Ảnh Internet

Ảnh Internet

Phát huy hiệu quả chính sách bảo hiểm tiền gửi trong tái cơ cấu tổ chức tín dụng

(ĐTCK) Trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2 (2016 - 2020), một trong những vấn đề được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm là việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền; đồng thời vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) ở Việt Nam ngày càng được nâng lên khi cơ quan này được yêu cầu cần tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu.

Tham gia sâu hơn trong quá trình tái cơ cấu TCTD

Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” (Quyết định số 1058/QĐ-TTg) với mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Theo Đề án, quá trình cơ cấu lại gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định và an toàn hệ thống; giảm số lượng TCTD yếu kém để có số lượng các TCTD phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản.

Đề án nêu rõ: “Bổ sung quy định cho phép BHTG Việt Nam được tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, trước mắt tập trung đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, cũng như bảo vệ quyền lợi của tổ chức và cá nhân gửi tiền”.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD và các luật có liên quan theo hướng: Quy định cụ thể để đảm bảo tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời tiệm cận với thông lệ quốc tế; Bổ sung các quy định về tăng cường xử lý sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động ngân hàng và cho phép BHTG Việt Nam được tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đã được xin ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, theo chương trình, dự thảo sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 diễn ra trong tháng 10 và 11/2017.

Nâng cao vai trò của cơ chế BHTG

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD, BHTG Việt Nam được trao thêm chức năng cho vay hỗ trợ tài chính cũng như tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt, đánh giá kế hoạch phục hồi của các TCTD được kiểm soát đặc biệt sẽ góp phần giảm nguy cơ đổ vỡ. Với những TCTD quy mô nhỏ, gặp khó khăn về tài chính tạm thời, khoản cho vay hỗ trợ từ BHTG Việt Nam sẽ phần nào bù đắp thiếu hụt và giúp những TCTD này ổn định hoạt động.

Để thực hiện tốt chức năng trên, việc nâng cao năng lực tài chính của BHTG Việt Nam là vô cùng quan trọng. Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2 cũng đã đưa ra các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, trong đó có: Tăng cường năng lực tài chính của BHTG Việt Nam để tham gia xử lý, cơ cấu lại các TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu (trước mắt tập trung đối với QTDND, tổ chức tài chính vi mô).

Mặt khác, theo khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), cần đảm bảo tổ chức BHTG có đủ quyền hạn và năng lực tài chính để can thiệp kịp thời trong trường hợp có TCTD đổ vỡ; có cơ chế cảnh báo và xử lý sớm cho việc giám sát toàn diện các khía cạnh rủi ro, không chỉ dựa vào chỉ tiêu về vốn; xác định rõ ràng trách nhiệm trong việc xử lý khủng hoảng giữa Ngân hàng Trung ương, cơ quan giám sát, Chính phủ và tổ chức BHTG.

Bên cạnh đó, tổ chức BHTG chỉ thực sự phát huy hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu và giữ ổn định hệ thống TCTD nếu có một cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan giám sát ngân hàng khác. Một cuộc khảo sát của IADI đối với 34 quốc gia trên thế giới cho thấy, tất cả các tổ chức BHTG đều được xác định là một cấu phần trong mạng an toàn tài chính của quốc gia đó. BHTG là kênh giám sát, góp phần đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước và là cơ quan duy nhất thực hiện chức năng bảo vệ người gửi tiền.

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức công chúng về chính sách BHTG là vô cùng quan trọng, giúp đưa chính sách đến gần hơn với người dân. Do đó, BHTG Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phối với với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, chính quyền địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền để chính sách BHTG thực sự trở thành cầu nối niềm tin giữa người gửi tiền với các tổ chức tham gia BHTG.

Tin bài liên quan