NTP- “Biết người biết ta…”

NTP- “Biết người biết ta…”

(ĐTCK) Nhà đầu tư rất quan tâm đến các rủi ro mà họ có thể gặp phải trong quá trình đầu tư. Họ luôn muốn biết tất cả thông tin của DN để loại bỏ hoặc giảm trừ những yếu tố bất lợi trong đầu tư, nhằm đảm bảo sự an toàn đối với nguồn vốn.

Nhìn nhận đúng mình

Trong hai ấn phẩm BCTN đoạt giải năm ngoái và năm nay, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP) đều rất rõ ràng trong nội dung khái quát về Công ty, nhất là những đánh giá về các nhóm rủi ro mà NTP đã và có thể sẽ gặp phải. Đó là các rủi ro đến từ tác động của nền kinh tế, từ chính sách, từ tỷ giá hối đoái, xu hướng hội nhập quốc tế… Điều này đã được HĐQT của NTP quan tâm từ rất lâu.

Còn nhớ, thời điểm đầu năm 2011, khi ngân hàng điều chỉnh tăng tỷ giá USD tới 9,3% đã khiến rất nhiều DN bị “sốc”, thì NTP vẫn hoạt động bình thường và giữ nguyên được giá bán sản phẩm. Đó là do HĐQT đã dự đoán được tình hình và có giải pháp ứng phó thích hợp. Hiện tại, để giảm tối đa sự ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái khi thị trường ngoại tệ biến động, NTP đã tận dụng được các nguồn vốn VND với lãi suất khoảng 5,5 - 7%; giữ số dư tiền vay USD ở mức thấp nhất (tại thời điểm 31/12/2013 chỉ ở mức 1%).

Việc phân nhóm rủi ro là yếu tố tích cực để NTP đưa ra các giải pháp ngắn hạn và hoạch định chiến lược dài hạn. Năm 2014, NTP xác định sẽ còn phải đối mặt với những khó khăn về thị trường, do mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, cũng như việc xuất hiện thêm nhiều nhà sản xuất mới. Các đối thủ đẩy mạnh sản xuất sản phẩm cùng chủng loại, kích cỡ… Các đơn vị sản xuất này luôn đưa ra mức chiết khấu cao cho các đại lý. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý mạng lưới bán hàng của NTP. Chính vì thế, Công ty đã đặt ra chỉ tiêu kinh doanh năm 2014 một cách hợp lý: sản lượng tăng 9,3%; doanh thu thuần tăng trên 13%; lợi nhuận sau thuế tăng 5,6%. Đồng thời, cân bằng giữa sản xuất và đầu tư mới; không tối đa hóa lợi nhuận để đảm bảo mức chiết khấu hợp lý cho các đại lý và phục vụ việc tái đầu tư, nhằm giữ vững và mở rộng thị trường.

“Một bản báo cáo chỉ toàn những thuận lợi và chỉ tiêu ‘trên trời’ sẽ làm giảm, làm chệch khả năng đánh giá và điều hành của HĐQT. Nguy hiểm hơn, điều đó có thể sẽ dẫn đến những quyết định đưa DN vào sai lầm. Do vậy, BCTN cần phải đánh giá đúng thực trạng của DN, dự đoán được các yếu tố tác động vì chính bản thân sự tồn tại và phát triển của DN đó”, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch HĐQT của NTP khẳng định.

Để có chiến lược phát triển hợp lý

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch HĐQT Sở GDCK Hà Nội, thành viên Hội đồng bình chọn BCTN 2013, nội dung chiến lược phát triển tuy chiếm dung lượng không nhiều trong BCTN, nhưng rất được các cổ đông quan tâm. Họ thường nhìn vào đây để xem xét mục tiêu, hướng đi, cách tổ chức nguồn lực của DN và qua đó sẽ đánh giá tầm nhìn, nhận diện cơ hội và tiềm năng của DN.

NTP đã căn cứ vào số liệu thống kê tăng trưởng giai đoạn 2008 - 2013, định hướng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2020, sự phát triển của thị trường bất động sản, sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngành cấp thoát nước và nhu cầu sử dụng ống nhựa trong các năm tới để đặt ra kế hoạch phát triển. Giai đoạn 2014 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân sản lượng và doanh thu sẽ từ 5 - 8%/năm và lợi nhuận từ 2 - 5%/năm. Đồng thời, Công ty đã đề ra được các giải pháp và kế hoạch đầu tư rõ ràng, mở ra những hướng đi mới. Cụ thể, chính sách chiết khấu bổ sung 3% cho các đơn vị đăng ký chỉ bán hàng của NTP; chú trọng công tác chăm sóc khách hàng, công tác trao đổi thông tin với khách hàng…, để đảm bảo mức doanh thu bán hàng đạt mức tăng trưởng 8% so với năm 2013.

Với các cổ đông, nếu nhìn vào BCTN của NTP sẽ nhận thấy rất rõ lộ trình kinh doanh của DN này. Đó là, đa dạng hóa sản phẩm chủ lực với việc thực hiện đầu tư dây chuyền sản xuất sản phẩm cỡ lớn (ống PEHD đến phi 2.000 mm; ống PEHD 2 vách đến phi 800 mm) nhằm đón đầu và phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia. Nâng quy mô sản xuất khi tiến hành mở rộng mặt bằng Công ty tại quận Dương Kinh (Hải Phòng) thêm 4,5 héc-ta (tổng diện tích là trên 17 héc-ta), để đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm PEHD và sản phẩm HDPE cỡ lớn. Đa dạng hóa ngành nghề khi quyết định lấn sân sang lĩnh vực bất động sản tại thị trường Hải Phòng còn nhiều tiềm năng. Mới đây, NTP đã khởi động dự án khu Tổ hợp thương mại, văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp tại số 2 An Đà, phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.

“Tất cả những kế hoạch được đưa ra trong BCTN đều nhằm mục tiêu chiến lược là thúc đẩy NTP trở thành một DN dẫn dắt thị trường nhựa Việt Nam và khu vực”, ông Phúc chia sẻ.            

Tin bài liên quan