Quan điểm kinh doanh của MB là luôn hướng tới khách hàng, “giúp bạn là giúp mình”

Quan điểm kinh doanh của MB là luôn hướng tới khách hàng, “giúp bạn là giúp mình”

MB - danh hiệu Anh hùng

(ĐTCK) Hơn một năm sau ngày đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (tháng 11 năm 2014), ngày 24/12/2015, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) sẽ tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. 

Năm 2015, MB là tổ chức tín dụng duy nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này cho những thành tích đạt được trong giai đoạn 2005 - 2014. 

Vững vàng vượt sóng

Ngày 15 tháng 4 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành Nghị định 42/2010/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Theo quy định tại Nghị định 42, danh hiệu “Anh hùng Lao động” được trao cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc, trung thành với Tổ quốc, là tấm gương sáng, mẫu mực về mọi mặt. Bên cạnh 6 tiêu chí làm cơ sở để đề xuất danh hiệu này (xem bảng), Nghị định còn quy định, tổ chức được các bộ, ngành, địa phương đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng phải có số phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng từ 90% trở lên so với tổng số thành viên Hội đồng được xin ý kiến tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về xét, bỏ phiếu kín các trường hợp đề nghị Anh hùng Lao động.

MB nỗ lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam  

MB - danh hiệu Anh hùng ảnh 1

Ông Lê Hữu Đức 
Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB)
 

MB luôn mong muốn mang lại cho cổ đông, khách hàng, đối tác và cộng đồng các giá trị gia tăng từ dịch vụ chuyên nghiệp, sự thuận tiện trong giao dịch, nỗ lực đóng góp vào quá trình phát triển của hệ thống tài chính và tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Kỳ vọng của MB là sẽ nằm trong TOP 3 ngân hàng thương mại cổ phần tốt nhất Việt Nam, với mạng lưới tối ưu tại các khu vực kinh tế trọng điểm trong nước và tại các nước trong khu vực, gắn bó chặt chẽ với khách hàng và cộng đồng. Mở ra những hướng đi mới, cách làm mới, phát huy những thế mạnh nội tại, giúp MB vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, thử thách hiện tại và tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ, đột phá của MB trong tương lai.  

Có lẽ vì tiêu chí rất khắt khe và đặc biệt như vậy, nên trong lịch sử phát triển ngành ngân hàng, cho đến nay, không nhiều tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong giai đoạn 2005 - 2014, hồ sơ của MB đã đạt được sự đồng thuận của Hội đồng, góp thêm niềm vinh quang Ngân hàng sẽ chính thức được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho suốt hơn 21 năm toàn tâm nỗ lực, góp sức xây dựng nền kinh tế.

Từ 25 nhân sự ngày khởi đầu (năm 1994), MB hôm nay là nơi hội tụ của 7.640 nhân sự, làm việc tận tâm, hiệu quả. Trong 10 năm trở lại đây (2004 - 2014), nền kinh tế thế giới trải qua nhiều biến cố khó lường, kéo theo những khó khăn, thách thức với nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng MB luôn vững vàng vượt sóng. Trong giai đoạn 2004-2014, trong khi nhiều ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, hạn chế cấp tín dụng, khiến nhiều khách hàng, DN gặp khó khăn trong việc tiếp nhận vốn, nhưng MB vượt qua được khó khăn này. Ngân hàng luôn giữ được thanh khoản tốt, vẫn tiếp tục tăng trưởng tín dụng, xây dựng các gói cung ứng vốn phù hợp để hỗ trợ tích cực cho các khách hàng, giúp nhiều chủ thể trong nền kinh tế vượt qua những khó khăn, biến động.

Một trong những tư tưởng kinh doanh đến nay vẫn nhiều người nhắc nhớ, đã được Thiếu tướng, TS. Lê Công, Tổng giám đốc MB chia sẻ với ĐTCK vào thời kỳ khó khăn nhất trong 10 năm gần đây của nền kinh tế (năm 2012-2013) đó là: “Khách hàng còn cơ hội, chúng tôi còn giúp sức”.

Là một DN đại chúng, một ngân hàng đã niêm yết trên TTCK, Ban lãnh đạo MB phải chịu trách nhiệm với hàng vạn cổ đông, nhưng ở MB, văn hóa kinh doanh mang đậm chất nhân văn, đã trở thành một nét đẹp riêng có của những người lính thời bình làm doanh nghiệp.

MB - danh hiệu Anh hùng ảnh 2

Từ 25 nhân sự ngày khởi đầu (năm 1994), MB hôm nay là nơi hội tụ của 7.640 nhân sự, làm việc tận tâm, hiệu quả 

Thời kỳ khó khăn nhất, khi nền kinh tế nước ta có tăng trưởng GDP chỉ ở mức chấp chới 5%, mỗi tháng có hàng nghìn, hàng vạn DN phải đóng cửa, MB đã không co cụm để giữ mình khi người lãnh đạo Ngân hàng có góc nhìn xuyên qua khó khăn của nền kinh tế.

Trao đổi với ĐTCK, TS. Lê Công chia sẻ: “Trong khó khăn, nếu các ngân hàng cứ co cụm lại vì sợ nợ xấu, sợ rủi ro thì sẽ có thêm hàng nghìn, hàng chục nghìn DN tốt phải dừng hoạt động. Đó là tổn thất rất lớn cho nền kinh tế. MB, vì thế đã và sẽ nỗ lực tối đa để giúp các DN tốt, các DN nỗ lực hoạt động và còn cơ hội, vượt qua khó khăn tạm thời để vươn lên”.

MB - danh hiệu Anh hùng ảnh 3 

Vậy MB giúp các DN bằng cách nào? Ông nói: “Chúng tôi đã và đang giúp DN bằng nhiều cách, cơ cấu lại tài chính, giãn nợ, cho vay mới, thậm chí là đàm phán với các ngân hàng bạn để cùng hợp sức cứu những DN đáng được sống; đàm phán với cơ quan chức năng để tạo thêm cơ hội sống cho DN. Tại nhiều DN, nếu ngân hàng quay mặt đi, họ sẽ chết, nhưng nếu được tiếp sức và hợp tác, họ sẽ vượt qua khó khăn để vươn lên”.

Và MB đã làm đúng như những gì người điều hành cao nhất đã nói. Năm 2012, thông qua MB, gần 75.000 tỷ đồng đã được cung ứng ra nền kinh tế; năm 2013 tăng lên trên 88.000 tỷ đồng và năm 2014 là trên 100.000 tỷ đồng… Nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng đã giúp hàng ngàn DN trụ vững, duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động và vươn lên, góp sức vào đà tăng trưởng chung, dần khởi sắc của nền kinh tế (năm 2015, tăng trưởng GDP dự kiến vượt 6,5%).

MB - danh hiệu Anh hùng ảnh 4 

Với quan điểm hướng đến khách hàng, “giúp bạn là giúp mình”, MB đã giữ vững các khách hàng truyền thống và mở rộng hiệu quả các khách hàng mới, gắn kết các DN, các chủ thể cùng song hành cùng phát triển với MB. Chính quan điểm này đã giúp MB vượt qua nhiều ngân hàng quy mô lớn trong Top 10.

Trong môi trường chung kinh doanh khó khăn, nợ xấu ngân hàng cao, MB đạt được kết quả kinh doanh ổn định, lợi nhuận cao, trên 3.000 tỷ đồng mỗi năm, trong khi nợ xấu luôn duy trì ở mức thấp (chưa năm nào chạm ngưỡng 3%). Khoản thuế thu nhập MB đóng góp vào Ngân sách Nhà nước lên tới gần 1.000 tỷ đồng/năm, trung bình kể từ năm 2011-2014.

Mang thương hiệu Quân đội, người MB làm việc dựa trên 6 giá trị: Đoàn kết – Kỷ luật – Tận tâm – Thực thi – Tin cậy – Hiệu quả. Thực tế, mức lợi nhuận trước thuế bình quân trên 1 điểm giao dịch và bình quân trên 1 người tại MB đứng hàng đầu trong hệ thống các ngân hàng với hàng loạt các giải thưởng trong và ngoài nước ghi nhận thành quả của MB. 

Thắp sáng niềm tin người lính làm kinh tế

Đánh giá về MB trong Đại hội đồng cổ đông đầu năm 2015, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh chia sẻ, điểm khác biệt của Ngân hàng là trong cả khi nền kinh tế khó khăn, thách thức, MB vẫn hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận cao nhất khối ngân hàng thương mại không có vốn Nhà nước chi phối. MB giữ vững uy tín, vị thế của mình trên thương trường và tuân thủ tốt các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

“Với sự đoàn kết, nhất trí cao trong Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên, MB chắc chắn sẽ chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ”, Phó Thống đốc nói.

Niềm tin của Ngân hàng Nhà nước, của cổ đông, của đối tác đang tiếp sức cho MB, nhưng để vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh môi trường kinh doanh thay đổi với nhiều yếu tố mới từ hội nhập kinh tế quốc tế, là bài toán hóc búa với bất kỳ DN nào, kể cả với DN vững vàng như MB. Theo tiến trình hội nhập, Việt Nam đã bước vào “sân chơi” TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), ký hiệp định song phương với một số quốc gia lớn và ngày 31/12/2015, Việt Nam sẽ chính thức tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Trong khi đó, như TS. Lê Công chia sẻ, nếu như quy mô vốn bình quân của 1 ngân hàng trong khối ASEAN khoảng 1 tỷ USD, thì tại Việt Nam, ngân hàng lớn nhất mới đạt quy mô vốn chủ sở hữu 1 tỷ USD. Tại Singapore, ngân hàng lớn nhất có quy mô vốn 600 tỷ USD, tầm vóc mà một ngân hàng Việt Nam còn rất lâu nữa mới dám nghĩ tới. Đi cùng với quy mô vốn lớn hơn, các ngân hàng lớn khu vực còn có lịch sử hoạt động lâu dài hơn, kinh nghiệm, năng lực quản trị và nền tảng công nghệ tốt hơn rất nhiều

Danh hiệu Anh hùng Lao động
Tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc, trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là tấm gương sáng, mẫu mực về mọi mặt, đạt được các tiêu chuẩn sau:
a) Là tập thể tiêu biểu dẫn đầu toàn quốc về các mặt: năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành và đất nước;
b) Dẫn đầu toàn quốc trong việc đổi mới công nghệ, có nhiều thành tích trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái;
c) Dẫn đầu trong việc bồi dưỡng, đào tạo trình độ về mọi mặt cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; là điển hình về công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để các tập thể khác noi theo;
d) Dẫn đầu trong việc triển khai và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tốt quyền lợi của người lao động, quản lý tốt tiền vốn, tài sản, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản;
đ) Tập thể đoàn kết, nhất trí, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, tổ chức chính quyền, đoàn thể vững mạnh toàn diện, được chính quyền địa phương và nhân dân ca ngợi;
e) Đã được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất (trừ trường hợp lập được thành tích đột xuất).

Bên cạnh những tiêu chuẩn trên, tập thể, cá nhân được các bộ, ngành, địa phương đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng phải có số phiếu đồng ý của các thành viên Hội đồng từ 90% trở lên so với tổng số thành viên Hội đồng được xin ý kiến tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về xét, bỏ phiếu kín các trường hợp đề nghị Anh hùng. 
(Trích tiêu chí để một tập thể được xem xét trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động tại Nghị định 42/2010/NĐ –CP).

Vậy phải làm thế nào để vững bước trong môi trường kinh doanh luôn biến đổi, cơ hội đan xen rất nhiều thách thức? Tổng giám đốc MB chia sẻ, giải pháp đầu tiên để ứng phó với sự thay đổi là phải xây dựng được năng lực cạnh tranh cốt lõi. Trong quan điểm của vị CEO này, dù các đối thủ cạnh tranh đến từ bên kia biên giới có mạnh đến bao nhiêu, DN Việt Nam vẫn có những thế mạnh không thể thay thế và nếu xây dựng được cho mình năng lực cạnh tranh cốt lõi, DN sẽ đứng vững trên thị trường nội địa và không thua khi vươn tầm kinh doanh ra nước ngoài…

Trong chiến tranh, người Việt Nam đã làm nên một đất nước Anh hùng khi đánh thắng 2 cường quốc mạnh nhất thế giới. Trong phát triển đất nước thời bình và hội nhập, người Việt Nam đang từng bước hòa mình với nhịp đập của nền kinh tế thế giới. Từ vị thế của một nước kém phát triển với thu nhập bình quân/người thấp, Việt Nam đã quyết tâm đổi mới với rất nhiều nỗ lực kiến tạo đất nước, để vượt lên vị thế của một nền kinh tế đang phát triển, với thu nhập bình quân/người ở mức trung bình. Trong Bản dự thảo Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội do Ban chấp hành Trung ương Đảng xây dựng, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới, 1 trong 4 quan điểm trong phát triển kinh tế - xã hội là sẽ phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, chủ động hội nhập quốc tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh DN Việt Nam, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ở mục tiêu cụ thể hơn, bản báo cáo đặt ra mục tiêu sẽ thúc đẩy việc hình thành các DN lớn, thương hiệu mạnh, nâng cao sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị trong và ngoài nước.

MB - ở vị thế của một doanh nghiệp - một ngân hàng nội địa - 21 năm qua đã khẳng định mình là tấm gương sáng, tiêu biểu cho sự nỗ lực, toàn tâm làm việc để vươn lên, góp sức, xây dựng nền kinh tế. Với tầm nhìn và hoài bão lớn, MB sẽ tiếp tục thắp sáng niềm tin của nhân dân vào những người lính làm kinh tế thời bình...

Tin bài liên quan