Phát triển bền vững có… tốn tiền không?

Phát triển bền vững có… tốn tiền không?

(ĐTCK) “Phát triển bền vững là đầu tư cho tương lai và không hề tốn kém, mà sẽ giúp bạn và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và tiết kiệm được các chi phí trong dài hạn”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Khối Quản lý Hoạt động Tập đoàn Bảo Việt nói.

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu

Ông Tuấn chia sẻ, ngay từ những ngày đầu thành lập, Bảo Việt đã xác định phát triển bền vững có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Trải qua hơn nửa thế kỷ phát triển, các hoạt động của Bảo Việt luôn hướng tới mục tiêu thực hiện sứ mệnh bảo đảm sự bình an, thịnh vượng và lợi ích lâu dài cho khách hàng, nhà đầu tư, người lao động và cộng đồng.

Bảo Việt nhận thức được rằng, để đạt mục tiêu phát triển bền vững thì bên cạnh việc đảm bảo tăng trưởng về mặt doanh thu và lợi nhuận, những đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng cũng như nỗ lực chung tay bảo vệ môi trường của doanh nghiệp cũng rất được quan tâm. Doanh nghiệp đóng vai trò như một nhân tố tích cực đóng góp cho sự phát triển chung của quốc gia. Và để làm được, cần sự chung tay của cả cộng đồng bao gồm ý thức của từng cá nhân và nỗ lực của cả tổ chức.

Phát triển bền vững giúp tiết kiệm chi phí và phát huy hiệu quả các hoạt động

Khi triển khai các “initiatives bền vững”, Bảo Việt đã tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực lãng phí về điện năng, xăng xe và các chi phí nhiên liệu trong tòan hệ thống nhờ việc áp dụng các ý tưởng tiết kiệm năng lượng.

Các hoạt động cộng đồng, từ khi có phát triển bền vững đã được hoạch định theo các tiêu chí rõ ràng và tập trung vào các hoạt động cốt lõi theo chiến lược của doanh nghiệp như: xóa đói giảm nghèo; đầu tư cho thế hệ trẻ; giảm nhẹ thiên tai; môi trường và các hoạt động khác.

Các hoạt động cộng đồng không thuộc các nhóm trên sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng khi phê duyệt để đảm bảo hiệu quả đầu tư và hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, Bảo Việt thấy rất hiệu quả sau khi triển khai áp dụng và hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững.

Tùy thuộc vào đặc thù và quy mô của từng doanh nghiệp mà mức độ đầu tư hoặc gắn kết phát triển bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp có thể khác nhau. Doanh nghiệp cần cân nhắc giữa chi phí đánh đổi khi đưa ra các quyết định có xem xét đến yếu tố bền vững để cân đối mức chi phí hợp lý.

Trong mọi quyết định, doanh nghiệp cần xem xét đến các yếu tố bền vững thay vì chỉ chú trọng đến các lợi ích trước mắt của riêng doanh nghiệp. Hay nói cách khác, thay vì chiến lược theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn hạn, doanh nghiệp cần hướng đến chiến lược phát triển dài hạn, bền vững thông qua việc tái đầu tư cho các hoạt động nhằm cải thiện môi trường và xã hội mà doanh nghiệp đang hoạt động.

Phát triển bền vững giúp tối đa hóa hiệu quả doanh nghiệp và đảm bảo trong dài hạn

Khi doanh nghiệp tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp sẽ mang lại một số lợi ích ngay trong ngắn hạn như giúp nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro, thúc đẩy đổi mới và thu hút đầu tư, nhưng những lợi ích trong trung và dài hạn là giúp giảm chi phí hoạt động và duy trì tăng trưởng bền vững.

Bảo Việt xác định đầu tư cho các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững chính là đầu tư cho tương lai và dựa vào các yếu tố bền vững để thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận trong dài hạn. Một doanh nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững khi bản thân doanh nghiệp phải khỏe, phải có năng lực tài chính vững mạnh mới có thể lan tỏa giá trị và hỗ trợ cộng đồng phát triển bền vững.

"Thực ra, khi triển khai phát triển bền vững là bạn đang 'cơ cấu lại' hoạt động của doanh nghiệp cho hiệu quả và cho tốt hơn trong dài hạn chứ không hề phải bỏ ra một chi phí nào, với chúng tôi đơn giản là như vậy, thậm chí, nếu áp dụng khéo bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí khác", ông Tuấn nói.

Tin bài liên quan