IBSC chuyển động mạnh để đón cơ hội M&A

(ĐTCK) “CTCK IB (IBSC) đang có những bước đi mạnh mẽ, đặc biệt là thúc đẩy phát triển mảng ngân hàng đầu tư để đón bắt xu hướng tái cấu trúc, mua bán - sáp nhập (M&A) được dự báo sẽ diễn ra sôi động bởi tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”, ông Tào Minh Dương, Giám đốc Dịch vụ ngân hàng đầu tư, IBSC trao đổi với ĐTCK.

Theo ông, khi TPP có hiệu lực sẽ tác động ra sao đến các DN Việt Nam?

Tham gia TPP mở ra nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ được phân bổ đồng đều hơn tại các khu vực trên toàn cầu. Hiện kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang các nước châu Á vẫn chiếm phần nhiều. TPP sẽ mở ra cơ hội cho DN xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường châu Âu, châu Mỹ.

 Ông Tào Minh Dương

Thứ hai, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam như: nông sản, dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ… sẽ có nhiều thuận lợi khi xuất khẩu vào các nước như Nhật Bản, Canada, Mỹ, vì khi thực hiện TPP, các nước này sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng đó của Việt Nam.

Thứ ba, các cam kết cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ là cơ hội lớn để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Khi đó, chúng ta giải quyết được nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực cũng như toàn cầu mà TPP mang lại.

Tuy nhiên, bên cạnh viễn cảnh tăng trưởng xuất khẩu, sẽ có nhiều sức ép cạnh tranh đối với các DN Việt Nam khi TPP có hiệu lực. Việc đưa thuế nhập khẩu về 0% trong các thành viên TPP dẫn đến hàng hóa nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam ngày càng nhiều. Khi đó, các DN sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, chịu sức ép cạnh tranh nhiều hơn, nhất là các DN vừa và nhỏ, vốn ít. 

Đối với hoạt động tái cấu trúc, M&A DN, TPP sẽ có tác động như thế nào?

Các hoạt động tái cấu trúc, M&A được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới nhằm thích ứng với môi trường hội nhập TPP.

Khu vực DNNN sẽ phải thực hiện nhanh chương trình tái cơ cấu đã được thúc đẩy trong những năm qua như cổ phần hóa (CPH), thoái vốn ra khỏi lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, đổi mới năng lực quản trị theo hướng hiện đại... Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm thúc đẩy tái cơ cấu DNNN. Theo kế hoạch, năm 2014 - 2015 phải CPH 432 DN, đến tháng 10/2015 đã CPH được 258 DN.

Với khối DN tư nhân, trước sức ép của TPP, các DN cần nỗ lực gia tăng sức cạnh tranh, trong đó trọng tâm là nâng cao năng lực tài chính. TTCK là kênh dẫn vốn quan trọng cho DN, nên hoạt động phát hành trên TTCK sẽ gia tăng trong những năm tới. Hoạt động M&A dự báo cũng diễn ra mạnh mẽ hơn. Các DN thực hiện hoạt động này nhằm tạo ra các thực thể mạnh hơn để đứng vững trong cạnh tranh.

Một nhân tố nữa phải kể đến, đó là hoạt động M&A có nhân tố nước ngoài. Gia nhập TPP, Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Nhiều NĐT nước ngoài sẽ đến Việt Nam đầu tư để tận dụng các lợi thế của nước ta, cũng như vị thế của nước thành viên TPP. Bởi vậy, hoạt động M&A có yếu tố nước ngoài nhiều khả năng sẽ gia tăng khi các NĐT nước ngoài muốn tận dụng hạ tầng, mạng lưới, nhân sự sẵn có của các DN Việt Nam, thay vì trực tiếp đầu tư phải cần thời gian để thiết lập hệ thống. 

Trong bối cảnh trên, IBSC đang có những bước đi nào để đón bắt các cơ hội tái cấu trúc, M&A trong thời gian tới, thưa ông?

Để thích ứng với TPP, bản thân IBSC đang thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ. Chúng tôi đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống phần mềm giao dịch mới hiện đại, mở Chi nhánh tại TP. HCM, thành lập Công ty Quản lý quỹ IB, tuyển dụng thêm các nhân sự cao cấp…

Trong chiến lược phát triển sắp tới, mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư của IBSC được xác định là hoạt động nòng cốt. Với định hướng này, chúng tôi đã triển khai toàn diện các nghiệp vụ: tư vấn CPH, thoái vốn DNNN; tư vấn niêm yết, phát hành chứng khoán, bảo lãnh phát hành và tư vấn M&A. Tuy mới thực hiện tái cấu trúc, nhưng với lực lượng nhân sự giàu kinh nghiệm, thời gian qua IBSC đã triển khai nhiều hợp đồng lớn như: tư vấn CPH cho Công ty TNHH MTV Hanel, Công ty cấp nước Vĩnh Long, Công ty cấp nước Tiền Giang; tư vấn thoái vốn cho CTCP Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư giao thông vận tải... Giá trị hợp đồng đã ký kết dự kiến hoàn thành trong năm nay là 15,2 tỷ đồng, trong đó phí bảo lãnh phát hành ước đạt 11,5 tỷ đồng.

Trong năm 2016, IBSC sẽ đẩy mạnh mảng tư vấn phát hành trái phiếu. ĐHCĐ bất thường năm 2015 của Công ty mới đây đã thông qua chủ trương huy động thêm 350 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ từ 667 tỷ đồng lên trên 1.000 tỷ đồng, nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ chứng khoán phái sinh, cũng như tham gia sâu hơn vào thị trường M&A, thị trường bảo lãnh phát hành chứng khoán trong tương lai.

Tin bài liên quan