Năm 2015, HDBank đặt chỉ tiêu: tổng tài sản 120.882
 tỷ đồng, tăng 21,5%; lợi nhuận trước thuế 830 tỷ đồng

Năm 2015, HDBank đặt chỉ tiêu: tổng tài sản 120.882 tỷ đồng, tăng 21,5%; lợi nhuận trước thuế 830 tỷ đồng

Tái cơ cấu thành công, HDBank xác lập vị thế vượt thị trường

(ĐTCK) Là ngân hàng tiên phong thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành ngân hàng, năm 2013, HDBank đã sáp nhập thành công DaiABank và mua lại Công ty Tài chính SGVF. Sau 2 năm thực hiện sáp nhập và đẩy mạnh tái cơ cấu, HDBank đã ghi dấu ấn khi đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2014, với lợi nhuận trước thuế trên 700 tỷ đồng, nợ xấu kiểm soát ở mức thấp. Thương hiệu HDBank ngày càng lớn mạnh, là một trong những NHTMCP quy mô lớn tại Việt Nam.

Xác lập vị thế vượt thị trường

Trong số 14 NHTCMP có hội sở tại TP. HCM, HDBank hiện nằm trong Top đầu các ngân hàng có quy mô lớn về chất lượng hoạt động, có lợi nhuận tốt so với toàn hệ thống trong năm 2014. Đây là điểm son của một ngân hàng tiên phong tái cấu trúc và hội nhập, cũng là điểm để các cổ đông hài lòng về kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng trong kỳ ĐHCĐ thường niên 2014 diễn ra ngày 18/4 vừa qua.

ĐHCĐ năm 2014 của HDBank diễn ra vào đúng thời điểm HDBank tròn 25 năm thành lập. Là NHTMCP lâu đời nhất tại Việt Nam, HDBank tiên phong thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành ngân hàng, tiên phong hội nhập. Với nỗ lực tái cấu trúc, năm 2014, HDBank đã xác lập vị thế “vượt” thị trường.

Tại ĐHCĐ, ông Nguyễn Hữu Đặng, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc HDBank đã báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2014 và kế hoạch kinh doanh năm 2015. Theo đó, trong năm 2014, Ngân hàng đạt trên 700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (trong đó lợi nhuận của riêng HDBank là 525 tỷ đồng, HDFinance là 175 tỷ đồng, Công ty AMC là 0,3 tỷ đồng). Hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 6,85%. Hệ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 0,6%. Tổng tài sản đạt 99.525 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 8.100 tỷ đồng. Tổng vốn huy động đạt 88.682 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2013. Dư nợ tín dụng đạt 54.146 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,4% (trong đó, HDBank là 1,27%, HDFinance là 4,83%). Tỷ lệ an toàn vốn đạt 10,7%.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM nhận xét, kết quả trên là một trong những nét nổi bật của HDBank trong năm 2014.

“Bằng kết quả kinh doanh và các chỉ tiêu tài chính của mình, HDBank đã kết thúc năm 2014 với nhiều bứt phá. Nếu xét về tăng trưởng, HDBank đã vươn lên đứng thứ 5/14 NHTMCP có hội sở tại TP. HCM. Đáng chú ý, trong số các ngân hàng có hội sở tại TP. HCM, HDBank là 1 trong 5 ngân hàng có chỉ số hoạt động tốt nhất và xếp thứ 3/14 các ngân hàng chia cổ tức cao nhất”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, theo Cục trưởng, một số điểm nổi bật khác của HDBank so với thị trường là: thực thi tốt đề án tái cấu trúc; các kết quả hoạt động khẳng định HDBank đang trong lộ trình phát huy hiệu quả từ tái cấu trúc và sáp nhập các định chế tài chính. Cùng với đó, năng lực quản trị, điều hành của HDBank đã được nâng cao, tạo nền tảng cho một giai đoạn phát triển mới sau 25 năm có mặt trên thị trường.

Các cổ đông kỳ vọng HDBank tiếp tục phát huy sức mạnh hợp tác cùng các đối tác hiệu quả 

Sức mạnh đồng thuận

Tại ĐHCĐ, nhiều cổ đông HDBank cho biết, họ quan tâm đến chỉ tiêu lợi nhuận và kế hoạch chia cổ tức. Bên cạnh việc đồng thuận chia cổ tức với tỷ lệ 5%, cũng như đồng thuận các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2015, các cổ đông bày tỏ mong muốn được nhận cổ tức bằng tiền mặt và được Chủ tọa ghi nhận vào biên bản đại hội.

HĐQT HDBank ghi nhận ý kiến của tất cả các cổ đông. Trong số các nội dung HĐQT trình đại hội thông qua, chiến lược tái cấu trúc của HDBank với các biện pháp hội nhập thị trường quốc tế, tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược nước ngoài hiện tại của Ngân hàng là Credit Saison và Hyakugo Bank được đông đảo cổ đông quan tâm.

Một cổ đông cá nhân đặt câu hỏi: “HĐQT đã xây dựng các tiêu chí nào để lựa chọn đối tác chiến lược? Đã tiếp xúc với những đối tác nào? Họ đánh giá như thế nào về HDBank?”.

Một cổ đông đại diện cổ đông tổ chức đặt vấn đề: “Thời gian qua, HDBank đã tái cấu trúc mạnh mẽ theo định hướng tăng trưởng nhanh và an toàn. Làm thế nào để Ngân hàng tiếp tục phát huy sức mạnh hợp tác cùng các đối tác hiệu quả?”.

Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, đã có không ít nhà đầu tư đến từ Đông Âu, châu Á, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản đặt vấn đề mong muốn hợp tác với HDBank. Nhưng việc tìm kiếm đối tác phải phù hợp với mục tiêu của cả hai bên. Trong quá trình đó, những đối tác quan tâm đến HDBank đã có những đánh giá tích cực về Ngân hàng, đồng thời chứng minh sẽ có những đóng góp cụ thể cho Ngân hàng.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT HDBank, các tổ chức đặt vấn đề hợp tác với HDBank đều là những định chế tài chính lớn, nhìn thấy sức bật và khả năng đón nhận các cơ hội kinh doanh, cơ hội phát triển trong thị trường bán lẻ, tài chính tiêu dùng, cũng như khả năng đổi mới, tăng trưởng của Ngân hàng.

“Mục tiêu hội nhập đã được HDBank đặt ra, chuẩn bị sẵn sàng xuyên suốt nhiều năm qua. Với niềm tin của các cổ đông, nền tảng vững vàng của một NHTMCP có lịch sử lâu đời nhất, cộng với sức mạnh tập thể của hơn 6.200 cán bộ, nhân viên và sức mạnh nội lực, HDBank sẽ tiếp tục tinh thần hội nhập, hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015, đảm bảo phát triển ổn định, an toàn và hiệu quả”, Phó chủ tịch Thường trực HDBank nói.

Năm 2015, HDBank xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên các thế mạnh hiện có. Ngân hàng đề ra các chỉ tiêu: tổng tài sản đạt 120.882 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2014; huy động dân cư và tổ chức đạt 76.950 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2014; dư nợ tín dụng tăng 11% so với năm 2014; lợi nhuận trước thuế đạt 830 tỷ đồng; nợ xấu dưới 3%; ROA 0,6%; ROE 8%.

Trong năm 2015, HDBank sẽ đẩy mạnh các chương trình hành động: tín dụng gắn với hiệu quả, vận hành an toàn, chất lượng dịch vụ, kiểm soát chi phí.           

Tin bài liên quan