CTD sẽ không đơn thuần là nhà thầu xây dựng hàng đầu, mà là một tổ chức kinh tế, trong đó dẫn đầu về lĩnh vực xây dựng

CTD sẽ không đơn thuần là nhà thầu xây dựng hàng đầu, mà là một tổ chức kinh tế, trong đó dẫn đầu về lĩnh vực xây dựng

Mô hình quản trị mới của Coteccons: “Bình mới cho rượu mới”

(ĐTCK) Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) đã thay đổi cơ cấu tổ chức công ty theo thông lệ quản trị công ty tốt, được hướng dẫn bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD ), nhằm chuẩn bị nền tảng cho bước phát triển tiếp theo với quy mô doanh nghiệp ngày càng lớn, doanh thu dự kiến hơn 1,2 tỷ USD và hoạt động kinh doanh mở rộng ngoài lĩnh vực xây dựng cốt lõi, tạo lợi nhuận bền vững.

Từ đầu năm 2015 đến cuối năm 2016, CTD tăng trưởng mạnh, với tổng tài sản tăng khoảng 2,5 lần, từ 4.863 tỷ đồng lên 11.740 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng từ 2.527 tỷ đồng lên 6.233 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động xây lắp hiện nay là 30%/năm, cộng với chiến lược mở rộng đầu tư, M&A để lợi nhuận từ các hoạt động ngoài xây lắp tăng lên, chiếm 50% tổng lợi nhuận, thì CTD dự kiến bước vào giai đoạn “tăng trưởng kép”, dựa trên 2 trụ cột chính là xây lắp và hoạt động đầu tư khác, thay vì chỉ dựa vào xây lắp như hiện nay.

Sự lớn mạnh của doanh nghiệp đặt ra yêu cầu thiết yếu phải đổi mới về cơ cấu tổ chức, mô hình quản trị, tiếp cận thông lệ quản trị tiên tiến để đảm bảo kiểm soát các rủi ro trong cả hệ thống. Vì thế, Đại hội đồng cổ đông CTD ngày 29/6 vừa qua đã bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới gồm 7 thành viên, trong đó có 3 thành viên độc lập, không sở hữu cổ phần.

Ngay sau Đại hội, Hội đồng quản trị CTD đã bầu ông Nguyễn Bá Dương là Chủ tịch và phân công nhiệm vụ của các thành viên, thành lập 4 tiểu ban chuyên trách chiến lược, đầu tư, lương thưởng và rủi ro. Dự kiến, sang năm, Hội đồng quản trị CTD sẽ có 9 thành viên, trong đó tối thiểu 5 thành viên độc lập, đồng thời Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị sẽ được thành lập, thay thế cho mô hình Ban kiểm soát hiện tại.

Thực tế trên thế giới đã chứng minh, các công ty có bộ phận kiểm toán nội bộ hoạt động hiệu quả thì kiểm soát rủi ro tốt, hiệu quả kinh doanh cao hơn. Cho nên, “kiểm toán nội bộ được ví như ngọn hải đăng soi đường cho con thuyền doanh nghiệp đi đúng hướng giữa những cơn bão biển thị trường kinh doanh”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Bá Dương, người sáng lập và dẫn dắt CTD lâu nay, chuyển giao nhiệm vụ điều hành, để tập trung xây dựng chiến lược với sự hợp lực từ các thành viên Hội đồng quản trị khác tiếp tục giữ lái con tàu CTD bước vào giai đoạn mới, tăng tốc phát triển. Theo ông Dương, CTD sẽ không đơn thuần là nhà thầu xây dựng hàng đầu, mà là một tổ chức kinh tế, trong đó dẫn đầu về lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam.

Các thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị CTD được kỳ vọng sẽ đem lại sức mạnh cộng hưởng, bởi các thế mạnh khác nhau. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Ông Trần Quốc Thắng là sáng lập viên điều hành nhiều công ty về đầu tư, chứng khoán, am hiểu sâu sắc thị trường tài chính. Giáo sư Tan Chin Tiong, hiện là cố vấn cấp cao của Trường Đại học Quản trị Singapore, từng làm cố vấn cho nhiều tập đoàn đa quốc gia về quản trị chiến lược. CTD đang tiếp tục tìm những người giỏi và uy tín để đề cử vào Hội đồng quản trị, nhằm nâng cao chất lượng quản trị công ty.

Ngoài ra, tại công ty có tính đại chúng cao như CTD thì sự tham gia của các thành viên Hội đồng quản trị độc lập còn giúp hài hòa lợi ích giữa cổ đông, người lao động khi xây dựng các chương trình lương thưởng, phúc lợi, phát hành cổ phiếu ưu đãi…

Việc ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTD chuyển giao nhiệm vụ điều hành là sự thay đổi tất yếu trong quá trình phát triển, phù hợp với thông lệ quản trị công ty tốt và đáp ứng trước quy định tại Nghị định 71/2017/NĐ-CP về quy chế quản trị công ty đại chúng. Theo đó, từ 1/8/2020, các công ty đại chúng đều phải chấm dứt kiêm nhiệm hai chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc.

Thực tế, chuyển giao quyền điều hành ở CTD đã được chuẩn bị từ nhiều năm nay. Công tác triển khai thi công các dự án lớn, trọng điểm, kể cả dự án có độ khó cao như Lanmark 81 đều do bộ máy CTD thực hiện, mà ông Nguyễn Bá Dương không cần điều hành trực tiếp. Ông Nguyễn Sỹ Công, tân Tổng giám đốc CTD thuộc đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ 2 tại CTD, đã trải qua nhiều vị trí quản lý chủ chốt, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Công ty.

Sự đổi mới về mô hình quản trị, cơ cấu tổ chức ở CTD để nâng cao chất lượng quản trị công ty được đánh giá là điều kiện then chốt quyết định sự tăng trưởng nhanh và bền vững của doanh nghiệp. Việc chủ động áp dụng thông lệ quản trị công ty tốt của Ban lãnh đạo CTD đã củng cố niềm tin cho cổ đông, nhà đầu tư.   

Tin bài liên quan