Rút ngắn khoảng cách với người vay bằng công nghệ

Rút ngắn khoảng cách với người vay bằng công nghệ

(ĐTCK) Báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán Bản Việt cho thấy quy mô thị trường cho vay tín chấp tiêu dùng Việt Nam đã đạt gần 600.000 tỷ đồng tính đến hết năm 2016. Con số này được dự báo sẽ đạt quy mô 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019, hứa hẹn sẽ tiếp tục mang đến thêm dư địa phát triển cho các công ty tài chính. 

Thực tế, vay tín chấp chấp tiêu dùng cũng chính là một nhu cầu có thực và rất phổ biến tại Việt Nam.

Nhờ đặc điểm không yêu cầu người vay phải chứng minh thu nhập và hồ sơ thủ tục khá đơn giản, vay tín chấp có thể thoả mãn ngay lập tức nhu cầu vay vốn tiêu dùng của những người chưa đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng.

Thống kê của Viện Chiến lược Ngân hàng cho thấy, ước tính có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của 16 công ty tài chính có chức năng cho vay tín chấp tại Việt Nam.

Để nắm bắt cơ hội ngày càng rộng mở này, bên cạnh chiến lược mở rộng hệ thống phân phối dựa trên hệ thống đại lý bán hàng và thanh toán trung gian, các công ty tài chính còn tận dụng sức mạnh công nghệ để đẩy nhanh tốc độ xử lý thông tin cũng như khả năng tiếp cận khách hàng thông qua internet.

Rút ngắn khoảng cách với người vay bằng công nghệ ảnh 1

Tiêu biểu như trường hợp FE Credit và Home Credit, hai đơn vị có mức dư nợ cho vay tiêu dùng dẫn đầu trong nhóm công ty tài chính, vừa bắt tay với Công ty Công nghệ GoBear Việt Nam thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức của khách hàng về các sản phẩm vay tín chấp.

Nâng cao kiến thức tài chính của người tiêu dùng

Tại Việt Nam, một vấn đề mà người cần vay tín chấp gặp phải là họ vẫn mất nhiều thời gian tìm kiếm khoản vay từ các công ty tài chính khác nhau, với nhiều mức lãi suất và các điều kiện kèm theo.

Đối với những người chưa có nhiều kiến thức về tài chính, vốn chiếm đa số, việc này càng khó khăn bởi họ không hiểu rõ các thuật ngữ chuyên môn, vì thế rất khó chọn được khoản vay tín chấp phù hợp.

Một khảo sát trên quy mô toàn cầu vừa được Visa công bố cho thấy, khi tự đánh giá về kiến thức tài chính của bản thân, chỉ có 51% người Việt tham gia trả lời tự chấm bản thân ở mức đạt (6-10 điểm).

Điều này có nghĩa rằng vẫn còn rất nhiều người Việt chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức tài chính cơ bản, khiến họ e ngại việc phải tự tìm kiếm các sản phẩm bảo hiểm hoặc tài chính theo nhu cầu.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Điều hành Công ty Công nghệ GoBear Việt Nam, cho biết vẫn đang tồn tại một khoảng cách khá lớn giữa người dùng tại Việt Nam và các thị trường lân cận.

Rút ngắn khoảng cách với người vay bằng công nghệ ảnh 2

 Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Điều hành Công ty Công nghệ GoBear Việt Nam

Theo ông Khanh, nếu như phần lớn người dùng của GoBear ở những thị trường khác có khả năng tiếp cận được đầy đủ các sản phẩm tài chính trên thị trường, rất nhiều người dùng ở Việt Nam thậm chí chưa mở tài khoản ngân hàng hoặc không có cách nào để dễ dàng chứng minh thu nhập.

Và những người này hầu như không thể sử dụng được các sản phẩm tài chính ngân hàng và thường phải tìm cách vay từ những nguồn không chính thống.

“Sau thời gian vận hành tại thị trường Việt Nam, chúng tôi nhận thấy nhu cầu phải giới thiệu cho nhóm người dùng thiệt thòi này về các giải pháp thay thế cho việc vay ngân hàng, gồm thông tin cụ thể về quyền lợi và những cân nhắc cần thực hiện.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nỗ lực giúp họ hiểu thấu đáo những thuật ngữ tài chính phổ biến như lãi suất hay kì hạn trong trường hợp thực tế của họ, và tìm cách giải thích rõ những thuật ngữ đó sao cho một người dùng có kiến thức trung bình về tài chính vẫn có thể tìm hiểu và tự đưa ra quyết định chuẩn xác.

Việc hợp tác với các công ty tài chính là bước đi đầu tiên, giúp chúng tôi tiến nhanh hơn trong nỗ lực nâng cao kiến thức tài chính của người Việt”, ông Khanh cho hay.

Ứng dụng công nghệ để phục vụ khách hàng

Bên cạnh việc bắt tay với GoBear Việt Nam, các công ty tài chính cũng đã hợp tác với một số công ty công nghệ khác để tích hợp công nghệ số vào sản phẩm dịch vụ của mình.

Rút ngắn khoảng cách với người vay bằng công nghệ ảnh 3

Ví dụ như việc FE Credit triển khai kênh chăm sóc khách hàng trực tuyến trên Zalo, giúp khách hàng có thể đăng ký, tra cứu thông tin khoản vay, thẻ tín dụng và trò chuyện trực tuyến với nhân viên chăm sóc khách hàng; hay Home Credit triển khai dịch vụ ký hợp đồng vay trực tuyến, cho phép khách hàng ký hợp đồng vay tiền mặt với công ty này thông qua trang web hoặc trên ứng dụng điện thoại.

“Để duy trì vị thế dẫn đầu thị trường ngành tài chính tiêu dùng, chúng tôi hiểu rằng ứng dụng công nghệ số vào các sản phẩm dịch vụ để tiếp cận khách hàng một cách toàn diện, mang lại cho họ nhiều tiện ích hơn là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của mình.

Bên cạnh lợi ích cho khách hàng, công nghệ số cũng đã mang lại những ưu điểm vượt trội cho công ty như giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu suất làm việc, quản lý chất lượng hiệu quả hơn…”, đại diện một công ty tài chính chia sẻ.

Có thể nói, định hướng trong thời gian tới của các công ty tài chính, đặc biệt là những công ty ở tốp đầu, chắc chắn sẽ là tiếp tục ưu tiên phát triển ứng dụng công nghệ số trên thiết bị di động để bắt kịp xu hướng; đồng thời giảm thiểu mức độ tương tác của con người, giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm dịch vụ nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Thông qua kết nối với nền tảng của các công ty công nghệ, các công ty tài chính sẽ có cơ hội tiếp cận và khai thác nhóm khách hàng là dân số trẻ chưa có tài khoản ngân hàng và chưa từng tham gia vay tiêu dùng.

Rút ngắn khoảng cách với người vay bằng công nghệ ảnh 4

Ở chiều ngược lại, các công ty công nghệ cũng rất hào hứng trước những cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực tài chính. Đơn cử như GoBear, đơn vị sở hữu trang web tìm kiếm tích hợp khách quan và chuyên biệt (meta-search engine) đầu tiên và duy nhất của châu Á về sản phẩm bảo hiểm và tài chính.

Tính từ cuối năm ngoái, GoBear Việt Nam đã thu hút hơn 500.000 lượt so sánh các sản phẩm bảo hiểm tài chính cá nhân trên trang web; và đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác là ngân hàng, công ty tài chính và tập đoàn bảo hiểm.

Liên quan đến quy trình lựa chọn đối tác, ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Điều hành GoBear Việt Nam, cho biết yếu tố quan trọng nhất là phía đối tác và GoBear phải cùng chia sẻ tầm nhìn về việc mang đến cho người dùng những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất.

“Bên cạnh những đối tác lớn như ngân hàng, công ty tài chính hay tập đoàn bảo hiểm, chúng tôi cũng luôn tìm kiếm đối tác là các đơn vị tiên phong đổi mới cung cách phục vụ người dùng, bao gồm cả các công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính (FinTech) hay bảo hiểm (InsurTech).
Hiện tại, GoBear đã có kế hoạch hợp tác với một loạt đối tác tiềm năng trong các lĩnh vực như thanh toán điện tử, tiết kiệm nhóm, gọi vốn cộng đồng, tài chính vi mô… Và tất cả chúng tôi đều rất lạc quan về triển vọng phát triển ở thị trường Việt Nam”, ông Khanh bật mí.
Tin bài liên quan