Năm 2015, SCB được trao tặng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế

Năm 2015, SCB được trao tặng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế

“Tôi yên tâm với những gì SCB đã thực hiện được”

(ĐTCK) Kết thúc giai đoạn 1 của quá trình tái cơ cấu, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã thực sự "lột xác", hoạt động khá hiệu quả và đang tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới, với định hướng lấy mảng bán lẻ làm vũ khí cạnh tranh trên thương trường. Đó là chia sẻ của ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB. 

Dường như năm qua, SCB đã “dễ thở” hơn rất nhiều?

2015 là năm kết thúc giai đoạn 1 của quá trình tái cơ cấu, mở ra giai đoạn tái cơ cấu mới của Ngân hàng với điểm nhấn quan trọng là việc xử lý nợ xấu.

Theo đó, trong năm 2015, tổng số nợ xấu mà SCB tự xử lý và bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là hơn 1.000 tỷ đồng. Cũng trong năm qua, SCB đã trích lập dự phòng trên 3.000 tỷ đồng, một con số lớn so với một ngân hàng cổ phần có quy mô vừa như SCB.

“Tôi yên tâm với những gì SCB đã thực hiện được” ảnh 1

ông Võ Tấn Hoàng Văn
 

Năm 2015 cũng là năm đầu tiên, gối đầu cho giai đoạn tái cơ cấu tiếp theo 2015 - 2019 của SCB, nên liên quan rất nhiều đến nền tảng, hệ thống, cơ chế, nguồn lực... Điều đó đòi hỏi SCB phải tập trung thời gian, công sức và cả tiền bạc nữa.

Nhưng nhìn lại năm qua, chúng tôi yên tâm với những gì SCB đã thực hiện được trong giai đoạn 1, bởi đó là nền tảng cho giai đoạn tiếp theo trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều cơ hội mới, cũng như những điều chỉnh chính sách rất lớn từ Nhà nước càng lúc càng phù hợp với nền kinh tế thị trường. Theo đó, dù lo lắng nhất định về giai đoạn tới sẽ như thế nào, nhưng SCB cũng có sự phấn khởi bởi năm 2015 đã tạo sự “dễ thở” trong niềm tin đối với công việc.

Năm 2015 cũng là năm đặc biệt khi SCB được trao tặng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Liệu đó có phải là kết quả từ những thay đổi nội tại, hay cũng chỉ là một “phong trào” giữa các ngân hàng?

Trong công việc, chúng ta có mục tiêu, định hướng rõ ràng nên khi đạt được mục tiêu thì đó là thành quả, chứ không phải là phong trào. Việc SCB được nhiều tổ chức quốc tế uy tín trao tặng giải thưởng ghi nhận những bước trưởng thành, phát triển của SCB sau giai đoạn tái cơ cấu bước đầu.

Điều này cũng tạo sự phấn chấn cho tập thể cán bộ, nhân viên khi những thành quả của mình được ghi nhận. Điều quan trọng hơn cả là giải thưởng tạo sự gắn kết, tự tin, tự hào của người lao động, tạo niềm tin nhất định đối với khách hàng. Thực tế, những yếu tố đó cộng hưởng lại sẽ có đóng góp rất thiết thực cho quá trình hoạt động của bất kỳ tổ chức tín dụng nào. Đây là điều cần ghi nhận. 

Vậy hướng đi mới của SCB trong năm 2016 là gì, thưa ông?

2016 được SCB định hướng là “năm bán lẻ”. Theo đó, trong năm nay, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư khai thác hoạt động bán lẻ, với các mũi nhọn là thẻ, cho vay tiêu dùng, bán chéo các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.

Thực tế, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tiền đề rất kỹ từ năm 2015 để triển khai trong năm 2016 với các quyết sách của Ban lãnh đạo như đại lý độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ Manulife, ngân hàng mẹ của Công ty Bảo hiểm Bảo Long, ra mắt thẻ Visa, phát triển tín dụng tiêu dùng... Bên cạnh đó là đầu tư lớn về công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu cho ngân hàng, hệ thống lưu trữ chuẩn bị cho năm bán lẻ 2016. 

Hiện có khá nhiều ngân hàng đề ra mục tiêu là ngân hàng bán lẻ, nên cạnh tranh trong phân khúc này dự báo sẽ rất khốc liệt, nhất là với sự góp mặt của các ngân hàng ngoại. Vậy đâu là điểm nhấn để tạo nên dấu ấn của SCB trong một rừng “ngân hàng bán lẻ” này?

Với một thị trường hơn 90 triệu dân, song không tập trung ở 1 - 2 thành phố, mà được phân bổ tương đối rải rác tại nhiều khu vực trên toàn quốc sẽ tạo cơ hội cho lĩnh vực bán lẻ của ngân hàng thuận lợi hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

“Tôi yên tâm với những gì SCB đã thực hiện được” ảnh 2

Thành công tái cơ cấu giai đoạn 1 là nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của SCB 

Đặc biệt, với sự phát triển của hệ thống công nghệ thông tin, đội ngũ cán bộ, nhân viên trẻ năng động, sáng tạo…, SCB tự tin khi lựa chọn năm 2016 là năm bán lẻ. Tuy nhiên, SCB sẽ đi vào “ngách” để phục vụ cho một nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng. Tôi tin, với một thị trường hơn 90 triệu dân, cơ cấu dân số khá trẻ, mức sống đang ngày một tăng, trong khi tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng vẫn còn thấp..., thì còn nhiều dư địa để các ngân hàng cùng khai thác. 

Nhưng thực tế cho thấy, để khách hàng “định danh” là điều không dễ. Ông nghĩ gì về việc này?

Có một điều tôi muốn chia sẻ là khách hàng trên 40 tuổi tại SCB chiếm tỷ lệ rất cao, nhóm này có tiềm năng tài chính rất tốt và đây là lợi thế không phải ngân hàng nào cũng có được. Mặc dù nhóm khách hàng này cũng có vấn đề là không sử dụng những sản phẩm mang tính ứng dụng như giới trẻ, nhưng đây là nhóm khách hàng có tiền tiết kiệm thực sự và sử dụng những sản phẩm mang tính đầu tư dài hạn tiềm năng. Chúng tôi tiếp tục tập trung duy trì, khai thác nhóm khách hàng này, song song với đó là nhóm khách hàng trẻ hơn, năng động hơn để đa dạng hóa danh mục khách hàng của SCB. 

SCB có tính mở rộng hoạt động ra khu vực để tận dụng lợi thế này khi mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã thành lập?

SCB đã có chủ trương của Nhà nước được phép bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trên 50%, đây là cơ hội thuận lợi về mặt pháp lý để SCB có thể tìm kiếm đối tác trong khu vực, thông qua đối tác chiến lược đó thâm nhập vào những thị trường rộng hơn. Chúng tôi đang trong quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược phù hợp với mục tiêu này. 

Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ông thấy các ngân hàng cần phải làm gì để cạnh tranh với các ngân hàng ngoại, cũng như hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế?

Mục tiêu từ nay đến năm 2019 được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là giảm số lượng ngân hàng xuống còn 15, đặc biệt là thông điệp không có ngân hàng lớn - nhỏ, chỉ có ngân hàng mạnh - yếu. Có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng rất rõ ràng là các ngân hàng phải nâng cao chất lượng hoạt động, mạnh về chỉ số tài chính, lực lượng khách hàng, hệ thống công nghệ thông tin, lợi thế cạnh tranh, mạng lưới… Đây là những vấn đề mang tính cạnh tranh cốt lõi mà các ngân hàng phải thực hiện trong thời gian tới.

Cùng với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ gay gắt hơn, nên bản thân các ngân hàng phải có nhu cầu tái cơ cấu, sắp xếp lại để hình thành nên những tổ chức tài chính vững mạnh, nếu không muốn bị mất khách hàng trên chính thị trường nội địa.

Mặc dù năm 2016, kinh tế Việt Nam dự báo có nhiều thử thách, nhưng đây cũng sẽ năm tạo nền tảng cho hoạt động ngân hàng trong những năm tiếp theo, nếu duy trì được sự ổn định về mặt kinh tế vĩ mô như đã làm trong 5 năm vừa qua.

Tin bài liên quan