Ông Phạm Đức Hậu

Ông Phạm Đức Hậu

Tổng giám đốc LVI: Phải linh hoạt tận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”

(ĐTCK) Đầu tư tại Lào đang chứng tỏ tính hiệu quả và sức thu hút với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam. BIC và PTI đã thành lập liên doanh bảo hiểm tại Lào từ nhiều năm nay và đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Hậu, Phó tổng giám đốc BIC kiêm Tổng giám đốc LVI (liên doanh của BIC tại Lào) về sức hút của thị trường này.

So với các thị trường khác trong khu vực như Campuchia, Myanmar, đâu là khác biệt của thị trường Lào để các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam kinh doanh thành công?

Tại Campuchia, tốc độ tăng trưởng bình quân toàn thị trường bảo hiểm ở mức 16%/năm, doanh thu bảo hiểm năm 2015 dự báo đạt 66,3 triệu USD. Hiện mức chi tiêu cho bảo hiểm ở Campuchia thấp hơn Việt Nam và Lào, chỉ chiếm 0,19% GDP, tương đương 1,36 USD/người.

Quy mô thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Campuchia nhỏ hơn tại Lào, trong khi các chi phí cho hoạt động kinh doanh lớn hơn, dẫn đến lợi nhuận thấp hơn so với thị trường Lào. Còn Myanmar là nền kinh tế mới mở, trong vòng 2 - 3 năm tới mới cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được kinh doanh tại thị trường này.

Trong khi đó, Lào có thị trường bảo hiểm phát triển tiên tiến với tốc độ tăng trưởng rất nhanh: năm 2007, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường là 21 triệu USD, năm 2013 tăng lên 80 triệu USD, năm 2015 dự báo đạt 135 triệu USD. Ngoài lợi thế về địa lý, tương đồng văn hóa, quan hệ hữu nghị Việt - Lào cũng là một thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam kinh doanh tại Lào. 

Năm 2014 có thể coi là một năm thành công của LVI tại Lào không, thưa ông?

LVI đã có 7 năm hoạt động tại thị trường Lào và hiện đang là 1 trong 2 công ty bảo hiểm lớn nhất thị trường này. Năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của LVI đạt 11,5 triệu USD, tăng 28% so với năm 2013, tương đương với nhiều công ty bảo hiểm tại Việt Nam.

Lợi nhuận trước thuế đạt 1,36 triệu USD, tăng 82%, trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 683.941 USD, một con số ấn tượng nếu so sánh với mặt bằng lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam.

Chỉ tiêu ROE năm 2014 đạt 23,76%. Đáng chú ý, lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm của LVI luôn lớn hơn lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính, điều mà không có doanh nghiệp bảo hiểm nào ở Việt Nam có được. Cuối năm 2014, LVI đã đóng góp gần 25% doanh thu phí bảo hiểm gốc và lợi nhuận của BIC.

Đối với LVI, việc BIDV thành lập liên doanh ngân hàng tại Lào từ năm 1999, Chủ tịch BIDV là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), LVI là doanh nghiệp bảo hiểm Việt đầu tiên vào thị trường Lào là một thuận lợi khác biệt tạo sức cạnh tranh cho Công ty. 

Nếu không có những thuận lợi khách quan thì LVI có thể thành công không?

Để có thành công hôm nay, khi mới bước chân sang Lào năm 2008, LVI cũng gặp nhiều khó khăn.

Lào đang áp dụng mô hình bảo hiểm của các nước tiên tiến và tiến bộ hơn Việt Nam trên 10 năm, nên không thể mang nguyên mô hình quản lý kinh doanh tại Việt Nam sang Lào được.

Vì vậy, LVI bắt buộc phải có các chính sách mới và chấp nhận lao vào một sân chơi còn nhiều bỡ ngỡ. Ngoài ra, nhờ kết hợp kỹ năng và kinh nghiệm bảo hiểm của BIC và các hậu thuẫn của BIDV, trên cơ sở tìm hiểu kỹ thị trường, LVI đã đầu tư mạng lưới và hệ thống đại lý chuyên nghiệp, hoàn thiện danh mục sản phẩm và cách bán hàng phù hợp, tối ưu thủ tục giải quyết bồi thường, đầu tư về quảng cáo và quảng bá thương hiệu, thu hút người tài bằng chính sách lương thưởng hấp dẫn… 

Hiện LVI là doanh nghiệp bảo hiểm lớn thứ 2 tại thị trường Lào, vậy mục tiêu chinh phục tới đây của LVI là gì và bài học của LVI rút ra khi kinh doanh tại đây?

LVI đã qua giai đoạn khởi động và khẳng định vị trí tại Lào. Chúng tôi sẽ tăng tốc để trở thành doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu và được yêu thích nhất. Trong năm 2015, LVI phấn đấu đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc tối thiểu 14,5 triệu USD, thu hẹp dần khoảng cách với doanh nghiệp đứng đầu, lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 1,6 triệu USD.

Để mở rộng hoạt động, LVI sẽ kiện toàn bộ máy, thành lập chi nhánh tại các vùng trọng điểm như Pakse, Vientiane, thành lập Phòng Bảo hiểm trực tuyến, Trung tâm Dịch vụ khách hàng. LVI cũng sẽ phát hành thêm cổ phần cho AVIL để có cơ hội tiếp cận bảo hiểm cho toàn bộ các dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Lào.

Từ chặng đường 7 năm qua, tôi cho rằng, bài học quý giá nhất của BIC và cũng là của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đó là biết linh hoạt tận dụng các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Bao gồm linh hoạt đón lấy thời cơ và những thuận lợi từ chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Lào, sự gần gũi về mặt địa lý và tình hữu nghị Việt - Lào, sự hòa thuận và tương hỗ của người dân hai nước.

Tin bài liên quan