Những thành công từ Đề án tái cơ cấu Agribank

Những thành công từ Đề án tái cơ cấu Agribank

(ĐTCK) Sau 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015, Agribank đã vượt lên chính mình khi hoàn thành hầu hết các mục tiêu đề ra.

Quyết liệt tái cơ cấu, xử lý nợ xấu

Không thể phủ nhận 3 năm vừa qua là quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với Agribank khi phải căng sức xử lý các tồn tại, hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng. Còn nhớ, ngay khi đi vào hoạt động, hợp đồng đầu tiên mà Công ty Quản lý tài sản (VAMC) ký kết là mua lại 2.300 tỷ đồng nợ xấu của Agribank.

Điều đó phần nào cho thấy, gánh nặng nợ xấu mà Agribank phải xử lý trong thời gian qua không hề nhỏ. Tuy nhiên, đến 31/8/2015, tỷ lệ nợ xấu của Agribank đã được đưa về mức 2,81% trước cả thời hạn mà NHNN đề ra và đến 31/12/2015, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 2,01%. Có được kết quả này là sự quyết tâm và nỗ lực không mệt mỏi của tập thể Ban lãnh đạo cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên Agribank.

Hoạt động trong bối cảnh khó khăn, Agribank phải áp dụng và kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp mới có thể xử lý được nợ xấu. Theo đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng tín dụng để ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh, với những khách hàng có khả năng phục hồi, Agribank áp dụng biện pháp “lấy nợ nuôi nợ”, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi để giúp khách hàng vượt qua khó khăn và phục hồi khả năng trả nợ. Song song với việc áp dụng các biện pháp cơ cấu nợ xấu, Agribank vẫn phải bám sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, kiểm soát dòng tiền của khách hàng, đảm bảo thu hồi vốn vay đối với các khoản nợ được cơ cấu lại.

Với những khách hàng không có khả năng phục hồi thì kiên quyết thu nợ hoặc nhận tài sản bảo đảm thay thế nghĩa vụ trả nợ, chuyển nợ vay thành vốn góp, sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu. Cùng với đó là đẩy mạnh xử lý, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, bán nợ xấu cho VAMC và các tổ chức khác.

“Xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong số các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu, Agribank đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chất lượng tín dụng, từng bước kiềm chế và giảm dần nợ xấu.

Chỉ tính riêng từ tháng 11/2013 đến nay, đã có gần 300 văn bản về cơ chế, quy định, quy trình nghiệp vụ được Agribank ban hành, trong đó có trên 150 văn bản về lĩnh vực tín dụng”, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank nhấn mạnh. 

Tập trung vào mặt trận chiến lược: nông nghiệp, nông thôn

Nợ xấu giảm chẳng những giúp cải thiện thanh khoản, tăng khả năng cung ứng vốn, mà còn tạo điều kiện cho Agribank hạ thấp lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, ngay từ đầu năm 2015, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường huy động vốn, đồng thời tiết giảm tối đa chi phí hoạt động nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo đó, tính đến cuối năm 2015, nguồn vốn huy động tăng 16,5% và tổng dư nợ tín dụng tăng 16% so với đầu năm. Lãi suất huy động bình quân giảm gần 0,5% so với cuối năm 2014, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,61% so với đầu năm 2015.

“Tín dụng của Agribank tăng trưởng mạnh từ nửa cuối năm 2015, tập trung vào nhóm khách hàng hộ sản xuất và cá nhân; các lĩnh vực kinh tế thu hút tăng trưởng tín dụng mạnh là cho vay chăn nuôi, trồng trọt; cho vay đáp ứng nhu cầu đời sống; cho vay thu mua, chế biến xuất nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm…”, bà Phượng cho hay.

Quan trọng hơn cả, Agribank đã tập trung vào vấn đề cốt lõi, tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; doanh nghiệp nhỏ và vừa; lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các lĩnh vực ưu tiên khác. Tính đến nay, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 73%/tổng dư nợ, đạt 487.453 tỷ đồng.

Bà Phượng nhấn mạnh: “Bên cạnh cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã và đang triển khai có hiệu quả đầu tư tín dụng đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ phát triển kinh tế 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tái canh cà phê khu vực Tây Nguyên, cho vay tạm trữ lúa gạo, cho vay phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, cho vay thí điểm mô hình chuỗi liên kết và nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị quyết 14/NQ-CP...”

Trong thời gian tới, Agribank tiếp tục giữ ổn định mặt bằng lãi suất, đồng thời tăng tỷ trọng cho vay trung, dài hạn để đáp ứng nhu cầu hợp lý cho “Tam nông” và các thành phần kinh tế, tiếp tục khẳng định vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.        

-Năm 2015, hoạt động kinh doanh của Agribank  đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Agribank tiếp tục dẫn đầu các NHTM với tổng tài sản đạt trên 874.000 tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 804.000 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2014. Tổng dư nợ cho vay đạt trên 673.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cuối năm 2014, trong đó dư nợ đầu tư cho "Tam nông" chiếm 73%/tổng dư nợ. Thu dịch vụ tăng 14,6%, đạt mục tiêu đề ra của Đề án. Nợ xấu 2,01%.

-Agribank đã vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2015, đạt 3.700 tỷ đồng; tiếp tục tiên phong, chủ lực triển khai tín dụng chính sách, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, khẳng định được vị thế của một ngân hàng lớn, mang tầm vóc quốc gia.

-Năm 2015, Agribank là NHTM duy nhất 05 liên tiếp đạt Top 10 VNR50. Hãng xếp hạng quốc tế Fitch Ratings nâng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) và mức trần hỗ trợ từ Chính phủ (SRF) của Agribank từ B lên B+; được tạp chí uy tín thế giới The Banker xếp hạng 446/1000 ngân hàng lớn nhất thế giới; Top 10 Thương hiệu nổi tiếng Việt Nam và Thương hiệu nổi tiếng nhất theo ngành hàng; Ngân hàng vì cộng đồng năm 2015…

Tin bài liên quan