aVới việc thay đổi nhận diện thương hiệu và nội thất PGD, NamA Bank đã có diện mạo mới hết sức ấn tượng

aVới việc thay đổi nhận diện thương hiệu và nội thất PGD, NamA Bank đã có diện mạo mới hết sức ấn tượng

Nam A Bank chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán

(ĐTCK) Dù kế hoạch lên niêm yết của nhiều nhà băng được giậm giạp từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển, do ngân hàng thực hiện tái cơ cấu và bối cảnh TTCK chưa thực sự thuận lợi. 

Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tài chính một lần nữa khẳng định lại chủ trương sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát, thúc đẩy các NHTM lên sàn trong năm 2015. NamA Bank đã trở thành ngân hàng nổ phát pháo hiệu đầu tiên khi công bố đang triển khai, hoàn tất các thủ tục để được cho phép lên niêm yết.

Lên sàn để minh bạch hơn

Không chỉ chịu áp lực tăng vốn điều lệ, các NHTM đang chịu sức ép không nhỏ về việc lên sàn chứng khoán. Hồi cuối năm 2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và NHNN đã thống nhất đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ chủ trương đưa các ngân hàng đại chúng lên giao dịch trên TTCK có tổ chức để tăng tính minh bạch cho hoạt động của các TCTD và kiểm soát được tỷ lệ sở hữu. Tới tháng 7/2014, NHNN và UBCK nhắc lại chủ trương trên và đưa ra lộ trình trong năm 2015, tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) phải lên niêm yết.

Thực tế cho thấy, sau gần 1 năm NHNN đặt mục tiêu hối thúc các ngân hàng đại chúng lên niêm yết, nhằm gỡ sở hữu chéo và tiến tới minh bạch hóa hoạt động của các thành viên trong hệ thống, ngoại trừ BIDV là ngân hàng duy nhất lên niêm yết trong năm 2014, tới nay, ngành ngân hàng vẫn chưa ghi nhận thêm trường hợp nào lên sàn. Trước bối cảnh ngành ngân hàng thực hiện tái cơ cấu và làn sóng M&A ngày càng sôi động, kế hoạch niêm yết của các ngân hàng dường như vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Mới đây, trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2015 về tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm, một lần nữa, Bộ Tài chính lại nhấn mạnh về việc sẽ phối hợp với NHNN rà soát, xây dựng kế hoạch thúc đẩy các tổ chức tín dụng lên niêm yết.

Thông tin mới nhất được Ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết, Ngân hàng đã đáp ứng đủ điều kiện và đang tiến hành hoàn tất các thủ tục để được lên niêm yết sớm nhất trong năm 2015 này. Việc niêm yết trên TTCK với những quy định chặt chẽ về quản trị doanh nghiệp và công bố thông tin sẽ giúp Ngân hàng hoạt động minh bạch hơn, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu NamA Bank cũng như mở ra cơ hội đầu tư, gia tăng cổ tức cho các cổ đông NamA Bank. 

Củng cố nội lực trước khi niêm yết

Năm 2014, NHNN đã cho phép Nam A Bank được tự tái cấu trúc, mở rộng mạng lưới hoạt động, với việc mở thêm 8 chi nhánh và phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tàu, TP. HCM và Bến Tre… Cùng với đó, Nam A Bank đã chuyển đổi thành công hệ thống nhận diện thương hiệu toàn diện. Bằng việc di dời các điểm giao dịch chưa đạt chuẩn ra các vị trí thuận lợi và rộng rãi hơn, nội thất được thiết kế hiện đại và thân thiện với khách hàng, NamA Bank đã có một diện mạo mới hết sức ấn tượng.

Nam A Bank đang tạo ra những bước đi bền vững và tích cực khi triển khai các giải pháp tái cơ cấu toàn diện. Nhờ đó, hoạt động của Ngân hàng phát triển nhanh và an toàn; huy động vốn từ dân cư tăng cao, tăng trưởng tín dụng tốt, nợ xấu luôn được kiểm soát; hệ thống quản trị và tổ chức bộ máy, mạng lưới từng bước không ngừng nâng cao.

Lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank tăng trưởng bền vững trong những năm qua. Riêng năm 2014, ước lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Nam A Bank là 243 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2013 (tăng 32,79 % so với chỉ tiêu đưa ra đầu năm 2014 là 183 tỷ đồng). NamA Bank hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và Ngân hàng đang trong quá trình chờ được cấp phép tăng vốn lên 3.700 – 4.000 tỷ đồng. Nhiều khả năng, phương án tăng vốn này sẽ được thông qua trong năm 2015.

Việc củng cố nội lực thông qua kế hoạch tự tái cơ cấu của NamA Bank nhằm thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, tạo được thanh khoản tốt khi đưa cổ phiếu lên sàn.

Hiện trên 2 sàn chứng khoán, đang có 9 ngân hàng niêm yết, gồm VCB, CTG, ACB, EIB, STB, SHB, MBB, BID, NVB. Hầu hết trong số đó là những ngân hàng lớn, có kết quả hoạt động kinh doanh khả quan và tiềm năng tăng trưởng tốt, thu hút được nhà đầu tư. Vì thế, việc chuẩn bị nội lực tốt trước khi niêm yết trên sàn của NamA Bank được xem là yếu tố cần và đủ.                     

Tin bài liên quan