Sau khi SCIC tham gia quản trị, điều hành, Vinaconex có nhiều chuyển biến tích cực 
và tái khởi động dự án Khu đô thị Splendora

Sau khi SCIC tham gia quản trị, điều hành, Vinaconex có nhiều chuyển biến tích cực và tái khởi động dự án Khu đô thị Splendora

Rạch ròi tâm thế cổ đông nhà nước

(ĐTCK) Vốn nhà nước chưa được giám sát và quản lý chặt chẽ, đem lại hiệu quả thấp, đang là vấn đề nhức nhối của nền kinh tế. Chỉ khi nào cổ đông nhà nước năng động, chuyên nghiệp và có trách nhiệm, mới kỳ vọng đồng vốn được bảo toàn và sinh sôi. Mùa đại hội đồng cổ đông 2017 đi qua, câu chuyện của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho thấy không ít trăn trở.

Cẩm nang xử lý tình huống

Mùa đại đồng hội cổ đông năm nay, người đại diện vốn của SCIC có “bạn đồng hành” đặc biệt, đó là cuốn Sổ tay hướng dẫn biểu quyết dành cho người đại diện vốn, ấn phẩm được thực hiện với sự phối hợp của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Viện Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JERI). Rất nhiều tình huống khó xử và cần tiếng nói mạnh mẽ của cổ đông lớn mà thị trường chờ đợi đã được hướng dẫn khá chi tiết trong ấn phẩm này. Chẳng hạn, biểu quyết trong trường hợp báo cáo tài chính của doanh nghiệp có ý kiến kiểm toán ngoại trừ, chia cổ tức, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, lương thưởng cho hội đồng quản trị (HĐQT)…

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, nếu các doanh nghiệp có vốn nhà nước đều hành xử chặt chẽ và thống nhất như vậy, chắc chắn hiệu quả đồng vốn nhà nước sẽ gia tăng đáng kể.

Một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, nếu kết quả kinh doanh năm nay sụt giảm, quỹ lương thưởng của HĐQT không thể cao hơn năm trước, chuyện từng xảy ra ở không ít doanh nghiệp nhà nước. Tương tự là câu chuyện góp vốn vào công ty con, cháu, không thể có chuyện đưa vốn tràn lan, dễ dàng, người đại diện của SCIC biểu quyết khi trước mặt có phương án được lập chi tiết và thuyết phục, có căn cứ, con số thuyết minh rõ ràng.

Tung quân, xuất tướng vào “mặt trận”

Với tâm thế là một cổ đông của doanh nghiệp (khác hoàn toàn với cơ quan quản lý ngành), SCIC đã chủ động áp dụng các thông lệ quản trị hiện đại vào hoạt động quản lý vốn nhà nước.

Cụ thể, Tổng công ty đã áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến, phân loại doanh nghiệp thành các nhóm, kiện toàn hệ thống Người đại diện, củng cố HĐQT, Ban điều hành, Ban kiểm soát, tách bạch chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc (Giám đốc)…

SCIC đã cử cán bộ của mình là đại diện vốn nhà nước tham gia kiêm nhiệm thành viên HĐQT, Ban kiểm soát tại một số doanh nghiệp lớn, phức tạp; biệt phái cán bộ của SCIC tham gia HĐQT, Ban điều hành, trực tiếp đến làm việc tại một số doanh nghiệp và các dự án đang triển khai...

Chẳng hạn, tại Vinaconex, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC đã đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT của Vinaconex và một cán bộ được cử tham gia thành viên HĐQT chuyên trách. Điều này giúp cho SCIC nắm bắt được sâu rộng tình hình thực tế, kịp thời có những quyết định quan trọng phù hợp với thực tế doanh nghiệp.

SCIC đã thông qua kế hoạch dài hạn của Vinaconex cho nhiệm kỳ 5 năm tới, với mục tiêu tái cơ cấu mạnh mẽ vốn đầu tư của Vinaconex tại các doanh nghiệp, thu gọn đầu mối để tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính là xây lắp và bất động sản, để tăng cường năng lực cạnh tranh và phát huy thế mạnh vốn có của Vinaconex; hình thành 2 công ty về xây lắp và bất động sản do công ty mẹ sở hữu 100% vốn; phấn đấu hàng năm mang lại cổ tức từ 10 - 15% cho các cổ đông.

Một ví dụ cho sự chuyển động tích cực tại doanh nghiệp này là việc tái khởi động dự án Khu đô thị Splendora, vốn đã nằm im lìm khá lâu do Vinaconex và đối tác Posco không đạt được thống nhất về nhiều vấn đề.

Hay tại Vinare, khi người đại diện SCIC là cán bộ doanh nghiệp nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT nghỉ hưu, SCIC đã cử cán bộ kiêm nhiệm nắm giữ vị trí này. Vinare đã nỗ lực để được Tổ chức A.M. Best nâng mức xếp hạng năng lực tín dụng dài hạn của tổ chức phát hành từ “bbb” lên “bbb+” và khẳng định năng lực tài chính mức B++ (Tốt). Mức đánh giá triển vọng của năng lực tín dụng dài hạn của tổ chức phát hành thay đổi từ tích cực sang ổn định và triển vọng năng lực tài chính giữ ở mức ổn định.

Lăn lộn trên “chiến trường”

Thông qua vai trò cổ đông, SCIC chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp; đầu tư thêm vốn vào các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; tập trung xử lý tồn tại của các doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý...

Tại Công ty cổ phần Thương nghiệp Cà Mau, SCIC đã chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước kiến nghị HĐQT tái cơ cấu hoạt động, đa dạng hóa ngành hàng kinh doanh, chuyển đổi các bộ phận, ngành hàng kinh doanh kém hiệu quả; khai thác tối đa thế mạnh kênh phân phối hàng hóa đến các thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bằng phương tiện giao thông đường thủy; khoán doanh thu, chi phí và hiệu quả của từng đơn vị, ngành hàng…

Đồng thời, đề nghị người đại diện vốn nhà nước phối hợp cùng HĐQT Công ty quan tâm làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; khẩn trương tìm kiếm và/hoặc bồi dưỡng nhân sự để tách bạch chức năng quản trị, điều hành doanh nghiệp nhằm sử dụng và phát huy các nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, điều hành công ty đại chúng theo quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế.

Kết quả cho những nỗ lực trên thể hiện rõ rệt, từ sau khi SCIC tiếp nhận phần vốn nhà nước đến nay, Công ty Thương nghiệp Cà Mau đạt được mức tăng trưởng khá cao qua các năm, cụ thể: vốn điều lệ tăng từ 70 tỷ đồng năm 2008 lên 121 tỷ đồng năm 2014 (tăng 73%); tổng tài sản tăng từ 253 tỷ đồng lên 691 tỷ đồng (tăng 173%); tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình gần 5%/năm; tỷ lệ chi cổ tức bình quân đạt gần 19%/vốn điều lệ/năm.

Tại Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ, doanh nghiệp được chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước về SCIC vào cuối tháng 6/2016, hoạt động kinh doanh trước khi chuyển giao về SCIC tuy có hiệu quả nhưng còn hạn chế và thiếu ổn định. Ngay sau khi tiếp nhận, với vai trò cổ đông nhà nước, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016, SCIC kiện toàn nhân sự HĐQT và Ban điều hành, thực hiện tách chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty theo quy định của pháp luật. Đồng thời, SCIC cử cán bộ tham gia vào Ban kiểm soát nhằm tăng cường công tác giám sát và nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, điều hành Công ty.

Bên cạnh đó, SCIC thường xuyên tư vấn, hỗ trợ Công ty trong việc hoàn thiện các quy chế nội bộ phù hợp với tình hình thực tế, điều kiện hoạt động tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật. Từ đó, năng lực quản trị, điều hành và hiệu quả kinh doanh của Công ty đã có bước chuyển biến tích cực. Kết quả sản xuất - kinh doanh của Công ty có sự cải thiện rõ nét: doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 tăng lần lượt 21,91% và 94,16% so với năm 2015.

Với Công ty cổ phần TODIMAX, 3 năm sau cổ phần hóa, Công ty có nhiều tồn tại tài chính, gồm các khoản nợ phải thu khó đòi và các khoản nợ phải trả quá hạn, sản xuất - kinh doanh thu hẹp, gặp nhiều khó khăn, SCIC đã cử cán bộ tham gia giám sát và phối hợp với người đại diện vốn tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thành công, các đề xuất của SCIC đưa ra biểu quyết tại Đại hội nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của các cổ đông.

Sau Đại hội, SCIC tiếp tục phối hợp với người đại diện và Ban lãnh đạo TODIMAX sửa đổi các quy trình, quy chế và xây dựng phương án tái cơ cấu Công ty để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể: xây dựng thị trường, khách hàng mục tiêu; xác định sản phẩm kinh doanh chính; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền và ngân hàng xử lý các tồn tại tài chính của Công ty; lựa chọn đối tác và triển khai phương án đầu tư khai thác các khu đất của Công ty có lợi thế vị trí địa lý; sửa đổi, bổ sung hệ thống quy trình, quy chế để quản trị hoạt động, hỗ trợ kinh doanh; sắp xếp lại bộ máy tổ chức, có chính sách thu hút nhân sự có năng lực và chuyên môn.

Còn rất nhiều vấn đề mà SCIC và những người đại diện vốn của mình đang ngày đêm phải lăn lộn giải quyết, với mục tiêu tạo ra chuyển biến tích cực hơn trong các doanh nghiệp.

Có những tình huống SCIC gặp khó khăn trong xử lý, đơn cử như những doanh nghiệp đã nhiều năm chưa tổ chức họp đại hội đồng cổ đông. Mặc dù ngay trong tháng Giêng hàng năm, SCIC đã có văn bản gửi đến người đại diện vốn nhà nước, HĐQT tại các doanh nghiệp, để nhắc nhở, hướng dẫn và hỗ trợ công tác chuẩn bị tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên, nhưng cho đến nay vẫn còn 14/135 công ty cổ phần mà Tổng công ty có vốn góp chưa có kế hoạch tổ chức họp đại hội đồng cổ đông năm 2017. Những trường hợp này, một mặt SCIC tiếp tục đôn đốc và tìm hướng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, một mặt đưa vào dạng giám sát đặc biệt.

Từ những câu chuyện qua thực tế hoạt động của SCIC cho thấy, cổ đông nhà nước phải hội tụ được sự chuyên nghiệp, hiểu biết tốt về quản trị, vững chuyên môn, năng động và cả sự quyết liệt mới có thể làm “tròn vai” của mình.

Tin bài liên quan