Việc MDB chính thức “về chung 1 nhà” với Maritime Bank được xem là động thái tích cực đối với ngành ngân hàng

Việc MDB chính thức “về chung 1 nhà” với Maritime Bank được xem là động thái tích cực đối với ngành ngân hàng

Sáp nhập - điểm nhấn của ngành ngân hàng 2015

(ĐTCK) Ngành ngân hàng đang bước vào giai đoạn 2 của Đề án tái cơ cấu theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều hành động quyết liệt và khẩn trương. 

Cùng với việc tiến tới hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu xuống còn 3%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định, 2015 sẽ là một năm “sôi động” của các ngân hàng trong công cuộc tái cơ cấu hệ thống quản lý với khoảng 6 - 8 thương vụ sáp nhập sẽ được thông qua.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, có thể nói, tái cơ cấu được coi là giải pháp tối ưu góp phần từng bước tạo ra một hệ thống ngân hàng tinh gọn và vững mạnh, đồng thời nâng cao năng lực điều hành và quản trị rủi ro để mỗi thành viên đều có sức cạnh tranh thực sự và phát triển bền vững.

Nếu như giai đoạn 1 (2011 - 2014) của đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng được NHNN nhấn mạnh sẽ tập trung vào xử lý các ngân hàng thuộc dạng yếu kém, nhằm loại bỏ những “mắt xích” có nguy cơ đổ vỡ, thì năm 2015 lại ghi nhận nhiều yếu tố mới trong xu hướng sáp nhập (M&A).

Điểm nổi bật là sự tự nguyện giữa các bên và tín hiệu muốn tham gia M&A một cách chủ động hơn của các định chế tài chính lớn trong nước. Điều này khiến cho sáp nhập trở thành một trong những hoạt động nhận được sự quan tâm, kỳ vọng đặc biệt của cơ quan quản lý và các ngân hàng tại Việt Nam trong năm nay.

Cùng với việc xác định tái cơ cấu hệ thống là nhiệm vụ then chốt, đại diện NHNN khẳng định: “Năm 2015, NHNN sẽ tái cơ cấu toàn diện các ngân hàng, kể cả các ngân hàng đang hoạt động tốt. Qua đó, các ngân hàng hoạt động chưa tốt sẽ trở nên tốt và các ngân hàng tốt sẽ tốt hơn”.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 2 cặp ngân hàng chính thức tiến hành sáp nhập trong năm nay: BIDV - MHB, Mekong Bank - Maritime Bank… Với sự tham gia của các ngân hàng lớn, mùa M&A năm nay được giới chuyên gia dự báo sẽ mang lại nhiều kết quả khả quan so với giai đoạn trước.

Sau thương vụ sáp nhập mở màn của cặp đôi ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh BIDV và MHB, hoàn tất ngày 25/5 vừa qua, được ví như “hổ mọc thêm cánh”, mới đây, việc MDB chính thức “về chung 1 nhà” với Maritime Bank vào ngày 12/8 cũng được xem là động thái tích cực đối với ngành ngân hàng.

Lý giải về lý do lựa chọn MDB để sáp nhập, đại diện Maritime Bank cho biết, sự kết hợp giữa Maritime Bank và MDB sẽ là sự cộng hưởng đem lại nhiều triển vọng dựa trên nhiều yếu tố.

Thứ nhất, đây là sự hợp nhất xuất phát trên tinh thần tự nguyện của cả 2 bên, sự am hiểu và tương đồng về văn hóa, chiến lược phát triển sau một thời gian dài hợp tác và tương trợ lẫn nhau với tư cách cổ đông.

Thứ hai, sự gia tăng đáng kể về mặt quy mô để tạo ra một ngân hàng sau sáp nhập có tiềm lực tài chính vững mạnh là điều dễ dàng nhận thấy. Cụ thể, sau sáp nhập, Maritime Bank sẽ trở thành một trong những định chế tài chính hàng đầu Việt Nam với vốn điều lệ thuộc Top 5 và mạng lưới giao dịch thuộc Top 3 trong khối ngân hàng TMCP.

Thứ ba, sự kết hợp này sẽ giúp 2 ngân hàng tận dụng được tối đa lợi thế của mỗi bên để phát triển toàn diện. Bởi lẽ, tuy tổng tài sản nhỏ, song MDB hoạt động khá ổn định và có những lợi thế mà Maritime Bank hiện đang thiếu: MDB phát triển mạng lưới chủ yếu ở khu vực phía Nam và có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư phát triển tín dụng nông nghiệp - nông thôn.

“Với chiến lược thâm nhập, đẩy mạnh phát triển dịch vụ bán lẻ và phát triển mạng lưới tại khu vực phía Nam của Maritime Bank, MDB thực sự là một ‘miếng ghép hoàn hảo nhất”, đại diện Maritime Bank cho biết. 

Với việc sáp nhập này, Maritime Bank và MDB là 2 ngân hàng TMCP đầu tiên tiến hành sáp nhập trong năm 2015. Sau đó, những cái tên như SouthernBank - Sacombank, Saigonbank -Vietcombank, ViettinBank - PGBank cũng đang lên kế hoạch sáp nhập cụ thể. Ngoài ra, một số “cặp” khác đang đàm phán để chính thức đề xuất lên NHNN chấp thuận.

Quý III/2015 được dự báo sẽ tiếp tục đón nhận sự sáp nhập dồn dập của nhiều ngân hàng. Để quá trình hợp nhất được diễn ra thuận lợi và suôn sẻ, đại diện NHNN nhấn mạnh, bên cạnh tiêu chí tự nguyện, các ngân hàng cũng cần có sự chủ động, tích cực và nỗ lực đẩy mạnh sáp nhập nhằm giảm thiểu tối đa những rủi ro phát sinh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và các quyền, lợi ích, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Tin bài liên quan