Mặc dù phải đối mặt không ít khó khăn trong thời kỳ hậu M&A, song với thế mạnh vốn có, Sacombank vẫn đứng vững trên thị trường

Mặc dù phải đối mặt không ít khó khăn trong thời kỳ hậu M&A, song với thế mạnh vốn có, Sacombank vẫn đứng vững trên thị trường

Sacombank: Vị thế và chất lượng trước đây vẫn còn!

(ĐTCK) Thành công của Sacombank (STB) được khẳng định bằng sự tín nhiệm của khách hàng, cổ đông, các đối tác, cộng đồng quốc tế… Với nội lực vững chắc, ưu thế mạng lưới phủ khắp, Sacombank đã đẩy mạnh địa phương hóa chiến lược bán lẻ, tăng nguồn thu từ dịch vụ, đóng góp tích cực vào lợi nhuận.

Vì vậy, trước những khó khăn trong thời kỳ hậu sáp nhập SouthernBank, STB vẫn thuộc nhóm 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất tại Việt Nam về quy mô vốn, mạng lưới cũng như nguồn nhân lực.

Nền tảng vững chắc

Từ mức vốn điều lệ ngày đầu thành lập (21/12/1991) chỉ 3 tỷ đồng và 100 cán bộ nhân viên, 25 năm sau, tổng tài sản đã tăng hơn 3.000 lần và vốn điều lệ tăng hơn 6.000 lần. Tính đến ngày cuối năm 2016, tổng tài sản của Sacombank đạt 333.000 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu thời điểm đầu năm qua. Vốn điều lệ là 18.852 tỷ đồng, nguồn nhân lực gần 16.000 cán bộ nhân viên, mạng lưới hoạt động 564 điểm giao dịch tại 48/63 tỉnh thành Việt Nam và 2 nước láng giềng Lào, Campuchia.

Sacombank đang dần kiện toàn trên toàn hệ thống bằng việc sắp xếp, tái bố trí các điểm giao dịch cho phù hợp theo lộ trình đề án tái cấu trúc mạng lưới đã trình Ngân hàng Nhà nước. Năm qua, Ngân hàng đã thực hiện di dời, chuyển địa điểm, đổi tên, chuyển quyền quản lý 95 điểm giao dịch sang địa bàn thích hợp, thuận tiện trong công tác kinh doanh, quản lý rủi ro. Đồng thời, tái cơ cấu nhân sự theo hướng tăng nhân sự kinh doanh, đánh giá hiệu quả và năng lực làm việc của nhân viên với những mục tiêu và KPIs rõ ràng, điều chỉnh chính sách lương - thưởng hợp lý, chế độ đào tạo bài bản, đảm bảo nâng cao năng suất lao động. Nhờ vậy, bình quân huy động/nhân viên tăng 8% so với năm trước; cho vay/nhân viên tăng 3,5%; dịch vụ/nhân viên tăng 16,4%.

Trong bối cảnh mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường, với thương hiệu, uy tín vững mạnh, Sacombank đã triển khai nhiều giải pháp huy động, cơ cấu nguồn vốn theo hướng tích cực, tiếp tục duy trì sự ổn định, tăng trưởng bền vững nguồn vốn.

Theo đó, chủ lực vẫn là nguồn vốn từ thị trường 1 với kết quả tích cực, đạt 289.457 tỷ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm 2016. Riêng VND tăng 13,8%. Huy động từ khách hàng doanh nghiệp tăng 15,4%, nguồn vốn khách hàng cá nhân tăng 11%. Cơ cấu nguồn vốn chuyển dịch theo hướng tích cực khi tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên vẫn chiếm tỷ trọng cao (30,7%) và tăng trưởng 13,9%, thể hiện xu thế bền vững của nguồn vốn. Đồng thời, tiền gửi lãi suất thấp (không kỳ hạn) cũng được quan tâm đẩy mạnh (tăng 15,9%), nhằm cải thiện margin.

Tăng trưởng tín dụng luôn đi đôi với kiểm soát chất lượng, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực giúp Sacombank luôn đảm bảo tốc độ tăng trưởng cho vay phù hợp với khả năng huy động; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi duy trì ở mức 65,3%. Tính đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay khách hàng Sacombank đạt 193.098 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm qua. Sacombank tập trung vào khu vực kinh doanh bán lẻ, hộ gia đình, các lĩnh vực ưu tiên theo hướng của Ngân hàng Nhà nước, giảm cho vay những ngành nghề rủi ro, giảm tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản (-1,9%); cho vay chứng khoán giảm (-0,2%), nhằm ngăn chặn rủi ro nợ xấu phát sinh trong cho vay.

Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu sau sáp nhận, Sacombank đã rà soát lại toàn diện danh mục tín dụng để đánh giá đúng mức độ rủi ro và tổn thất. Do đó, những khoản nợ xấu tồn đọng trước sáp nhập ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng (5,37%). Tuy nhiên, trong năm qua, Sacombank đã đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, nhằm lành mạnh hóa chất lượng tài sản và gia tăng thu nhập thông qua công tác thu hồi nợ, xử lý các tài sản đảm bảo thích hợp như nhận cấn trừ tài sản, hỗ trợ khách hàng hoàn tất thủ tục và thanh lý tài sản; khởi kiện, thực hiện phát mãi… nhằm thu hồi vốn. Kết quả, năm 2016, Sacombank tự xử lý được hơn 1.990 tỷ đồng nợ xấu (không bao gồm bán nợ cho VAMC), tích cực thu hồi thêm hơn 516 tỷ đồng nợ đã bán cho VAMC.

2016 là năm đầu tiên của quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank phải tập trung xử lý một số vấn đề tồn đọng trước đây của SouthernBank, cộng với margin lãi suất ngày càng thu hẹp. Dẫn đến, nguồn thu từ lãi bị sụt giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Trước tình hình đó, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là xử lý, thu hồi nợ xấu, tài sản tồn đọng, Sacombank tích cực đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nên lợi nhuận trước thuế đạt mức dương trong bối cảnh hậu sáp nhập nhiều tác động rủi ro. Đồng thời, Ngân hàng đạt 297 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Lợi thế về bán lẻ

Hiện tại, Sacombank thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ; thực hiện cải tiến mô hình kinh doanh, lấy khách hàng làm trọng tâm. Trong năm qua, Ngân hàng tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng hóa nhiều sản phẩm, dịch vụ thông qua các kênh giao dịch hiện đại, được đầu tư mạnh mẽ như: Telesale, Internet Banking, Mobile Banking... Vì vậy, thu  từ dịch  vụ  của Sacombank năm qua đạt 1.442 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, ngày càng có tỷ trọng đóng góp cao trong hoạt động và lợi nhuận thu về của Ngân hàng (23% trên tổng thu nhập), tăng gần 9% tỷ trọng so với năm 2015.

Bên cạnh đó, thu dịch vụ bình quân 3 năm của Sacombank tăng trên 20%, hiện chiếm tỷ trọng trên 18% tổng thu nhập. Sacombank hiện đã hợp nhất Core, thống nhất hệ thống dữ liệu. Chính điều này đã tạo thuận lợi trong phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin vào sản phẩm dịch vụ và công tác thống kê, phân tích, đánh giá hiệu quả kinh doanh của toàn hệ thống trong tình hình mới. Để tiếp tục khẳng định được vị thế của mình với lợi thế về bán lẻ, Sacombank tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để hướng đến xây dựng ngân hàng số (digital banking). Ngân hàng luôn chú trọng đầu tư giải pháp mới, đảm bảo an ninh mạng và quá trình vận hành thông suốt trên các kênh giao dịch hiện đại nhằm cung cấp tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng.

Qua đó cho thấy, mặc dù phải đối mặt không ít khó khăn trong thời kỳ hậu M&A, song với thế mạnh vốn có, Sacombank vẫn đứng vững trên thị trường. Ngân hàng từng là anh cả của khối cổ phần một thời này thu hút sự chú ý của thị trường ngay từ đầu năm nay, với kế hoạch tái cơ cấu mà Ngân hàng Nhà nước đã nhắc tới trong cuộc họp đầu năm. Sự chuyển giao về trách nhiệm quản trị điều hành ở Sacombank trở nên rõ ràng hơn sau khi cha con ông Trầm Bê thôi quản trị, điều hành Ngân hàng từ tháng 2/2017.

Ngoài sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, những kỳ vọng về nhóm cổ đông mới, và cả người cũ là ông Đặng Văn Thành – người sáng lập Sacombank sẽ trở lại lèo lái con thuyền cũng làm nhà đầu tư phấn chấn hơn. Chính điều này đã tác động tích cực lên giá cổ phiếu STB, từ mức giá chỉ 8.700 đồng/cổ phiếu, STB nay đã tăng tới 50%, lên 13.150 đồng/cổ phiếu.

Thực tế, cổ phiếu STB giai đoạn 2015 - 2016 giao dịch rất kém tích cực do những khó khăn sau khi sáp nhập thêm SouthernBank. Nhưng hiện tượng cổ phiếu STB tăng giá gần đây cho thấy, nhà đầu tư đang kỳ vọng rất lớn về sự chuyển mình của ngân hàng này khi có sự trở lại của ông Đặng Văn Thành. So với các mã cổ phiếu “vua” khác, có thể mức tăng của cổ phiếu STB còn khiêm tốn, song theo đánh giá của các nhà phân tích tài chính, chứng khoán, sức bật cổ phiếu STB thời gian tới chưa hết khi Ngân hàng ổn định nhân sự, đẩy mạnh tái cấu trúc, xử lý các tồn đọng.

Bởi sau sáp nhập Southern Bank, thay đổi lớn nhất và có tính quyết định nhất đến thời điểm này tại Sacombank là Ngân hàng Nhà nước đã nhận uỷ quyền (qua VAMC) tỷ lệ sở hữu lớn của nhóm cổ đông với đại diện là ông Trầm Bê. Cơ quan quản lý này có điều kiện để giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động Sacombank và rủi ro tiềm ẩn. Là ngân hàng thương mại có quy mô tổng tài sản trên 333.000 tỷ đồng, Sacombank có vị trí ưu tiên hàng đầu trong các quyết sách, kế hoạch tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước hiện nay.

Phương án tái cơ cấu đã được chuẩn bị và sẽ dần định hình rõ hơn qua Đại hội đồng cổ đông ngày 28/4 tới. Lựa chọn chủ yếu của Sacombank hiện nay là hướng đến kiện toàn cơ cấu nhận sự quản lý, điều hành - cơ cấu đang chờ đợi một chỉnh thể thống nhất, minh bạch hơn nữa, với những người dẫn đầu có nghề và thực tâm vì lợi ích ngân hàng hơn là lợi ích và quyền lực cá nhân. Điểm thuận lợi là, dù nặng gánh nguy nan các vấn đề tài chính sau sáp nhập, song Sacombank với vị thế và chất lượng trước đây còn đó - là một ngân hàng bán lẻ hàng đầu của hệ thống, chiếm được niềm tin của người gửi tiền, của đối tác. Với kết quả đạt được trên, nhìn nhận một cách sâu sắc, chính các thách thức sẽ tạo cơ hội để Sacombank tiếp tục thay đổi, phát triển

Tin bài liên quan