Việc thiết kế sản phẩm trái phiếu có các đặc điểm phù hợp với khẩu vị của nhà đầu tư là rất quan trọng

Việc thiết kế sản phẩm trái phiếu có các đặc điểm phù hợp với khẩu vị của nhà đầu tư là rất quan trọng

Mở rộng không gian gọi vốn bằng trái phiếu

(ĐTCK) Không chỉ thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) Việt Nam phải đối mặt với sự trầm lắng, với lượng vốn huy động và thanh khoản suy giảm, mà thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng chưa có sự khởi sắc cần thiết. Trao đổi với ĐTCK, ông Vũ Quang Đông, Giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, thị trường cần nhiều sự đổi mới chính sách để bật lên.

VCBS là một trong Top các CTCK hàng đầu, có thị phần môi giới trái phiếu và tín phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) lớn, đóng góp từ 5-10% thị phần giao dịch của toàn thị trường. Đâu là sản phẩm, nghiệp vụ để tối ưu hóa nhu cầu huy động vốn của DN thông qua kênh TPCP của VCBS, thưa ông?

Với vị thế là CTCK đầu tiên tham gia thị trường trái phiếu tại Việt Nam, ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 2002) cho đến nay, thị phần môi giới trái phiếu của VCBS luôn nằm trong top những CTCK có thị phần cao.

Dựa trên các mối quan hệ mật thiết với nhiều ngân hàng và các quỹ tương hỗ khác nhau, đặc biệt là Vietcombank, VCBS có thể sắp xếp việc huy động các khoản vay nợ cho DN nhằm đạt được sự phát triển như mong muốn. Bên cạnh đó, VCBS cũng cung cấp nguồn vốn cho các tổ chức về việc nắm giữ cổ phần với chi phí cạnh tranh nhất. Trong quá trình hoạt động, VCBS coi trọng đến hai mảng cốt lõi của thị trường trái phiếu, đó là bảo lãnh phát hành và môi giới trái phiếu.

Mở rộng không gian gọi vốn bằng trái phiếu ảnh 1

 Ông Vũ Quang Đông

Về lĩnh vực môi giới trái phiếu, VCBS đang hợp tác chặt chẽ với các định chế tài chính trong nước và quốc tế, để đưa ra những sản phẩm tư vấn phát hành chứng khoán vốn tốt nhất cho khách hàng. VCBS còn có những thuận lợi khi được thừa hưởng hệ thống khách hàng và đối tác đa dạng của ngân hàng mẹ. Đặc biệt, với sự thay đổi trong hệ thống Core giao dịch mà Công ty vừa đưa vào vận hành từ đầu tháng 8/2015, VCBS sẽ tiếp tục mang tới cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ tối ưu và hiệu quả.

8 tháng đầu năm nay, Chính phủ mới huy động được khoảng 50% kế hoạch vốn từ TPCP. Theo ông, vì sao lại có hiện trạng này?

Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng thị trường TPCP kém sôi động hơn so với những năm trước, đó là do ngân hàng bị hạn chế dòng tiền đầu tư vào chứng khoán, trong đó có trái phiếu; Lãi suất không còn hấp dẫn các dòng vốn lớn; Quy định Chính phủ chỉ được phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên;...

Ngoài ra, có thể thấy các công cụ thúc đẩy tính thanh khoản trên TTCK còn chưa nhiều, cần sự nỗ lực hơn nữa của HNX, của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng như Bộ Tài chính để thị trường thứ cấp thanh khoản mạnh hơn, dòng tiền luân chuyển dễ dàng hơn trên thị trường trái phiếu.

Các DN dường như khó sử dụng trái phiếu DN để tìm nguồn vốn, mà chủ yếu sử dụng vốn qua kênh tín dụng ngân hàng. Theo ông, có cách nào để cải thiện tình trạng này, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp lớn lên?

Ưu điểm của trái phiếu doanh nghiệp so với việc sử dụng các kênh tín dụng thông thường là khi phát hành trái phiếu, DN sẽ được giải ngân ngay và toàn bộ, thay vì việc giải ngân có lộ trình theo từng đợt. Nhờ vậy, DN có sự chủ động hơn nhiều về nguồn vốn so với vay ngân hàng.

Mặt khác, có thể thiết kế được nhiều sản phẩm đối với trái phiếu do tính linh hoạt và thanh khoản trong việc mua bán và xử lý là khá cao. Cụ thể, Trái phiếu có thể được chào bán cho nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính; có thể được sử dụng làm tài sản để cầm cố thế chấp; có thể được thiết kế những tính năng như trả trước, cam kết mua lại, chuyển đổi thành cổ phiếu, trái phiếu kèm quyền mua…

Ở vai trò nhà tư vấn chuyên nghiệp, xin ông chia sẻ một số điểm các DN cần lưu ý nếu muốn gọi vốn qua kênh này?

Thứ nhất, để tiếp cận được thị trường vốn trái phiếu, DN cần đảm bảo tính công khai minh bạch (về tình hình tài chính, kế hoạch đầu tư, định hướng phát triển…) của chính đơn vị mình. Như vậy, nhà đầu tư sẽ có thông tin và cơ sở đánh giá về tiềm năng phát triển và xem xét cơ hội đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp đó.

Thứ hai, DN cần đảm bảo các yêu cầu pháp lý khi thực hiện phát hành trái phiếu.

Thứ ba, việc thiết kế sản phẩm trái phiếu có các đặc điểm phù hợp với khẩu vị các nhà đầu tư là rất quan trọng. Ngoài ra, việc cân nhắc thời điểm hợp lý là cần thiết nếu DN muốn thực hiện phát hành trái phiếu thành công.

Để đảm bảo các yếu tố này, DN có thể dựa vào một tổ chức tài chính trung gian có uy tín tư vấn, thiết kế sản phẩm, hỗ trợ thủ tục pháp lý, lựa chọn thời điểm phát hành và thu xếp phân phối trái phiếu.

Trong năm 2015, với vai trò là đơn vị phát hành trái phiếu cho Masan Consumer Holdings (MCH), VCBS đã ký thỏa thuận phát hành 9.000 tỷ đồng trái phiếu có thời hạn 5 năm. Theo kế hoạch năm 2015, VCBS sẽ thu xếp huy động 15.000 tỷ đồng vốn qua kênh trái phiếu DN. Ngoài ra, VCBS đã tư vấn thành công trái phiếu Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam, CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm...

Tin bài liên quan