Thượng tướng Lê Hữu Đức

Thượng tướng Lê Hữu Đức

MB: Tiến tới một tập đoàn tài chính đa năng

(ĐTCK) “Thành công của Ngân hàng Quân đội (MB) trong những năm qua đến từ nhiều yếu tố.Trong đó, có những yếu tố đã được duy trì và phát huy từ những ngày đầu thành lập, từ văn hóa, truyền thống của Ngân hàng; có những yếu tố được hình thành trong quá trình thực hiện các chiến lược phát triển, tạo động lực đưa MB tiến lên. Năm 2015 là năm bản lề, năm cuối của chương trình triển khai chiến lược giai đoạn 2011 - 2015, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2015 - 2020 của MB”.

Thượng tướng Lê Hữu Đức, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch MB chia sẻ.

Năm 2014 là năm thứ 4 liên tiếp, MB dẫn đầu về lợi nhuận trong khối ngân hàng TMCP không do Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Ông có thể chia sẻ những cơ sở, nền tảng để MB đạt được thành công này?

Năm 2014, MB hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh đã đặt ra: tổng tài sản đạt 200.489 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2013; tăng trưởng dư nợ đạt 15%; huy động đạt 23%; tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 2,73% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu kiểm soát dưới 3,5% được thông qua tại Đại hội cổ đông 2014.

MB tuân thủ tốt các quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tỷ lệ an toàn vốn (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro - CAR), với tỷ lệ an toàn vốn đạt 10,07% so với mức yêu cầu là 9%; tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung, dài hạn chỉ ở mức 19,03%; khả năng thanh khoản tốt. Điều này cho thấy sự ổn định và bền vững trong hoạt động của Ngân hàng.

Đạt được kết quả này là nhờ nhiều yếu tố. Trong đó, có những yếu tố đã được duy trì và phát huy từ những ngày đầu thành lập, từ văn hóa, truyền thống của Ngân hàng; có những yếu tố được hình thành trong quá trình Ngân hàng thực hiện các chiến lược phát triển, tạo động lực đưa MB tiến lên. Đó là Chiến lược phát triển giai đoạn 2004 - 2008. Đây là giai đoạn phát triển và tăng trưởng đột phá, với các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu tăng từ 7 - 10 lần, đưa MB vào Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam.

Sau đó là Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, dựa trên 3 trụ cột chính: “Ngân hàng cộng đồng, Ngân hàng chuyên nghiệp, Ngân hàng giao dịch”, cùng 2 nền tảng thực thi: “Quản trị rủi ro hàng đầu, thẩm định tín dụng vượt trội” và “Văn hóa thực thi nhanh, hướng tới khách hàng”. Phương châm tăng trưởng của Ngân hàng là: “Nhanh, khác biệt, bền vững, hiệu quả”, với 22 giải pháp, sáng kiến triển khai chiến lược, để xây dựng Ngân hàng Quân đội trở thành “Ngân hàng thuận tiện” cho mọi khách hàng. Việc triển khai chiến lược 2011 - 2015 đã giúp MB vươn lên, vững vàng nằm trong Top 5 ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam.

Bên cạnh đó, phải kể đến sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của các cơ quan, đơn vị quân đội; sự chỉ đạo, hỗ trợ của NHNN, các bộ, ban, ngành Trung ương, chính quyền địa phương và sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo khách hàng trên mọi miền Tổ quốc. Đồng thời, đó là sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên MB; sự chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của Chính phủ, của NHNN trong mọi hoạt động nghiệp vụ; chú trọng đào tạo bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, nhân viên các cấp, giữ gìn uy tín và các giá trị văn hóa cốt lõi của Ngân hàng. Đó là những yếu tố đã góp phần vào sự thành công của MB trong những năm qua.

MB tin tưởng, với sự ủng hộ của các cổ đông, đối tác, những kế hoạch mà Ngân hàng đặt ra năm 2015 sẽ được triển khai thành công  

Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động của ngành ngân hàng trong thời gian tới sẽ chịu tác động không nhỏ từ các chính sách mới được ban hành. Chẳng hạn, Thông tư 36/2014/TT-NHNN hạn chế trần nắm giữ cổ phần 5% vốn điều lệ tại các ngân hàng, cũng như trần hoạt động đầu tư, nắm giữ cổ phiếu, trái phiếu trong các ngân hàng. MB đã có sự chuẩn bị gì để hạn chế những tác động này, thưa ông?

Trước tiên, tôi khẳng định, các hoạt động của MB đều dựa trên cơ sở thượng tôn pháp luật và Ngân hàng luôn tuân thủ nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, NHNN cũng như các cơ quan chức năng. Đối với Thông tư 36, tôi cho rằng, đây là một động thái tích cực của NHNN nhằm làm minh bạch hoạt động của ngành ngân hàng và đưa các tiêu chuẩn quy định trong hoạt động ngân hàng Việt Nam tiệm cận với các thông lệ đang được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng quốc tế. Điều này rất cần thiết. Sắp tới, trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, có thể chúng ta sẽ chứng kiến sự hiện diện của nhiều ngân hàng ngoại hơn nữa. Lúc đó, chúng ta phải cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế ngay trên sân nhà.

Về phía MB, Ngân hàng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không chỉ cho việc tuân thủ Thông tư 36, mà còn có lộ trình cho việc áp dụng đầy đủ các quy định theo Basel 2.

Không ít ngân hàng đã bắt đầu các hoạt động sáp nhập. Điều này sẽ làm thay đổi đáng kể vai trò và vị thế của các ngân hàng trên thị trường, thậm chí sẽ tác động đến MB khi quy mô hoạt động, cơ cấu vốn, tổng tài sản... của họ tăng cao. Liệu MB có ý định sáp nhập ngân hàng khác để bảo đảm vị thế của mình?

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) nằm trong chủ trương tái cấu trúc ngành ngân hàng của NHNN, nhưng mặt khác, M&A từ lâu cũng đã được MB cân nhắc, nhằm phát triển nhanh, gia tăng thị phần, tăng quy mô và chất lượng, đảm bảo lợi ích cho cổ đông từ những lợi ích về quy mô. Mặc dù nằm trong chủ trương khuyến khích thực hiện sáp nhập tự nguyện của NHNN, nhưng MB hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn đối tác để thực hiện việc sáp nhập, nhằm phù hợp chiến lược phát triển của MB và đảm bảo các lợi ích lâu dài cho cổ đông.

Hiện MB đang có chủ trương sáp nhập với một công ty tài chính để triển khai lĩnh vực kinh doanh mới là tài chính tiêu dùng nhằm đa dạng hóa nguồn thu, giảm rủi ro và khai thác các tiềm năng phát triển trong tương lai.

Năm ngoái, MB không hoàn thành mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 15.500 tỷ đồng, ông có thể chia sẻ lý do vì sao? Trong năm 2015, MB có tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ không, thưa ông?

Trong năm 2014, MB đã cố gắng để tăng vốn điều lệ lên 15.500 tỷ đồng, tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước vẫn có nhiều biến động và thách thức, việc tăng vốn chưa thể hoàn thành. Trong năm 2015, MB đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ đồng nhằm đảm bảo mục tiêu đứng vững trong Top 5 các ngân hàng thương mại tại Việt Nam (cùng với Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank) và cạnh tranh với các ngân hàng khác trong khối TMCP; tiếp tục đẩy mạnh quy mô về vốn, tăng trưởng các chỉ tiêu cơ bản như tổng tài sản...; đồng thời cải thiện chỉ số CAR ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, kế hoạch tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng sẽ giúp MB mở rộng sản xuất - kinh doanh vào các lĩnh vực khác, nhằm đưa MB trở thành một tập đoàn tài chính vững mạnh, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm toàn diện cho các khách hàng. HĐQT và Ban lãnh đạo MB đã xây dựng các giải pháp để đảm bảo việc triển khai tăng vốn điều lệ theo đúng kế hoạch đề ra. MB tin tưởng, với sự ủng hộ của các cổ đông, đối tác, kế hoạch này sẽ triển khai thành công trong năm 2015.

Nền kinh tế năm 2015 được dự đoán sẽ tích cực và ổn định hơn, MB có đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới để tận dụng những cơ hội thị trường không, thưa ông?

Tại ĐHCĐ năm 2014, các cổ đông đã nhất trí thông qua định hướng hoạt động giai đoạn 2014 - 2019, với tầm nhìn đưa MB trở thành ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, tiến tới một tập đoàn tài chính đa năng trên nền ngân hàng thương mại kết hợp phát triển mạnh mẽ các dịch vụ tài chính, đầu tư thuộc các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, quản lý tài sản, quản lý quỹ.

Năm 2015 là năm cuối của chương trình triển khai chiến lược giai đoạn 2011 - 2015. Các kế hoạch cho năm 2015 đã được HĐQT MB phê duyệt, với mục tiêu đưa MB đứng vững trong Top 5 ngân hàng thương mại tại Việt Nam, đạt tốc độ tăng trưởng gấp 1,5 - 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đối với các chỉ tiêu cơ bản, bao gồm tăng trưởng doanh thu thuần sau rủi ro, tín dụng và huy động. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2015 - 2020, MB sẽ triển khai định hướng chiến lược như đã nêu ở trên với chương trình Chiến lược 2015 - 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, MB tiếp tục năng cường năng lực tài chính; đẩy mạnh phát triển kênh liên kết với Viettel; nâng cao năng lực về công nghệ, nhân sự; phát triển thương hiệu và các kênh cung cấp dịch vụ; triển khai lĩnh vực kinh doanh mới bao gồm bảo hiểm nhân thọ và tài chính tiêu dùng.

MB kỳ vọng, việc kết hợp các lĩnh vực kinh doanh này với các hoạt động kinh doanh ngân hàng cốt lõi sẽ giúp Ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu, giảm rủi ro, bảo vệ và phát triển giá trị của Ngân hàng trong tương lai. Qua đó, nâng cao giá trị phần vốn góp của các cổ đông.

Tin bài liên quan