Mối quan hệ tương hỗ

Mối quan hệ tương hỗ

(ĐTCK) Kể từ khi thành lập vào năm 2005 đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 981 DN với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán hơn 8.722 tỷ đồng, trong đó có  6 tổng công ty lớn đã cổ phần hóa.

Tuy nhiên, phần lớn DN bàn giao về Tổng công ty phân tán, rải rác; trong đó đa phần là các DN quy mô nhỏ (vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng) chiếm khoảng 85%, nhiều DN thuộc diện nhà nước không cần nắm giữ vốn; hoạt động không hiệu quả, lỗ lũy kế nhiều năm; nhiều tồn tại về tài chính nên cổ phần hóa không thành công (không bán được cổ phần) dẫn đến tỷ trọng vốn nhà nước tại các DN này còn lớn. 

Trước thực trạng này, SCIC đã phải phân loại DN theo 4 nhóm. Nhóm A1 - các DN sẽ được Tổng công ty chủ động giữ lại để đầu tư dài hạn; Nhóm A2 - các DN Tổng công ty nắm giữ 100% vốn; có cổ phần, vốn góp chi phối; cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Nhóm B1 - Các DN cần cơ cấu lại để nâng cao giá trị vốn đầu tư trước khi bán hết vốn. Nhóm B2 - các DN cần phải triển khai bán hết vốn ngay.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN để từ đó nâng cao hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước, SCIC đặc biệt đề cao vai trò của người đại diện vốn tại các DN. Họ là cầu nối trực tiếp giữa DN và Tổng công ty, giúp cho mối quan hệ giữa DN và SCIC là mối quan hệ thủy chung, trong sáng và đầy trách nhiệm.

Tổng công ty đã rà soát, kiện toàn hệ thống Người đại diện vốn nhà nước tại các DN như: xây dựng phương án thay thế những cán bộ đã đến tuổi, quá tuổi về hưu; tách bạch chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc… Đặc biệt, tại những DN quan trọng, phần vốn nhà nước chi phối, nhiều tồn tại, hạn chế, Tổng công ty đã trực tiếp cử cán bộ Tổng công ty đại diện vốn tại DN, tham gia kiêm nhiệm/biệt phái giữ những vị trí quan trọng như thành viên hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, ban kiểm soát/kiểm soát viên, tổng giám đốc/giám đốc...

Thông qua hệ thống người đại diện, SCIC đã chủ động tham gia các ÐHCĐ; nghiên cứu, góp ý và biểu quyết các quyết định, các phương án kinh doanh của DN; thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin và kiểm tra hoạt động của DN; tham gia mua cổ phần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại các DN kinh doanh có hiệu quả, có tiềm năng, tạo ra giá trị gia tăng cho vốn nhà nước.

DN thuộc danh mục của SCIC hầu hết là các công ty đại chúng, trong đó có nhiều DN hiện đang niêm yết trên TTCK, giữ vị thế đầu ngành, hoạt động hiệu quả, tham gia đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế. “Các DN có vốn của SCIC hoạt động hiệu quả, có nghĩa SCIC cũng sẽ hoạt động hiệu quả. Đó là mong muốn và là niềm vui lớn nhất của chúng tôi”, lãnh đạo Tổng công ty chia sẻ.    

Tin bài liên quan