Tổng giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn

Tổng giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn

Tổng giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn: Hapro đã đạt được thắng lợi kép khi IPO

Sau hơn 1 tháng, tính từ ngày IPO Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Hapro khẳng định, họ đã có một một thắng lợi kép: thành công của đợt thoái vốn nhà nước tại Hapro và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp khi kết hợp với nhà đầu tư chiến lược.

Thưa ông, dù việc Nhà nước thoái toàn bộ vốn tại Hapro mới diễn ra được hơn 1 tháng, nhưng hoạt động của TCT đã có những chuyển biến gì đáng kể?  

Chuyển biến lớn nhất là chúng tôi thay đổi mô hình hoạt động, từ doanh nghiệpnhà nước chuyển sang mô hình doanh nghiệp cổ phần. Đó là hình thức, còn về bản chất, thì ngay từ giai đoạn khởi đầu, chúng tôi đã xác định mục tiêu lớn nhất của cổ phần hóa (CPH) là thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp để hoàn toàn thích ứng với cơ chế thị trường, uyển chuyển trong cạnh tranh nhằm tạo dựng một doanh nghiệp mạnh hơn.

Sau IPO, Hapro đã tổ chức ĐHĐCĐ thành công và đúng hạn; các hoạt động kinh doanh có sự tăng trưởng, đảm bảo công ăn việc làm cho toàn bộ lao động của doanh nghiệp. Nếu tính từ thời điểm hoàn thành IPO, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh tại thị trường trong nước, thì xuất khẩu - thế mạnh được coi là giá trị cốt lõi của Hapro - cùng với việc Hapro lần đầu tiên xuất khẩu vải thiều Thanh Hà sang thị trường Malaysia, giúp bà con nông dân có kênh tiêu thụ sản phẩm, Hapro đã chính thức được Cục Quản lý Thực phầm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp code xuất khẩu gạo vào thị trường Hoa Kỳ. Cần phải biết rằng, chưa có nhiều doanh nghiệp Việt có code xuất khẩu gạo vào thị trường Hoa Kỳ.

Thứ hai, sau nhiều năm xuất khẩu gạo, lần đầu tiên chúng tôi đã đưa gạo vào 2 hệ thống siêu thị tại Dubai với loại bao có trọng lượng 5 kg và 10 kg. Đây là bước chuyển lớn so với việc “không biết gạo của mình đi đâu” khi xuất khẩu bao 50 kg, bởi ngoài đạt lợi nhuận cao hơn khoảng 10% và tạo thêm việc làm cho đơn vị chế biến hàng xuất khẩu, thì gạo được Hapro xuất khẩu đã đến thẳng tay người tiêu dùng. HĐQT mới của Hapro coi đó là bàn đạp để thực hiện chiến lược phát triển của Hapro.

Tại ĐHCĐ, bà Nga đưa ra nhận xét rằng: “Là công ty Nhà nước nhưng Hapro hoạt động với mô hình không khác gì các công ty tư nhân”, thưa ông, chúng ta nên hiểu như thế nào về nhận xét này?

Đây là nhận xét của người lãnh đạo một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, theo tôi đó là một lời khen ngợi về những biểu hiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là công tác tiếp thị thương hiệu của chúng tôi.

Thẳng thắn mà nói, dù có những thành công nhất định, nhưng chúng tôi, nhưng người gắn bó lâu năm với Hapro, dẫu sao vẫn còn thể hiện chất “quốc doanh”, đây đó ít nhiều vẫn còn những biểu hiện kém linh hoạt trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Theo tôi, nhận xét trên còn cho thấy một điều đáng mừng hơn, tân Chủ tịch HĐQT đã nhận thấy sự tương thích khi kết hợp Hapro với đường hướng kinh doanh của BRG và có lẽ đó chính là yếu tố khiến BRG quyết tâm bỏ vốn để trở thành cổ đông chiến lược của Hapro.

Có nghĩa là Hapro là rất đáng mua, thưa ông?

Đúng là như vậy.

Xin trở lại chuyện IPO. Từ khi lên UPCoM, giá cổ phiếu Hapro có thời điểm xuống mức giá 9.000 đồng/cp, nhưng đối tác chiến lược khi mua phải thanh toán bằng giá bình quân đấu giá thành công (12.908 đồng/cp). Như vậy, một mặt khẳng định việc thoái vốn nhà nước đã thành công, nhưng mặt khác, hiện tượng đó lại trở nên một nghịch lý khi làm phương hại đến lợi ích của cổ đông chiến lược mà nay “đã là người một nhà”? Quan điểm của ông thế nào về việc này?

Thực ra, nói về việc này cần phân tách ra thành 2 giai đoạn của quá trình. Giai đoạn thứ nhất là tiến hành IPO. Cổ phiếu của Hapro bán được giá vừa chứng tỏ nội lực của chúng tôi, lại vừa khẳng định quá trình xác định giá trị doanh nghiệp trước khi IPO là nghiêm túc và chính xác. Giai đoạn thứ nhất được kết thúc bằng việc: Nhà nước thu được khoản thặng dư lớn khi bán vốn tại doanh nghiệp IPO.

Giai đoạn thứ hai là sau khi đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, thì những diễn biến về giá cổ phiếu sẽ bị lệ thuộc vào hoạt động chứng khoán trong nước và quốc tế. Theo tôi, cổ phiếu HTM cần được đặt trong bối cảnh chung khi thị trường chứng khoán trong nước và thế giới lao dốc, tuy nhiên, biên độ giảm giá của cổ phiếu HTM thấp hơn biên độ chung của cả sàn chứng khoán.

Sau IPO, ngoài việc duy trì công ăn việc làm cho người lao động của Tổng công ty, các lãnh đạo cũ của Hapro trong Ban Tổng Giám đốc được tiếp tục bổ nhiệm trong bộ máy lãnh đạo mới. Thưa ông, có cần phải điều chỉnh gì đối với những lãnh đạo này khi họ ở trong một vị thế mới tại một công ty đã gắn bó nhiều năm, thậm chí cả một đời công tác để có thể thực hiện thành công nghị quyết của HĐQT là đạt mức tăng trưởng 15-20% trong 3 năm tới đây?

Trước tiên, tôi phải nhấn mạnh rằng, khi IPO, cổ đông chiến lược đã cam kết của sẽ không có bất kỳ xáo trộn nào trong năm 2018. Có nghĩa là, trong ngắn hạn, người lao động hoàn toàn yên tâm và ban lãnh đạo cũ sẽ được tái bổ nhiệm trong tổng công ty cổ phần. Đặc biệt, sau khi nhậm chức, Chủ tịch HĐQT mới của Hapro đã khẳng định, Hapro sẽ tiếp tục thực hiện định hướng “doanh nghiệp hoạt động thương mại với những ngành nghề kinh doanh cốt yếu - core values”. Điều này có nghĩa, những thành viên của Hapro sẽ hoàn toàn yên tâm khi tiếp tục được làm công việc đúng với sở trường, sở đoản của mình.  

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành của mô hình mới - tổng công ty cổ phần, nếu những lao động cũ (bao gồm cả lãnh đạo) của Hapro không tự đổi mới để thích ứng với cơ chế năng động, linh hoạt của thành phần kinh tế ngoài nhà nước, thì chính họ sẽ tự đào thải mình.

Sau khi Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) nắm 65% cổ phần của Hapro và đã được xác định là cổ đông chiến lược, việc dịch chuyển cổ phần của Hapro sau khi nhà nước nước thoái vốn diễn ra như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi chưa khảo sát nào về lượng bán - mua, nhưng có thể khẳng định rằng, việc chào bán và hoạt động mua bán rất sôi động chứng tỏ nhiều nhà đầu tư quan tâm đến hoạt động của Tổng công ty cổ phần. Ngay tại đại hội cổ đông vừa qua, có khá nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã phát biểu như sau: họ đầu tư vào cổ phiếu HTM do “nhìn vào” vị thế của nhà đầu tư chiến lược. Theo tôi đó là những tín hiệu rất đáng mừng đối với công ty cổ phần, đó là phần thưởng cho những quyết tâm của chúng tôi và đối tác chiến lược.  

Tin bài liên quan