Ban lãnh đạo Tập đoàn TTC, GEC, IFC và Armstrong tại lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa các bên

Ban lãnh đạo Tập đoàn TTC, GEC, IFC và Armstrong tại lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa các bên

Phát triển năng lượng sạch: TTC và cái bắt tay lịch sử với các tổ chức quốc tế

(ĐTCK) Với 37 năm phát triển, Tập đoàn TTC hiện hoạt động trên các lĩnh vực bất động sản, năng lượng, nông sản, giáo dục và du lịch. 

Trong đó, ngành năng lượng được TTC, với đơn vị chủ lực là Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC), nhận định là lĩnh vực tiềm năng và tập trung phát triển thông qua việc đa dạng hóa các loại hình đầu tư, từ thủy điện đến điện gió, điện mặt trời.

Với ưu thế dẫn đầu về quy mô thủy điện vừa và nhỏ tại miền Trung - Tây Nguyên, vào tháng 9/2016, GEC sẽ tập trung đầu tư thí điểm dự án điện gió đầu tiên tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Dự án này nằm trong định hướng chiến lược phát triển bền vững của ngành năng lượng TTC và đã đạt được thành quả bước đầu khi xúc tiến hợp tác toàn diện theo các chuẩn mực quốc tế.

Đẩy mạnh đầu tư, phát triển năng lượng sạch

Ngày 30/6/2016, tại TP. HCM đã diễn ra sự kiện lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa CTCP  Đầu tư Thành Thành Công (đơn vị hạt nhân của Tập đoàn TTC), CTCP Điện Gia Lai (GEC) với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Quỹ Năng lượng sạch Armstrong (Singapore). Đây là dự án năng lượng đầu tiên của hai tổ chức này tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ chiến lược của các bên nhằm mở rộng danh mục đầu tư vào lĩnh vực thủy điện, tăng cường hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế, tạo cơ sở phát triển các dạng năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời.

Mức vốn đầu tư của IFC và Armstrong trong thỏa thuận này lần lượt tương ứng với 16% và 20% vốn chủ sở hữu của GEC - đơn vị hiện đang có lợi thế về quy mô thủy điện vừa và nhỏ tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên với 15 nhà máy.

“Hợp tác chiến lược với IFC và Armstrong thể hiện uy tín và năng lực của GEC, cũng như TTC, khi đáp ứng toàn diện các điều kiện hợp tác theo chuẩn mực quốc tế, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với tư cách là cổ đông chiến lược, sự hỗ trợ của IFC và Armstrong không những tạo điều kiện cho GEC mở rộng lĩnh vực kinh doanh chủ lực là thuỷ điện, mà còn đưa Công ty trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển năng lượng sạch, cung cấp nguồn năng lượng bền vững thay thế nguồn điện năng từ nhiên liệu hoá thạch tại Việt Nam”, ông Lê An Khang, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc GEC nói và cho biết, GEC sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động cho lĩnh vực thủy điện.

Theo đó, GEC sẽ tiếp tục mở rộng, đầu tư nâng cấp các tổ máy và hệ thống điều khiển tiên tiến cho các nhà máy phát điện. Qua đó, tăng công suất sản xuất điện, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện của người dân và truyền tải lên lưới điện quốc gia. Ngoài ra, chiến lược của GEC là quan tâm đầu tư các dự án thủy điện thuộc dạng thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty.

Những năm gần đây, mức tăng trưởng tiêu thụ điện năng tại Việt Nam luôn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội. Các dự án phát triển năng lượng tái tạo của GEC sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu gia tăng sản lượng điện lên 14%/năm trong giai đoạn 2015 - 2030 của Chính phủ.

Năng lượng là ngành rất thiết thực cho nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập. Do đó, GEC ngoài việc đầu tư cho thủy điện còn có kế hoạch đầu tư vào ngành năng lượng sạch, nhất là điện mặt trời, điện gió. Với tầm nhìn chiến lược giai đoạn 2016 - 2020, GEC sẽ đẩy mạnh đầu tư nguồn năng lượng sạch và thực hiện thí điểm mô hình điện gió, điện mặt trời tại một số địa điểm tiềm năng.

Năm 2015, GEC đã chủ động triển khai thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại các công ty thành viên trực thuộc TTC, các dự án nông nghiệp, đặc biệt là ngành đường, đồng thời dự kiến mở rộng ra các tỉnh thành khác như Bến Tre, Tây Ninh, Bình Thuận… cùng một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên. Song song với đó, GEC đang triển khai một số dự án điện gió nhằm hướng tới sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu nguồn năng lượng sạch này. 

Hợp tác với nhà đầu tư ngoại

Để đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực năng lượng, TTC đã thu hút nguồn vốn từ nhà đầu tư ngoại và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về năng lực của Tập đoàn, cũng như các công ty trực thuộc. Ông Andrew Affleck, Chủ tịch điều hành của Armstrong khẳng định, Quỹ tin rằng GEC có vị thế tốt để nắm bắt được tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Thông qua việc phát triển thủy điện bền vững và các nguồn năng lượng tái tạo khác, việc hợp tác chiến lược này không chỉ giúp GEC đáp ứng đủ mức tăng 10% nhu cầu sử dụng điện hàng năm tại Việt Nam, mà còn đa dạng hoá các nguồn năng lượng, đồng thời giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch phải nhập khẩu.

Ông Andrew cho biết, trong 9 tháng vừa qua, Armstrong đã được gặp gỡ và biết đến GEC cùng vị lãnh đạo có tầm nhìn của Tập đoàn – Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành.

“Tập đoàn này được xây dựng từ năm 1979, với một lịch sử phong phú. Armstrong cảm nhận quan hệ đối tác mới này là một cách lý tưởng để đánh dấu khoản đầu tư đầu tiên của chúng tôi tại Việt Nam. Qua thời gian bên cạnh Chủ tịch Đặng Văn Thành, Phó chủ tịch Huỳnh Bích Ngọc và các thành viên đội ngũ quản lý của Tập đoàn TTC, chúng tôi có thể nhìn thấy rõ niềm đam mê và niềm tự hào lớn lao trong họ. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng để có thể đóng góp và chia sẻ điều này với ban lãnh đạo TTC kể từ thời điểm này”, ông Andrew cho biết.

Bên cạnh đó, ông Andrew nhận định, dựa trên số liệu thống kê từ Bộ Công thương, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc mở rộng kết nối điện năng, với tỷ lệ hộ gia đình không có điện giảm từ 50% năm 1995 xuống còn 2% trong năm 2014. Tăng trưởng dân số cùng với quá trình đô thị hóa đã dẫn đến gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ, từ đó tạo ra áp lực lên nguồn cung cấp điện ở Việt Nam. Việc đáp ứng nhu cầu gia tăng này, đảm bảo cung cấp năng lượng đầy đủ và đáng tin cậy là cần thiết để duy trì sự phát triển tích cực của nền kinh tế Việt Nam. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, nhu cầu về điện sẽ tăng trưởng ở mức trung bình 10,5%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020 và 8,0%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030. Hiện nay, chiến lược năng lượng tái tạo của Việt Nam đặt mục tiêu giảm 25% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Tuy nhiên, ngoài thuỷ điện, các nguồn phát năng lượng tái tạo khác hiện nay là không đáng kể, do đó đòi hỏi phải có thêm nhiều đầu tư mới trong lĩnh vực này.

Trước đó, tháng 12/2015 tại Paris, một thỏa thuận lịch sử đã đạt được để chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy đầu tư hướng tới một tương lai hướng năng lượng carbon thấp. Điều này đã được phê chuẩn bởi 195 quốc gia, bao gồm Việt Nam. Mục đích chính của Thỏa thuận là giữ cho nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này tăng dưới 2 độ C và tập trung nỗ lực hạn chế sự gia tăng nhiệt độ hơn nữa, tới mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Sau sự kiện này và Thỏa thuận được công bố vào cuối tháng 3/2016, điều chỉnh quy hoạch điện của Việt Nam (PDP 7) đặt ra một lộ trình cho việc mở rộng sản xuất điện. Kế hoạch dự báo khoản đầu tư 3,207 triệu tỷ đồng (148 tỷ USD) vào sản xuất và phân phối điện năng cho tới năm 2030, với công suất lắp máy tăng gấp 4 lần so với mức hiện nay, lên hơn 135 GW.

Bên cạnh đó, Việt Nam có kế hoạch gia tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo, việc sử dụng nhiệt điện và than đá cũng được dự báo sẽ tăng đáng kể. Đến năm 2030, các nhà máy điện than dự kiến sẽ chiếm 53,2% công suất lắp đặt tại Việt Nam, so với 34,4% hiện nay. Từ góc độ môi trường, đây thực sự là một vấn đề đáng lo ngại. Để giải quyết vấn đề này, Armstrong hy vọng rằng, sự hợp tác mới với GEC và IFC tại Việt Nam, sẽ thiết lập các tiêu chuẩn quan trọng cho sự thành công trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo. Thành công này hướng tới mục tiêu tạo điều kiện phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế, xã hội và môi trường trong tương lai của Việt Nam.

Hiện nay, thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất trên thế giới, chiếm 1/5 tổng nguồn cung năng lượng toàn cầu. Trong suốt thập niên vừa qua, IFC đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào 75 dự án thủy điện tại 25 quốc gia trên toàn cầu, nhằm phát huy hơn nữa việc phát triển thủy điện một cách bền vững và có trách nhiệm ở các nước đang phát triển.

Ông Hyun-Chan Cho, Giám đốc Khối Cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo của IFC khu vực châu Á cho biết, với tỷ lệ đầu tư của khối ngoại trong lĩnh vực năng lượng còn tương đối khiêm tốn, chiến lược đầu tư của IFC là một bước tiến quan trọng thúc đẩy cộng đồng đầu tư quốc tế tham gia vào ngành năng lượng xanh đầy tiềm năng của Việt Nam. Bên cạnh đó, kiến thức về ngành năng lượng toàn cầu của IFC tạo cơ hội để GEC trở thành một nhà phát triển năng lượng tái tạo kiểu mẫu tại Việt Nam, thông qua việc áp dụng những chuẩn mực tối ưu trong ngành, đồng thời góp phần mở rộng nguồn cung năng lượng sạch, đáng tin cậy.

Tin bài liên quan