Hệ thống máy cán la tại Nhà máy Coil Center - Thép SMC Phú Mỹ - Bà Rịa Vũng Tàu

Hệ thống máy cán la tại Nhà máy Coil Center - Thép SMC Phú Mỹ - Bà Rịa Vũng Tàu

SMC lên kế hoạch lợi nhuận tăng 49% so với năm 2014

(ĐTCK) Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2014, CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) vẫn nỗ lực đạt kết quả kinh doanh khả quan với tổng doanh thu 10.910 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 33,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 29% so với năm 2013.

Năm 2015, SMC tiếp tục đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ hướng tới 1 triệu tấn/năm, lợi nhuận 50 tỷ đồng, tăng mạnh 49% so với thực hiện năm 2014, đồng thời có những bước chuẩn bị vững vàng cho tiến trình hội nhập kinh tế.

Vượt qua khó khăn, hoạt động hiệu quả

Năm 2014 được đánh giá là năm phát sinh nhiều vấn đề có tác động tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp ngành thép, trong đó có SMC.

Điển hình có thể kể đến là việc siết chặt vận tải, buộc các phương tiện phải giảm tải đến 2/3 trọng lượng, dẫn đến tình trạng thiếu phương tiện chuyên chở, chi phí vận tải tăng gấp đôi, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều này được phản ánh ngay trong kết quả kinh doanh quý II/2014 của SMC. Cụ thể, Công ty đạt doanh thu 3.077 tỷ đồng, tăng hơn 25%, lãi ròng đạt 8,3 tỷ đồng so với số lỗ 26 tỷ đồng trong quý II/2013. 

Theo giải trình của SMC, sản lượng thép bán ra tăng gần 30% đã giúp doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận biên được cải thiện do giá bán thị trường ổn định hơn.

Tuy nhiên, chi phí vận chuyển tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng SMC không thể điều chỉnh tăng giá bán, do đó, lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm của Công ty không tăng tương ứng với tốc độ tăng của doanh thu.

Ngoài ra, sự kiện Trung Quốc đặt dàn khoan HD981 và đỉnh điểm là một số vụ gây rối tại các khu công nghiệp trên cả nước, cũng ảnh hưởng đến nhiều công trình, nhà xưởng có quan hệ kinh tế với SMC. Hậu quả nặng nhất xảy ra tại Dự án Formosa Hà Tĩnh và Formosa Nhơn Trạch, khiến hàng hóa của SMC bị ứ đọng, thậm chí, nhiều đơn hàng phải nhập lại kho khi khách hàng từ chối tiếp nhận đơn hàng, ước tính thiệt hại tối thiểu 500 triệu đồng do các sự cố này gây ra.
Nhờ tận dụng hệ thống phân phối sâu rộng, thương hiệu uy tín và liên tục phát triển thêm các mặt hàng mới trong năm 2014 đã giúp SMC đạt được mức tổng sản lượng tiêu thụ hơn 867 nghìn tấn, tăng 21% so với năm 2013, vượt mục tiêu 5 năm (2011 - 2015) 800.000 tấn. Kết quả, tổng doanh thu bán hàng đạt 10.910 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 33,5 tỷ đồng dù chỉ bằng 67% kế hoạch năm nhưng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt thì kết quả của SMC rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, doanh thu từ thương mại (thép xây dựng và thép tấm) của SMC hiện vẫn chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng doanh thu Công ty. Vì vậy, hiệu quả hoạt động của SMC sẽ phụ thuộc nhiều vào sự biến động của giá thép thế giới và phụ thuộc lớn vào hoạt động dự báo xu hướng giá thép của chính công ty. 

Theo SMC, giá thép liên tục giảm, lạm phát thấp, lãi suất tín dụng giảm nhưng sức mua của thị trường vẫn yếu, giá bán thấp, không tạo ra cơ hội nào để SMC có thể tích lũy, bù đắp hiệu quả.  
Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ thép dẹt (tấm, lá, mạ) của SMC vươn lên chiếm tỷ trọng cao (38,7%), đạt 335.360 tấn thép các loại. Con số này phần nào ghi nhận thành công của SMC khi tham gia vào lĩnh vực gia công chế biến thay vì thuần túy thương mại như trước. Điểm lợi thế của SMC đối với mảng gia công thép tấm là trang thiết bị nhà máy hiện đại, mặt bằng rộng lớn và nền tảng khách hàng ổn định. Hơn nữa, SMC là một trong số ít công ty có thể gia công thép tấm dày. 

Hiện SMC có 7 công ty thành viên và 1 công ty liên doanh với Sumitomo (Nhật Bản), trong đó có 4 nhà máy gia công thép tấm (coil center) gồm 2 nhà máy chế biến thép cán nóng và 2 nhà máy chế biến thép cán nguội, công suất lên đến 300.000 tấn/năm. Cuối năm 2014, SMC đã trang bị thêm 1 hệ thống xả băng cán nguội, nâng tổng số thành 10 hệ thống cắt, xả thép các loại.

SMC đã tham gia vào lĩnh vực gia công chế biến thay vì thuần túy thương mại như trước 

2015: Năm bản lề tiến tới hội nhập

Bước sang năm 2015, dự báo ngành thép Việt Nam tiếp tục tăng trưởng từ 4 - 5% so với năm 2014, tuy nhiên, mức tăng chủ yếu do đẩy mạnh xuất khẩu từ các mặt hàng như tôn mạ màu, mạ kẽm, thép ống các loại… Đặc biệt, năm 2015 - 2016 được xem là năm giao thoa của các hiệp định thương mại song phương, đa phương, cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành. Khi đó, các doanh nghiệp trong nước chắc chắn sẽ gặp sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nga, Belarus… Do đó, để có thể giữ vững thị phần, các doanh nghiệp nội phải có sự chuẩn bị kỹ càng, tập trung hoạt động sản xuất cốt lõi, đầu tư công nghệ hiện đại, tăng sức cạnh tranh. 

Bản thân SMC cũng đã tự hoạch định chiến lược và tìm “lối ra” đối với từng mảng hoạt động dựa trên những thế mạnh sẵn có. Theo đó, SMC kiên định với chiến lược tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là kinh doanh và chế biến các loại sắt thép, với chủ trương thận trọng với những chuyển biến mới.

Cụ thể, trong năm 2015, SMC lên kế hoạch doanh thu đạt 10.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, tăng 49% so với thực hiện năm 2014. Đồng thời SMC hướng đến mục tiêu sản lượng tiêu thụ 1 triệu tấn thép/năm nhưng không có nghĩa SMC tập trung chạy theo số lượng, mà yếu tố chất lượng luôn được Công ty chú trọng để có thể phát triển bền vững. SMC sẽ nâng dần tỷ lệ thép dẹt trong tổng sản lượng tiêu thụ vượt mức 40% (hơn 340.000 tấn), đảm bảo sử dụng hiệu quả công suất máy móc thiết bị, từng bước mở rộng và nâng cao giá trị các sản phẩm thép sau gia công chế biến.

Đối với mảng thép xây dựng, SMC đánh giá sẽ gặp nhiều khó khăn khi có nhiều dự án nhà máy thép ra đời dẫn đến cạnh tranh gay gắt về giá chào bán, làm giảm biên lợi nhuận. Vì vậy, SMC không đặt nặng vấn đề tăng trưởng tiêu thụ mà xác định đối tượng khách hàng chủ yếu là các dự án FDI và các dự án có nguồn vốn an toàn. 
Trong hoạt động xuất nhập khẩu, SMC ưu tiên công tác nhập khẩu, đảm bảo có giá cả hợp lý và đảm bảo phục vụ nhu cầu gia công chế biến và kinh doanh cho toàn hệ thống. Đối với thị trường xuất khẩu, tập trung vào các mặt hàng có hiệu quả cao và là lợi thế của SMC, đồng thời đẩy mạnh mở rộng thị trường và tìm kiếm thêm khách hàng mới, tránh phụ thuộc vào một số khách hàng. 
Ngoài ra, năm 2015, SMC cũng sẽ tập trung cho việc đầu tư nhà máy ống thép hàn, phấn đấu đạt sản lượng tiêu thụ hơn 20.000 tấn. Đây là nhà máy liên doanh với Hanwa Corp (Nhật Bản), với vốn góp chủ yếu đến từ SMC.

Phấn đấu trong 2 đến 3 năm tới, SMC sẽ lọt vào nhóm doanh nghiệp có sản lượng ống thép lớn tại Việt Nam, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập. Trong quý III/2014, SMC đã ký kết hợp đồng với Công ty Sản xuất lưới thép hàn Toami (Toami - công ty sản xuất các loại lưới thép hàn hàng đầu Nhật Bản) và Công ty TNHH Hanwa để thành lập Công ty TNHH SMC Toami, chuyên sản xuất sản phẩm lưới thép hàn, nhằm đón đầu cơ hội từ nguồn cầu đang gia tăng tại Việt Nam , trong khi nguồn cung sản phẩm lưới thép hàn chưa đáp ứng được nhu cầu. 
Với tiềm lực sẵn có, cùng với những bước chuẩn bị vững vàng để đón đầu xu hướng khi Việt Nam hội nhập, cổ đông hoàn toàn có cơ sở đặt kỳ vọng về tiềm năng tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận của SMC trong tương lai.

Tin bài liên quan