Khoác chiếc áo ghile màu Bordeaux, nhân sự HNX xuất hiện trước công chúng trong tâm thế “người phục vụ”

Khoác chiếc áo ghile màu Bordeaux, nhân sự HNX xuất hiện trước công chúng trong tâm thế “người phục vụ”

Tâm thế “người phục vụ”

(ĐTCK) 568.000  tỷ đồng là số tiền Ngân sách Nhà nước đã huy động được từ hoạt động đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) qua Sở GDCK Hà Nội (HNX) trong 5 năm, 2009-2014. 

Một con số khác: 34.066 tỷ đồng là số tiền Nhà nước thu về từ hoạt động đấu giá, bán cổ phần Nhà nước tại Sở cũng trong giai đoạn này. Trong bộ áo đồng phục ghile đỏ sậm màu Bordeaux, nhân sự HNX xuất hiện trước mỗi cuộc đấu giá trong tâm thế “người phục vụ”. Cứ thế theo thời gian, HNX cần mẫn, sáng tạo và nỗ lực không ngừng để tạo nên những kết quả quan trọng của một Sở GDCK hiện đại, hoạt động phục vụ DN, phục vụ nhà đầu tư và phục vụ lợi ích chung của nền kinh tế.

Từ khu nhà ổ chuột đến hình ảnh của một Sở GDCK hiện đại

Căn phòng khách chỉ khoảng 30 m2 ngay cạnh phòng họp chính trên tầng 3 của Sở GDCK Hà Nội là một nơi rất đặc biệt.

Nhìn thoáng qua, đó chỉ là một căn phòng nhỏ, với không gian ấm cúng, trang trọng, thường để lãnh đạo Sở mời cơm những vị khách quý, đến thăm và làm việc tại Sở. Nhưng khi mở cánh cửa phía bên kia căn phòng, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi bước sang một khoảng không rất rộng, nơi thoải mái đón làn gió mát lành và trọn vẹn ngắm vẻ đẹp cổ kính của Nhà hát lớn Hà Nội. Phía bên phải là Khách sạn Hilton nổi tiếng, ban đêm, HNX lung linh như một viên ngọc sáng, được bao bọc bởi những con đường đẹp đẽ, văn minh nhất Hà Nội.

Những vị khách mới đến HNX lần đầu, ít ai có thể tưởng tượng được, nơi đây, tiền thân là một căn biệt thự cũ rích, nơi những nhân sự làm việc tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (tên khai sinh của HNX) chắc chắn không thể nào quên cảm giác phải bước thật nhẹ, thật kẽ mỗi khi đi cầu thang, hay lên tầng 2 vào phòng họp.

Rồi nữa, những mẩu chuyện về “vấn nạn” chuột cắn nát giây điện, nát giấy tờ, hay cái cảnh cả dàn lãnh đạo HNX đã canh chừng bao tải cát, sẵn sàng “đắp đê”, ứng cứu hệ thống giao dịch đặt tại tầng 1 trong một trận mưa lớn lịch sử năm nào, đã đi vào ký ức không thể nào quên với những nhân sự nơi đây.

Từ một khu nhà cũ nát, HNX đã được cải tổ để trở thành một Sở GDCK đa năng, một vẻ đẹp hiện đại của Hà Nội.

Là nơi tổ chức vận hành thị trường liên quan đến tài sản của hàng triệu nhà đầu tư, công tác bảo vệ tại Sở cũng giống như tất cả các Sở GDCK trên thế giới, cũng được thực hiện rất nghiêm ngặt. Trong cái sự nghiêm ngặt chung đó, HNX vẫn có một điểm khác.

Nếu có dịp ghé thăm một số Sở GDCK như Nhật Bản, Singapore hay Thái Lan, việc đầu tiên du khách phải làm là check in qua cổng kiểm tra an ninh, được dựng lên ở ngay lối vào. Nhưng bước vào Sở GDCK Hà Nội, cảm nhận dễ thấy nơi đây là một không gian rộng rãi, thân thiện, ở phía xa là khu vực lễ tân nằm khiêm nhường bên cạnh khu vực kiểm tra an ninh, đặt gọn gàng dưới chân cầu thang máy của Sở.

HNX sẽ chính thức mở rộng cửa hơn nữa để đón nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến thăm, tìm hiểu về TTCK Việt Nam, khi kể từ ngày 24/6/2014, ngày kỷ niệm 5 năm hoạt động theo mô hình Sở GDCK, HNX khai trương Góc nhà đầu tư tại khu vực sảnh tầng 1 của mình.

“Muốn TTCK phát triển bền vững, phổ cập kiến thức và giáo dục nhà đầu tư là điểm then chốt và vì thế, chúng tôi đã muốn tạo ra một không gian dành riêng cho nhà đầu tư từ mấy năm nay”, Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng chia sẻ. Vậy tại sao bây giờ, gần 9 năm hoạt động, HNX mới làm được? Câu hỏi của nhà báo đã chạm vào quá khứ của HNX, nhắc lại rằng, 4 năm đầu HNX hoạt động trong khu nhà cũ rích, không gian quá chật hẹp, 3 năm sau đó thì ở thuê và mới chuyển về nhà được vài năm nay.

“Nếu mở Góc nhà đầu tư sớm hơn chắc chắn sẽ tốt hơn, nhưng lúc này, chúng tôi mở ra không gian để phục vụ cho nhà đầu tư cũng là rất cần thiết, vì thị trường sau giai đoạn phát triển các sản phẩm cơ bản, sắp bước vào thời kỳ phát triển các sản phẩm phức tạp hơn. Nhà đầu tư rất cần trang bị kiến thức và chúng tôi sẵn sàng phục vụ nhu cầu đó”, người đứng đầu HNX khẳng định. Hàng loạt dự định được HNX lên kế hoạch để phục vụ nhà đầu tư, như tổ chức hội thảo, tọa đàm với chuyên gia, tổ chức các buổi tập huấn kiến thức, hỗ trợ thông tin, kỹ năng giao dịch... với hy vọng, nhà đầu tư sẽ đến với TTCK nhiều hơn, vững tin hơn vào tương lai thị trường.

Bản lĩnh HNX

"Mức độ minh bạc của DN Việt Nam còn yếu và vì thế, UPCoM cần được quan tâm phát triển mạnh mẽ, chứ không phải là bỏ nó" - ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HNX 

Một Sở quản lý đồng thời 3 thị trường, HNX dường như được nhắc đến nhiều nhất do những nỗ lực để đi đến thành công không thể phủ nhận khi vận hành thị trường trái phiếu chuyên biệt. Bắt đầu từ việc Chính phủ giao tập trung đấu thầu TPCP về một đầu mối (Quyết định 2276/2006/QĐ-BTC), HNX đã nghiên cứu để cho ra thị trường thứ cấp TPCP, tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh về thị trường TPCP Việt Nam, nơi vừa hỗ trợ Ngân sách Nhà nước huy động vốn cho đầu tư phát triển, vừa tạo sân cho các thành viên giao dịch, mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh con số 586.000 tỷ đồng Ngân sách Nhà nước huy động được qua hệ thống đấu thầu tại HNX, với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng từ 1-2%, thành quả nổi bật của thị trường TPCP tại HNX còn ở việc tạo nên sự kết nối giữa các cơ quan chức năng, chính thức đưa tín phiếu kho bạc Nhà nước lên niêm yết vào tháng 8/2012. Công tác hoán đổi trái phiếu cũng liên tục được Sở phối hợp với các tổ chức phát hành thực hiện, nhằm tạo ra hàng hóa trái phiếu có khối lượng niêm yết lớn hơn, kỳ hạn dài hơn, tạo thuận lợi cho các thành viên giao dịch. Đường cong lợi suất chuẩn TPCP đã chính thức được HNX đưa vào vận hành hơn 1 năm nay, tạo ra một chỉ báo quan trọng để phục vụ công tác quản lý, điều hành vĩ mô và giúp các tổ chức, thành viên giao dịch quản trị tốt hơn danh mục của mình.

Thị trường tiếp theo ghi dấu ấn tại HNX là thị trường niêm yết. Với tâm thế là thị trường phục vụ cho các DN vừa và nhỏ, HNX đã có nhiều nỗ lực thu hút các DN đại chúng lên sàn. Từ 6 DN ban đầu, đến nay, HNX có trên 364 DN niêm yết, với thanh khoản dao động từ 40 - 80 triệu cổ phiếu/phiên, giai đoạn thị trường sôi động, con số này lên tới hơn 100 triệu cổ phiếu/phiên. Trong vòng 5 năm qua, thị trường niêm yết tại HNX cũng đã giúp các DN huy động gần 45.000 tỷ đồng từ việc phát hành thêm cổ phiếu để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhưng thị trường thứ ba, UPCoM lại là một câu chuyện đầy trăn trở. “Dường như HNX đã thất bại khi vận hành thị trường UPCoM, một thị trường mà thanh khoản gần như chết, mỗi phiên chỉ một vài tỷ đồng được chuyển nhượng?”, ĐTCK đặt câu hỏi với Chủ tịch HNX và hỏi tiếp “Nếu được làm lại, ông có quyết định thành lập sàn UPCoM không?”?

“Đúng, UPCoM chưa phát triển hoàn toàn so với dự định ban đầu của chúng tôi, nhưng đó không phải là sự thất bại”, ông Trần Văn Dũng nói. Chủ tịch HNX khẳng định, nếu thời gian quay trở lại 5 năm về trước, ông vẫn quyết định xin phép UBCK, Bộ Tài chính ra đời và vận hành sàn UPCoM, dù thực tế UPCoM có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và cả lợi ích của Sở.

Tại sao vậy?

UPCoM ra đời đúng ngày thành lập Sở (24/6/2009), thời điểm thị trường cổ phiếu tự do rất nóng bỏng, giao dịch không được kiểm soát, phát sinh rất nhiều rủi ro cho các chủ thể tham gia. Khi có sàn UPCoM, quy định pháp lý dần buộc mọi giao dịch chứng khoán phải được thực hiện trên sàn tập trung, tạo nên một sự thay đổi căn bản trong thói quen của nhà đầu tư, của DN, của các tổ chức tài chính, hướng họ vào một thị trường được quản lý. Điểm nóng OTC đã từ từ nguội lại khi UPCoM hiện diện trên TTCK. Những DN có cổ phiếu từng được giao dịch nhiều trên thị trường phi chính thức, đã ý thức hơn với việc niêm yết, đưa cổ phiếu lên sàn để phát triển lành mạnh hơn.

UPCoM ra đời còn với ý nghĩa là thị trường tập dượt cho các DN trước khi lên sàn niêm yết, cũng là cách như mô hình của một thị trường phụ mà nhiều nước trên thế giới đang vận hành. Tại Việt Nam, thực tế, đã có 17  DN, sau thời gian “ở tạm” UPCoM đã lên sàn một cách vững vàng. Cùng với đó, UPCoM đón lại những cổ phiếu không đủ tiêu chuẩn niêm yết, để cổ đông, nhà đầu tư có một nơi giao dịch an toàn, lành mạnh.

5 năm của UPCoM, thành quả của UPCoM chưa có gì nổi bật trong bối cảnh pháp luật tại Việt Nam còn nhiều kẽ hở để DN lợi dụng, tránh nghĩa vụ công bố thông tin và lên sàn. Nhưng tương lai của UPCoM sẽ rất khác trong một vài năm tới, khi các văn bản pháp lý, đặc biệt là Nghị định 108/2013/NĐ-CP đã quy định rõ, nghĩa vụ lên sàn của những DN huy động vốn từ công chúng. “Khác với sàn niêm yết, sàn UPCoM không có tiêu chuẩn mà tiêu chuẩn của UPCoM chính là tiêu chuẩn của DN đại chúng”, ông Dũng nói. “Muốn nền kinh tế minh bạch, các DN đại chúng phải minh bạch trước và UPCoM là nơi để đốc thúc sự minh bạch này. Hiện UPCoM mới có 147 DN đưa cổ phiếu vào giao dịch trong số hàng ngàn DN đại chúng. Mức độ minh bạch của DN Việt Nam còn rất yếu và vì thế UPCoM cần được quan tâm phát triển mạnh mẽ, chứ không phải là phá bỏ nó”, Chủ tịch HNX khẳng định.

Minh bạch không đơn giản là tuân thủ quy chuẩn về thời hạn công bố thông tin, minh bạch cần bắt đầu từ ý thức người lãnh đạo DN, từ sự hiểu biết và sẵn sàng lên tiếng của nhà đầu tư, cổ đông công ty và từ chế tài của nhà quản lý. Chọn sự minh bạch, công khai, công bằng là các giá trị cốt lõi, HNX từng bước tác động đến ý thức của DN, của nhà phát hành, của nhà đầu tư, từng bước hỗ trợ công tác quản trị công ty theo thông lệ tốt trên thế giới, để góp sức vạch một con đường, hướng các DN và nền kinh tế đến sự phát triển lành mạnh, hiệu quả.

Không phải ngẫu nhiên, lãnh đạo HNX chọn trang phục cho nhân sự là chiếc áo ghile mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Tâm thế “người phục vụ” được rèn giũa trong ý thức của từng nhân sự HNX và đó là một nét đẹp riêng có cần được nhân lên trong quá trình hợp nhất Sở GDCK đang đến rất gần.   

Tin bài liên quan