Chủ tịch HĐQT Lê Tự Hiểu và TGĐ Hoàng Xuân Quốc nhận bảng lưu niệm ngày khớp lệnh đầu tiên của HOSE

Chủ tịch HĐQT Lê Tự Hiểu và TGĐ Hoàng Xuân Quốc nhận bảng lưu niệm ngày khớp lệnh đầu tiên của HOSE

NT2: Chuyển sàn kỳ vọng trở thành bluechip

(ĐTCK) Trong 2 tháng liên tiếp, cổ phiếu NT2 lọt vào top 5 cổ phiếu nên mua nhất trong tháng. Ngày 12/6, NT2 chính thức niêm yết và trở thành thành viên thứ 369 trên sàn HOSE với giá tham chiếu 23.700 đồng/CP.

Kết thúc phiên giao dịch chào sàn HOSE, cổ phiếu NT2 tăng 8,86%, đóng cửa ở mức 25.800 đồng/CP với 2,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, bình quân mỗi lệnh mua 3.400 CP và lệnh bán là 1.170 CP. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chiếm 30% giao dịch mua với hơn 770 nghìn CP. Sau khi chuyển sàn, NT2 kỳ vọng trở thành cổ phiếu blue-chip.

Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Xuân Quốc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 về lợi thế và tiềm năng của NT2 trong nhóm ngành sản xuất và kinh doanh điện. 

Ông có thể cho biết yếu tố nào để trong 2 tháng liền NT2 lọt vào top cổ phiếu nên mua nhất trong tháng?

NT2 được các chuyên gia ngành điện đánh giá là đang sở hữu một trong những nhà máy nhiệt điện công suất lớn tốt nhất Việt Nam, với công nghệ hiện đại, thiết bị hầu hết thuộc G7 và ngay từ khâu đầu tư đã được nghiên cứu thiết kế, chế tạo rất phù hợp với thị trường phát điện cạnh tranh ở nước ta.

Bên cạnh đó, NT2 có được vị trí “vàng” ngay trung tâm tam giác kinh tế trọng điểm TP. HCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, nơi có phụ tải điện năng cao nhất nước và hệ thống truyền tải đồng bộ rất thuận lợi. Hơn nữa, là một Công ty thuộc “họ” Dầu khí, NT2 kế thừa được những thế mạnh về nhân lực, kinh nghiệm, nguồn vốn cũng như luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, cổ đông chi phối của NT2.

Thực tế vận hành thương mại gần 4 năm qua cho thấy, NT2 hoạt động rất ổn định với độ tin cậy, tính khả dụng và hiệu suất cao, luôn chạy vượt ngưỡng công suất 4,5 tỷ kWh/năm và vẫn còn tiềm năng đạt cao hơn nữa, do hệ số phụ tải trung bình cả năm mới ở mức trên dưới 80%. Điều này khẳng định vị thế của NT2 trong hệ thống điện quốc gia và tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển ổn định của Công ty trong thời gian tới.

NT2 đã đạt được những kết quả sản xuất kinh doanh đột phá trong năm 2014. Với các chỉ số tài chính ấn tượng đối với một cổ phiếu ngành điện và triển vọng phát triển khả quan trong tương lai, việc NT2 được thị trường chú ý thời gian qua cũng là điều dễ hiểu, mặc dù NT2 vẫn còn niêm yết trên UpCom.

NT2: Chuyển sàn kỳ vọng trở thành bluechip ảnh 1

TS. Hoàng Xuân Quốc 

Cần khẳng định một điều là thành quả ngày hôm nay không phải là sự ngẫu nhiên, may mắn mà được kết tinh qua 8 năm đầu tư, xây dựng và trưởng thành của Công ty theo một lộ trình bài bản, được chuẩn bị và thực hiện một cách xuyên suốt, chuyên nghiệp và kỹ lưỡng. Tự hào là một cổ phiếu cơ bản ngành điện nhưng lại thuộc “họ” Dầu khí, NT2 hoạt động trên một nền tảng kinh doanh có đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc lâu dài, với rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính được kiểm soát ở mức độ phù hợp.

Năm 2015, cho đến thời điểm này, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty tiếp tục tiến triển thuận lợi. Lợi nhuận sau thuế quý I/2015 (bao gồm cả lãi chênh lệch tỷ giá) đạt 503,4 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 5/20125, sản lượng điện đạt 2,255 tỷ kWh, doanh thu bán điện đạt 3.070 tỷ đồng, đạt 51,7% kế hoạch năm. Công ty cũng đã trả nợ gốc và lãi vay quốc tế đợt 1 năm 2015 đúng hạn và thực hiện chi trả cổ tức đợt 2 là 13%. Chúng tôi tin tưởng sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch SXKD 2015 đã Đại hội cổ đông thông qua, trong đó có tỷ lệ 22% cổ tức với 7% cổ phiếu thưởng.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, sự tham gia của các Quỹ đã làm tăng giá trị của NT2?

NT2 trên thị trường chứng khoán nằm trong nhóm “ngành tiện ích”. Theo giới chuyên môn thì nhóm cổ phiếu này luôn nằm trong danh mục đầu tư của các Quỹ. Thời gian qua, NT2 có một số thay đổi đáng chú ý trong cơ cấu cổ đông. Đó là giảm bớt tỷ lệ sở hữu của nhà nước: VNPT thoái hoàn toàn 12,8 triệu cổ phiếu (tương đương 5% vốn điều lệ), PVPower giảm 7,17 triệu cổ phiếu (tương đương 2,8% vốn điều lệ) xuống còn 60% vốn điều lệ.

Một số cổ đông tổ chức nhỏ là doanh nghiệp nhà nước khác cũng đã thoái hết vốn. Cổ đông tổ chức Nhật Bản J-Power cũng đã bán hết 12,8 triệu cổ phiếu (5% vốn điều lệ) thông qua giao dịch thỏa thuận cho một số nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp thuộc hai quỹ Dragon Capital và VFM.

Chúng tôi nhìn nhận việc thay đổi sở hữu và cổ đông như trên là yếu tố tích cực trước thềm niêm yết NT2 trên sàn HOSE. Một số doanh nghiệp Nhà nước bán toàn bộ cổ phiếu NT2 đều là những doanh nghiệp không thuộc ngành điện, việc thoái vốn đầu tư “trái ngành” là yêu cầu bắt buộc tái cơ cấu của Chính phủ phải hoàn tất trong năm nay. Vì vậy khi giá NT2 tăng lên rõ ràng là cơ hội tốt cho các đơn vị này bán cổ phiếu.

Còn các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành điện như PVPower, Vinacomin Power đều giữ nguyên sở hữu hoặc chỉ bán một tỷ lệ nhỏ theo kế hoạch từ trước. Cổ đông nước ngoài J-Power thoái vốn do tập đoàn này không phải là quỹ đầu tư chuyên nghiệp mà là nhà sản xuất điện, do vậy hội đồng quản trị J-Power sau khi cân nhắc quyết định thoái vốn để tập trung tài chính đầu tư cho dự án điện BOT của chính họ.

Điều đáng chú ý là toàn bộ số cổ phiếu bán ra đều được thị trường “hấp thụ” rất nhanh. Giá NT2 thậm chí còn tăng trong thời gian VNPT bán 12,8 triệu cổ phiếu trên sàn. Một số quỹ đã rất may mắn mua thỏa thuận được 12,8 triệu cổ phiếu NT2 của J-Power với giá hời, lại được hưởng ngay cổ tức 13%  trong sự tiếc nuối của nhiều quỹ đầu tư khác.

Hơn 7 triệu cổ phiếu NT2 của PVPower chỉ bán ra trong 2-3 phiên là hết. Mức độ thanh khoản của NT2 trên sàn UpCom lên tới hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên giao dịch thời gian qua thực sự gây ngạc nhiên cho giới chuyên môn.

Có nhiều phiên thanh khoản của NT2 thậm chí còn tốt hơn một số blue-chip trên sàn HoSE, đủ chứng tỏ sự hấp dẫn của cổ phiếu này. Nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã xuất hiện trong danh sách cổ đông cập nhật của NT2 trước ngày chuyển sàn. Đa phần trong số họ cho biết sẽ gắn bó lâu dài và tin tưởng vào tương lai của Công ty.

Ông đánh giá thế nào về lợi thế của NT2 sau khi chính thức niêm yết tại HOSE?

Sau khi niêm yết tại HOSE, NT2 sẽ nằm trong tốp các công ty có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE. Theo ý kiến của giới phân tích, kỳ vọng NT2 sẽ là tâm điểm thu hút dòng tiền từ các quỹ đóng do đã thỏa điều kiện niêm yết tại sàn chinh thức; từ quỹ ETF trong 6 tháng tới do thỏa các điều kiện về vốn hóa, khối lượng, giá trị giao dịch; từ các quỹ chỉ số nội địa như VFMVN30. Ngoài ra, tỷ lệ cho vay ký quỹ cho NT2 được các công ty chứng khoán mở rộng có thể cũng sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân khác.

Tuy nhiên, thực lực và sức mạnh nội tại của NT2 mới là mấu chốt làm nên giá trị bền vững của cổ phiếu này. NT2 là một cổ phiếu cơ bản thuộc ngành điện, một công ty có quy mô lớn nhưng giản dị, thân thiện, tập trung vào ngành nghề cốt lõi, không màu mè lấp lánh, nhưng có tiếng là được quản trị tốt từ nhiều năm qua. 

Sản xuất kinh doanh thực hiện 24/24h trên một nền tảng vững chắc, không có hàng tồn kho, tài chính lành mạnh, dòng tiền đảm bảo, không hề vay vốn ngắn hạn, doanh thu trên 6.000 tỷ đồng mà kinh doanh không cần chi nhánh, đại lý phân phối cồng kềnh, tốn kém.

Đây là một công ty có bộ máy gọn nhẹ nhưng tinh nhuệ với năng suất lao động rất cao, chi phí quản lý chiếm tỷ trọng rất thấp; một công ty có lợi thế kinh doanh nhờ công nghệ hiện đại và vị trí vàng, hứa hẹn có tiềm năng phát triển mở rộng trong tương lai, phù hợp với định hướng phát triển xã hội hóa điện năng của Chính phủ.

Tin bài liên quan