Đội ngũ lãnh đạo có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm được kỳ vọng sẽ đưa Phát Đạt phát triển lên tầm cao mới

Đội ngũ lãnh đạo có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm được kỳ vọng sẽ đưa Phát Đạt phát triển lên tầm cao mới

Thực hiện dự án BT, Phát Đạt chọn chiến lược “bình cũ, rượu mới”

(ĐTCK) Rút kinh nghiệm từ bài học về tranh cãi không đáng có tại dự án BT đường vành đai Bình Lợi - Tân Sơn Nhất trước đó, hiện tại, khi thực hiện các dự án BT - đổi hạ tầng lấy quyền sử dụng và khai thác kinh doanh các quỹ đất, CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) đã không chọn quỹ đất chung chung, mà nhắm thẳng vào quỹ đất có giá trị cao tại trung tâm TP. HCM.

Tại Dự án cầu Thủ Thiêm 4, nối Khu đô thị Thủ Thiêm và đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) có trị giá hơn 5.000 tỷ đồng, được biết, UBND TP. HCM đã cho phép PDR nghiên cứu để đầu tư xây dựng. Bù lại, PDR được trọn quyền khai thác kinh doanh các quỹ đất hoán đổi hoặc trong trường hợp PDR không được cung cấp các dự án ưng ý, thì lợi nhuận trên vốn đầu tư cũng được Nhà nước cam kết ở mức 10%. Với thỏa thuận này, PDR được chọn quỹ đất theo tính toán và trường hợp xấu nhất vẫn đảm bảo mức lợi nhuận 10%.

Song song với việc triển khai dự án BT cầu Thủ Thiêm 4, PDR đã hợp tác đầu tư với Tổng công ty Đền bù giải tỏa hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhanh chóng triển khai thi công dự án BT đầu tư xây dựng mới Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng (số 8, Võ Văn Tần, phường 6, quận 3). Bù lại, PDR có được 2 khu đất tại quận 1 là 255 Trần Hưng Đạo có diện tích 2.300 m2 và 3 - 3 Bis, Phan Văn Đạt có diện tích khoảng 900 m2. Giá trị và các điều khoản trong hợp đồng BT chưa được tiết lộ, song có một điều chắc chắn là giá trị của các lô đất vàng sẽ không bị mất giá, bất kể thị trường bất động sản phát triển theo chiều hướng nào.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên PDR thực hiện các hợp đồng về hạ tầng giao thông. Trước đó, PDR đã xây dựng cầu Phú Thuận (quận 7) vào năm 2010 và khánh thành vào năm 2011. Dự án có tổng mức đầu tư 107 tỷ đồng đã trực tiếp kết nối các khu dân cư phía bắc quận 7 như Tân Phú, Phú Thuận… với Khu đô thị mới Nam Sài Gòn. Cầu Phú Thuận cũng kết nối trực tiếp dự án The Everrich 2 với trung tâm hành chính quận 7 và khu đô thị mới Nam Sài Gòn.

Tháng 1/2014, trong lúc tài chính khó khăn, PDR vẫn đầu tư xây dựng cầu Mỹ Lợi nối Tiền Giang và Long An theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và tháng 8/2015, cầu Mỹ Lợi đã được thông xe. Dự án có tổng mức đầu tư 1.438 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đầu tư BOT là 1.312 tỷ đồng do liên doanh PDR và Công ty Bê tông 620 Long An thực hiện. Thời điểm PDR đầu tư cầu Mỹ Lợi cũng là lúc nhiều nhà đầu tư rút khỏi các dự án BOT cầu đường trên cả nước do không đủ vốn hoặc nhìn thấy khả năng sinh lợi không cao đối với dạng dự án này. Tuy nhiên, BOT cầu Mỹ Lợi được xem là “con gà đẻ quả trứng vàng” của PDR khi dự án đi vào khai thác.

Thi công nhanh, hiệu quả, sẵn sàng “đổ tiền” khi các nhà đầu tư khác chần chừ là một phần làm nên thương hiệu của PDR khi thực hiện các dự án về giao thông. Cùng với năng lực tài chính được khẳng định, đây có thể là lý do PDR được lựa chọn để thực hiện dự án BT cầu Thủ Thiêm 4.

Nhà đầu tư thấy gì khi trị giá BT dự án cầu Thủ Thiêm 4 lên đến trên 5.000 tỷ đồng và số tiền này sẽ được hoán đổi bằng quỹ đất trung tâm TP. HCM? Khả năng PDR lại có thêm một “con gà đẻ trứng vàng” đã hiện hữu. Như vậy, vẫn là chiếc bình BT, nhưng chất lượng rượu trong bình đã được thay đổi khi PDR có được quỹ đất trung tâm TP. HCM.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan