PSI tổ chức Hội thảo nhà đầu tư dầu khí với sự tham dự của Lãnh đạo Tập đoàn PVN và lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành

PSI tổ chức Hội thảo nhà đầu tư dầu khí với sự tham dự của Lãnh đạo Tập đoàn PVN và lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành

PSI khẳng định vị thế top đầu dịch vụ tư vấn

(ĐTCK) Chọn nghiệp vụ cốt lõi là tư vấn, một trong những lĩnh vực kinh doanh “xương” nhất của công ty chứng khoán, song những đam mê, nhiệt huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) xác lập được vị thế vững chắc trên thị trường, ghi danh trong nhóm công ty chứng khoán có thị phần dịch vụ ngân hàng đầu tư lớn nhất. Bà Hoàng Hải Anh, Tổng giám đốc PSI trao đổi với Đầu tư Chứng khoán xung quanh câu chuyện này.

Vừa tham dự cuộc họp thường niên của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán châu Á, bà thấy mối quan tâm của họ với Việt Nam như thế nào?

Việt Nam thực sự là thị trường được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Nếu chúng ta có chính sách khơi thông được dòng vốn nước ngoài, sẽ tạo ra luồng gió mới cho thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Vốn mới sẽ giúp các đợt đấu giá cổ phần lần đầu (IPO), bán cho nhà đầu tư chiến lược, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước bán được giá cao hơn, Nhà nước hưởng lợi. Quan trọng hơn, họ là các nhà đầu tư lớn, am hiểu về pháp luật, quản trị sẽ tạo sức ép để doanh nghiệp Việt thay đổi và hướng tới các chuẩn mực quốc tế,  góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Trên thực tế, thời gian qua, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ M&A, thu hút nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan tham gia, nhưng đa phần được thực hiện với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Chưa có nhiều thương vụ tiêu biểu được thực hiện với các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

PSI khẳng định vị thế top đầu dịch vụ tư vấn ảnh 1

Bà Hoàng Hải Anh 

PSI đã thực hiện nhiều thương vụ tư vấn cổ phần hóa, phát hành, tìm cổ đông chiến lược cho các doanh nghiệp lớn, theo bà, chúng ta cần gỡ những nút thắt nào để khơi thông dòng vốn có chất lượng từ nước ngoài?

Ở tầm vĩ mô, chúng tôi đánh giá rất cao những chuyển động chính sách mà Chính phủ đã thực hiện gần đây, như việc ban hành quy định về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, các chủ trương về thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, giới hạn danh mục các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ vốn chi phối… Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, cần rất nhiều nỗ lực và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý.

Đơn cử, nếu chúng ta xác định Nhà nước sẽ thoái vốn tại những doanh nghiệp đầu ngành chẳng hạn, để tối ưu hóa được giá bán và đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai của doanh nghiệp, gia tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp, nên chăng, sớm đưa vào áp dụng các hình thức chào bán mà hiện thế giới đang áp dụng rộng rãi như book building (dựng sổ), thay vì chỉ có phương án bán đấu giá. Những nhà đầu tư cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp và làm thực thường cần khảo sát rất kỹ về doanh nghiệp.

Vai trò của nhà tư vấn trong những thương vụ lớn như vậy rất quan trọng, song dường như các công ty chứng khoán Việt Nam chưa bắt kịp được mảnh đất màu mỡ này. Đâu là những thách thức mà công ty chứng khoán Việt phải vượt qua để dần nắm bắt được cơ hội?

Thực sự đây là một sân chơi vô cùng khó khăn. Đơn cử như PSI, bên cạnh đội ngũ đã xây dựng 10 năm qua, chúng tôi có sự hợp tác chặt chẽ của đối tác chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Nikko (Nhật Bản).

PSI có đầy đủ lợi thế, hiểu biết hành lang pháp luật Việt Nam, thậm chí như tôi vẫn gọi là hơn cả những luật sư chuyên về lĩnh vực này, nhưng chúng ta còn rất nhiều điểm cần cải thiện mới được cả bên bán và bên mua đặt niềm tin.

Đó có thể là những hạn chế về hệ thống công nghệ, tư duy làm việc với những yêu cầu rất cao về bảo mật thông tin, tổ chức nhân sự chuyên nghiệp và cả tầm nhìn trong hành nghề… Nhưng tôi vẫn tin rằng, các công ty chứng khoán Việt Nam sẽ làm được, có thể chúng ta cần một sự kết hợp và hợp tác với những đối tác nước ngoài.

Trong cuộc họp vừa qua tại Philippines, các bạn Thái Lan rất mong muốn có sự hợp tác với các công ty chứng khoán Việt Nam để cùng thực hiện nhiều thương vụ tư vấn trong tương lai.

Sắp qua 10 năm hoạt động, với một lĩnh vực “xương xẩu” như vậy, PSI xác định chiến lược phát triển dài hạn của mình trong tương lai như thế nào?

Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định với con đường đã chọn là trở thành công ty chứng khoán có mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư hàng đầu trên thị trường. Tiềm năng cho lĩnh vực này là vô cùng lớn vì dòng chảy kinh tế luôn vận động không ngừng, các doanh nghiệp thường xuyên cần dịch vụ tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp, M&A, tìm nhà đầu tư chiến lược…

Với riêng ngành dầu khí, còn rất nhiều dư địa để khai thác vì bên cạnh M&A, các doanh nghiệp đang thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ, tập trung vào ngành nghề, lĩnh vực cốt lõi, chứ không đa ngành nghề như trước đây.

PSI là một trong số ít công ty chứng khoán có thể cung cấp tất cả các nghiệp vụ tư vấn bao gồm tư vấn tái cấu trúc, M&A, cổ phần hóa, quản trị doanh nghiệp, phát hành, niêm yết với đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản trong nước và nước ngoài, tận tâm và giàu kinh nghiệm. Để gia tăng được năng lực cạnh tranh, PSI tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho việc xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ ở tầm quốc tế và gia tăng hợp tác với các đối tác khác trên thị trường.

Tin bài liên quan