác lãi 37 tỷ đồng. So với các ngân hàng cùng quy mô, tỷ trọng này là rất cao, nhưng Eximbank đang không ngừng cải thiện tỷ trọng nguồn thu từ dịch vụ, với mục tiêu đạt con số 20% vào cuối năm 2015.

Cỗ máy tạo thu nhập của Eximbank ngày càng hoàn thiện. Năm nay, trung bình mỗi phòng giao dịch của Eximbank đăng ký mức lợi nhuận lên đến 4 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với các năm trước. Nếu không gì biến động, dự kiến thu nhập từ hoạt động kinh doanh của Eximbank sẽ đạt mức tối thiểu 2.400 tỷ đồng. Trừ khoản dự phòng khoảng 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận của Ngân hàng ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thực tế, việc xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều khó khăn do khâu phát mãi tài sản. Vì thế, các nhà băng phải sớm tăng trích dự phòng rủi ro tín dụng ngay từ quý I. Trong năm nay, dự phòng của các ngân hàng sẽ tăng mạnh. Mặt khác, ngân hàng với chức năng là một định chế tài chính trung gian nên khó có thể kỳ vọng được mức lợi nhuận cao như trước đây khi margin trong hoạt động tín dụng hiện giảm dần theo lãi suất. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh thị phần tín dụng, đòi hỏi ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để thu hút khách hàng, nhưng lãi suất huy động lại khó giảm.

Tuy nhiên, từ năm 2016, nền kinh tế có nhiều tín hiệu khả quan hơn, hoạt động của doanh nghiệp tốt lên đồng nghĩa nợ xấu của ngân hàng giảm, kéo theo dự phòng giảm. Bên cạnh đó, khoản đã trích lập dự phóng cho hai năm 2014, 2015, nếu nợ xấu được xử lý, cũng sẽ được hoàn nhập lại, giúp lợi nhuận ngân hàng được cải thiện.

Đặc biệt, với cơ chế mua bán nợ xấu mới trong Thông tư số 14/2015/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, dự báo sẽ tác động lớn tới hoạt động mua - bán và xử lý nợ xấu qua VAMC, khi tổ chức tín dụng có thêm lựa chọn để bán lại nợ xấu theo trái phiếu mới do VAMC phát hành. Theo đó, hệ số rủi ro của trái phiếu là 0% khi ngân hàng tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trong khi với trái phiếu đặc biệt là 20%. Đồng thời, mệnh giá của trái phiếu bằng giá mua bán của khoản nợ xấu, trong khi mệnh giá trái phiếu đặc biệt được xác định theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc khách hàng vay chưa trả đã được khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó (khoản 1, Điều 14, Nghị định số 53/2013/NĐ-CP).

Tất cả các yếu tố trên sẽ giúp ngân hàng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, hoạt động hiệu quả và bền vững hơn với mức lợi nhuận cao hơn.

Eximbank vừa vinh dự được Tạp chí Asiamoney – Hồng Kông trao tặng danh hiệu “Best Local Cash Management Bank in Vietnam 2015 - Ngân hàng Quản lý tiền mặt nội địa tốt nhất Việt Nam 2015” do các doanh nghiệp quy mô nhỏ có doanh số hàng năm dưới 100 triệu USD bình chọn. Từ đầu năm 2015 đến nay, Eximbank còn nhận được các giải thưởng danh giá khác như giải thưởng “Ngân hàng tài trợ thương mại tốt nhất năm 2015” do Tạp chí Asian Banker trao tặng; giải thưởng Chất lượng thanh toán quốc tế xuất sắc, thanh toán xuyên suốt do Ngân hàng Standard Chartered Bank (SCB), The Bank of New York Mellon, HSBC… trao tặng.
Tin bài liên quan