MB - xây niềm tin bằng sự vững tiến

MB - xây niềm tin bằng sự vững tiến

(ĐTCK) Đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM từ năm 2011, cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MBB – HoSE) luôn nhận được những lời đánh giá tích cực từ các chuyên gia, các nhà phân tích trong và ngoài nước. Đặc trưng riêng có của cổ phiếu MBB trong 5 năm lên sàn là luôn giữ niềm tin của cổ đông, của nhà đầu tư bằng sự ổn định của thị giá và hỗ trợ phía sau đó là sự tăng trưởng bền vững của Ngân hàng.

1. Dấu ấn tự hào

Đầu tháng 11 năm 2016, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) ghi dấu mốc tròn 22 năm hoạt động. Tuổi đời của MB trong ngành ngân hàng thuộc “lớp trẻ”, nhưng MB đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường tài chính với tốc độ tăng trưởng vững vàng, mạnh mẽ. Nếu như năm 1994, thời điểm mới thành lập, MB có quy mô vốn điều lệ vỏn vẹn 20 tỷ đồng và 25 cán bộ nhân viên, thì đến nay, vốn điều lệ của Ngân hàng đạt 17.127 tỷ đồng, tổng tài sản tính tại thời điểm cuối tháng 9/2016 đạt 236.954 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn huy động bình quân giai đoạn 2005 - 2014 đạt 44%/năm, tăng trưởng dư nợ cho vay cùng giai đoạn đạt bình quân 40%/năm, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 44%/năm…

22 năm xây dựng và trưởng thành, từ một doanh nghiệp quy mô nhỏ, MB đã vươn lên đã trở thành một tập đoàn tài chính đa năng với ngân hàng mẹ MB tại Việt Nam và chi nhánh tại Lào, Campuchia, cùng 7 công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ…

Mạng lưới điểm giao dịch và hệ thống nhân sự không lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, nhưng MB ghi dấu ấn phát triển hiệu quả nhất và ổn định nhất trong ngành, khi trong 4 năm, 2012-2015, các chỉ tiêu lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE), lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), hiệu quả hoạt động/nhân sự nằm trong nhóm dẫn đầu. Sau 5 năm thực hiện chiến lược kinh doanh mới, MB đã ghi tên mình trong Top 3 ngân hàng thương mại cổ phần, Top 5 ngân hàng thương mại tốt nhất tại Việt Nam.

Không ngừng lớn mạnh, MB không chỉ được Bộ Quốc phòng lựa chọn là ngân hàng cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Bộ, góp phần tích cực và hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc phòng, mà còn phục vụ rất hiệu quả cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2015, MB được Chủ tịch nước trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 2016, MB tiếp tục nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu uy tín trong và ngoài nước. Asian Banker, tạp chí tài chính - ngân hàng uy tín hàng đầu châu Á đã tôn vinh MB là “Best Managed Bank in Vietnam Award” (Ngân hàng được quản trị tốt nhất Việt Nam). Đặc biệt, cá nhân Thiếu tướng Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng là CEO duy nhất của Việt Nam đạt giải thưởng “The CEO Leadership Achievement Award” (Giải thưởng Thành tựu lãnh đạo), bình xét trong giai đoạn 2013 -2015.

2. Mối duyên với chứng khoán

MB cũng là ngân hàng có nhiều cái “đầu tiên” trong hệ thống. Năm 2004, MB là ngân hàng đầu tiên thực hiện bán đấu giá cổ phần với tổng giá trị 20 tỷ đồng. Hay năm 2007, MB là ngân hàng đại chúng đầu tiên được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng.

Trong những năm qua, Ngân hàng duy trì được tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ bình quân từ 15 - 20% và luôn nằm trong nhóm ngân hàng niêm yết có hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Tỷ lệ cổ tức của cổ đông hàng năm được duy trì từ 10% trở lên, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của ngành ngân hàng.

Chính vì lẽ đó, MB không chỉ giữ chân được cổ đông cũ, mà thu hút thêm nhà đầu tư. Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã trở thành cổ đông lớn của MB, bên cạnh các cổ đông lớn hiện hữu như Viettel, Tổng công ty cổ phần Trực thăng Việt Nam, Công ty TNHH Tân Cảng Sài Gòn và nhiều quỹ đầu tư nước ngoài… Những đợt phát hành tăng vốn của Ngân hàng luôn nhận được sự ủng hộ của cổ đông hiện hữu.

9 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn do diễn biến của nền kinh tế chưa thuận lợi, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, hàng loạt ngân hàng báo lỗ do trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao, MB báo lãi trước thuế hợp nhất 2.724 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 76,7% kế hoạch năm. Nợ xấu của Ngân hàng được kiểm soát ở mức 1,36%.   

Đến với Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM, hình ảnh MBB được treo trang trọng trong nhóm các mã cổ phiếu lớn nhất ngay tại sảnh tầng 1 như một biểu tượng đẹp của các doanh nghiệp nội trên thị trường vốn Việt Nam. 

3. Khát vọng MB

Năm 2015 đánh dấu việc hoàn thành kế hoạch tái cấu trúc theo Đề án Tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 của MB. Năm 2015, Ngân hàng kiên định mục tiêu “Tái cơ cấu, phát triển bền vững” với những bước đi vững chắc, khẳng định vị thế Top 5 ngân hàng thương mại tại Việt Nam về lợi nhuận và hiệu quả.

Năm 2014, MB là 1 trong 10 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chọn để thí điểm áp dụng Basel II. Đây là bộ tiêu chuẩn khắt khe về tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng. Việc áp dụng Basel II đặt nhiều ngân hàng trước sức ép tăng vốn và điều này khiến nhiều ngân hàng e ngại.

Theo chia sẻ của Thiếu tướng Lê Công, Tổng giám đốc MB, việc áp dụng Basel II cũng xuất phát từ nhu cầu nội bộ của Ngân hàng. Bởi lẽ, việc tuân thủ bộ tiêu chuẩn này giúp Ngân hàng đảm bảo an toàn trong hoạt động, đó là mục tiêu mà MB luôn hướng tới. Mặt khác, muốn vươn ra thị trường quốc tế, bắt buộc các ngân hàng Việt phải tuân thủ các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Ngay tại nhiều nước trong khu vực ASEAN, các ngân hàng đã tuân thủ Basel II, thậm chí Basel III.

Việc MB ứng dụng mô hình 3 vòng kiểm soát vào cơ cấu quản trị đã tách bạch chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị chuyên môn, giảm thiểu chồng chéo, nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu quả quản trị rủi ro. Khung chính sách, quy định, quy trình hỗ trợ nhận diện, đánh giá, phòng ngừa rủi ro cũng được xây dựng và từng bước hoàn thiện phù hợp với thực tế kinh doanh. Bên cạnh đó, MB cũng đầu tư nguồn lực thiết lập các công cụ, mô hình lượng hóa rủi ro nhằm hỗ trợ việc ra các quyết định kinh doanh trên cơ sở cân bằng thu nhập - rủi ro.

Trong câu chuyện về bước đi tiếp theo của MB 5 năm tới, Tổng giám đốc Lê Công cho biết, nếu như 5 năm trước, mục tiêu của MB là Top 3 ngân hàng thương mại cổ phần tốt nhất Việt Nam và đã đạt được, thì 5 năm tới, MB xác định mục tiêu Top 5 ngân hàng thương mại Việt Nam với khoảng cách giữa MB và 4 ngân hàng có vốn nhà nước ngày càng gần lại.

So với 4 ngân hàng có vốn nhà nước, MB ít hơn nhiều về tuổi đời (năm 2016, MB tròn 22 năm, trong khi VCB, Argibank, Vietinbank, BIDV trên 50 năm hoạt động) và theo đó, các chỉ số về quy mô (vốn điều lệ, tổng tài sản, nhân sự..) của MB chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 so với khối ngân hàng có vốn Nhà nước.

Dù còn khoảng cách khá xa về quy mô với Top 4, nhưng MB quyết tâm sẽ chinh phục mục tiêu chiến lược trên con đường tương lai, quyết tâm phấn đấu kéo gần khoảng cách với 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tại Việt Nam.

Mới đây, MB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 800 tỷ đồng lên 17.127,4 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức đợt 2 năm 2015. Như vậy, sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ, MB là ngân hàng TMCP có số vốn điều lệ trong Top 6 trong hệ thống ngân hàng, sau VietinBank (37.234 tỷ đồng), BIDV (34.187 tỷ đồng), Vietcombank (26.650 tỷ đồng), Agribank (28.770 tỷ đồng) và Sacombank (18.852 tỷ đồng).

Để thực thi được khát vọng của mình, MB sẽ kiên định chiến lược trở thành ngân hàng số thông minh, ngân hàng thuận tiện với mọi khách hàng, dựa trên hai nền tảng: quản trị rủi ro hàng đầu và thẩm định tín dụng vượt trội, văn hóa và thực thi nhanh, hướng tới khách hàng.    

Tin bài liên quan